Đa dạng nguồn sinh kế
Lào Cai hiện có 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh, còn được gọi là vùng "lõi nghèo" là: Hoàng Thu Phố, Lùng Cải (huyện Bắc Hà); Dền Thàng, Pa Cheo (huyện Bát Xát); Nậm Chày (huyện Văn Bàn); La Pan Tẩn, Tả Thàng, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin, Lùng Khấu Nhin (huyện Mường Khương). Đây là những xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn nhất, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, tiếp cận dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản khó khăn nhất và tỷ lệ hộ nghèo cao nhất.
Để giúp đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định, tiến tới từng bước xóa vùng "lõi nghèo", chính quyền các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh đang tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân phát triển kinh tế và đi làm việc tại công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Xã La Pan Tẩn (Mường Khương) đang là điểm sáng trong việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, góp phần giảm nghèo. Ông Sùng Dấu, Phó Chủ tịch UBND xã La Pan Tẩn cho biết, tính riêng năm 2024, xã có trên 420 lao động đi làm việc ở trong và ngoài tỉnh, nhiều lao động làm việc tại thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản... thu nhập ổn định từ 30 - 40 triệu đồng/người/tháng. Tính đến hết quý I/2025, xã có 26 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài và có thêm nhiều người dân đăng ký.
Người thân anh Vàng Seo Dìn (thôn Sà San) cho biết, sau 4 tháng làm việc tại Đài Loan, anh đã gửi về nhà hơn 150 triệu đồng hoàn trả hết khoản vay vốn tín dụng để đi làm việc ở nước ngoài. Đến nay, sau gần 1 năm, anh Dìn gửi được trên 300 triệu đồng về quê, góp phần hỗ trợ gia đình phát triển sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thực hiện tốt công tác đưa người lao động đi làm việc trong và ngoài nước, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm mạnh từ trên 62% (398 hộ) năm 2023 xuống còn khoảng 40,4% năm 2024 (265 hộ). Năm 2025, xã phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 10,44%. Để đạt mục tiêu này, La Pan Tẩn xác định chủ trương đưa người dân đi làm việc trong và ngoài nước là kênh giảm nghèo chủ lực của xã, từ đó đẩy mạnh tuyên truyền.
Theo ông Sùng Dấu, ngoài thông tin tuyên truyền qua các hội nghị, phiên giao dịch, tư vấn, giới thiệu việc làm..., xã đẩy mạnh truyền thông trên hệ thống loa truyền thanh của xã hoặc ứng dụng mạng xã hội cho thấy hiệu quả cao. Hằng tuần, các thông tin tuyển dụng lao động được chia sẻ tại nhóm Facebook, Zalo của xã, thôn, của các tổ chức hội, đoàn thể góp phần đưa thông tin nhanh, kịp thời đến người lao động, giúp họ có thể trao đổi thông tin trực tiếp với cộng tác viên, tuyên truyền viên hoặc đơn vị tuyển dụng.
Năm 2025, xã Hoàng Thu Phố, huyện Bắc Hà phấn đấu thoát khỏi nhóm 10 xã nghèo nhất của Lào Cai. Khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh địa phương, liên tục nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ hộ nghèo của Hoàng Thu Phố giảm trên 10%/năm. Năm 2024, tỷ lệ giảm nghèo đạt cao với 12,44% xếp thứ 4/18 xã, thị trấn của Bắc Hà. Năm 2025, xã đặt mục tiêu tỷ lệ giảm nghèo còn 9,23%, đưa số hộ nghèo còn lại ở mức dưới 30%; đưa thu nhập bình quân đầu người từ trên 35 triệu đồng/người/năm lên hơn 40 triệu đồng/người/năm.
Hiện thực hóa mục tiêu này, ông Lý Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Thu Phố cho biết, xã tiếp tục tập trung phát triển và mở rộng diện tích cây trồng, vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, thị trường ổn định từ nhiều năm qua như cây ăn quả ôn đới, chè, chăn nuôi lợn, gà bản địa, nuôi cá chép ruộng...
Hiện, xã có gần 200ha lê cùng trên 2.300 gốc chè shan tuyết cổ thụ là nguồn sinh kế giúp người dân từng bước thoát nghèo. Nằm ven ngay tuyến đường liên xã, quả đồi rộng hơn 1 ha nhà anh Tráng Seo Khúa, thôn Hoàng Hạ được bao bọc bởi bạt ngàn cây lê. Trên diện tích này, anh trồng 2.700 gốc lê tai nung; trong đó, có hơn 400 gốc bước vào thời kỳ cho thu hoạch quả. Trung bình, mỗi năm, gia đình anh Khứa ước tính thu về hơn 100 triệu đồng từ lê, gấp 10 lần so với trồng ngô trên cùng đơn vị diện tích.
Anh Khứa cho biết, ban đầu, gia đình và người dân địa phương trồng lê chỉ với mục đích kinh doanh nông sản. Nhưng, vài năm gần đây, mỗi mùa lê nở hoa, thường xuyên có nhiều đoàn khách đến tham quan, chụp ảnh tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân bản địa. Ngoài ra, những gốc chè cổ thụ trăm tuổi được người dân bảo vệ, gìn giữ như báu vật, đem lại nguồn thu nhập ổn định khi lá chè bán được giá cao.
Triển khai đồng bộ, lồng ghép các giải pháp
Năm 2024, với sự vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền và sự đồng lòng của nhân dân, tại 10 xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất Lào Cai, hộ nghèo đã xuống còn 39,48%. Toàn tỉnh có 646 hộ thoát nghèo, đạt 103% so với mục tiêu kế hoạch.
Tỉnh Lào Cai vẫn đặt ra mục tiêu cho năm 2025 là giảm tỷ lệ hộ nghèo tại 10 xã khó khăn đạt bình quân từ 11,45% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, từ nay đến hết năm, Lào Cai triển khai đồng bộ, lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về thông tin và truyền thông, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp nông thôn, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, đào tạo nghề và giải quyết việc làm… đem lại hiệu quả cao trong giảm nghèo tại các xã nghèo.
Theo đó, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thông tin và truyền thông về giảm nghèo. Tỉnh nâng cấp, hoàn thiện, cứng hóa 100% hệ thống đường giao thông liên thôn; đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội: văn hóa, giáo dục, y tế và một số công trình thiết yếu khác, đảm bảo điều kiện cho người dân các xã được tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản.
Lào Cai triển khai các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp, cây dược liệu có thế mạnh của địa phương mang giá trị kinh tế hàng hóa phù hợp; phát triển, nhân rộng hiệu quả mô hình kinh tế tập thể tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu OCOP; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…
Địa phương duy trì và nâng cao chất lượng mức độ đạt chuẩn phổ cập giáo dục; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 4 tuổi. Đồng thời, tỉnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp và phân luồng cho học sinh; định hướng các hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu thị trường lao động, phục vụ nhu cầu của tỉnh (du lịch, khai khoáng, dịch vụ...).
Tỉnh bảo đảm 100% người dân tại các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao tham gia bảo hiểm y tế; phấn đấu 100% xã có tỷ lệ hộ nghèo cao đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế; căn cứ nhu cầu thực tế xây dựng kế hoạch luân phiên bác sỹ xuống làm việc tại trạm y tế tối thiểu 2 ngày/tuần.
Các xã và cơ quan liên quan khảo sát chi tiết số lao động trong độ tuổi chưa có việc làm nhưng có nhu cầu học nghề, tìm kiếm việc làm mới; kết nối doanh nghiệp tổ chức 10 phiên/hội nghị tư vấn, giao dịch việc làm tại các xã cho 300 - 350 lượt người... Trong năm 2025, Lào Cai đặt mục tiêu đào tạo nghề cho khoảng 500 lao động nông thôn tại các xã nghèo.