Chúng tôi đến thăm già A Ginh khi già cùng con cháu mang bộ cồng chiêng gần 100 năm tuổi cất kỹ trong tủ ra lau chùi, chỉnh âm để chuẩn bị ôn lại những bài chiêng phục vụ trong lễ mừng Tết Nguyên Đán sắp đến.
Già A Ginh vừa mân mê chiếc chiêng cổ vừa kể về lịch sử của bộ cồng chiêng gần 100 năm tuổi này. Bộ cồng chiêng có tổng cộng 18 cái, trong đó có 8 cái chiêng và 10 cái cồng được già A Ginh mua từ năm 1982. Khi mua nó, chủ cũ cho biết bộ cồng chiêng này có tuổi đời gần bằng tuổi của già A Ginh lúc ấy. Chủ của bộ cồng chiêng lúc bấy giờ ra giá 25 triệu đồng, không đủ tiền mua, già A Ginh về nhà bán đàn bò của gia đình quyết mua cho bằng được bộ cồng chiêng vì trong suy nghĩ của ông là chỉ muốn lưu giữ lại văn hóa cộng đồng mình để con cháu sau này không bị mai một bản sắc dân tộc. Có được bộ cồng chiêng, ông cùng trai làng ngày đêm luyện tập đánh thành thạo các bài chiêng để phục vụ các mùa lễ hội, ma chay trong làng như lễ hội đâm trâu, lễ bỏ mã, lễ mừng lúa mới... Là của riêng nhưng không giữ lại cho mình, ông cho làng Rơ Wăt mượn bộ cồng chiêng quý bất cứ lúc nào làng cần đến.
Già làng A Giuh – làng Rơ Wăt tâm sự: “Già A Ginh hiền lắm, ông có bộ cồng chiêng quý nhưng lúc nào làng cần là ông cũng cho mượn để tập cho lũ trẻ trong làng hay để biểu diễn trong các lễ hội của làng Rơ Wăt. Già A Ginh là lịch sử sống của làng chúng tôi. Thời kháng chiến, ông tham gia cách mạng, là người lái đò, đêm đêm đưa các chiến sỹ cách mạng qua sông Đăk Bla để đến vùng căn cứ đóng quân, ông còn nuôi cán bộ nằm vùng biết bao nhiêu năm kháng chiến. Yêu quê hương đất nước, yêu bản sắc văn hóa dân tộc mình, ông đã có nhiều cống hiến cho làng cùng với tâm huyết bảo tồn và gìn giữ văn hóa cộng đồng như dạy cồng chiêng cho lớp trẻ, chế tác đàn tơ rưng, đan gùi… Già A Ginh là một trong những người hiếm hoi làm ra mô hình nhà rông để lớp trẻ dựng nên mái nhà rông của làng ngày nay. Già cùng bộ chiêng của ông ấy là “của hiếm” của làng Rơ Wăt này.”
Hiện già A Ginh đã lớn tuổi nên việc đánh cồng chiêng không còn chuẩn như thời trẻ. Trước khi cho phép mình nghỉ ngơi, ông cũng đã kịptruyền dạy cho lớp con cháu, người dân trong làng cách diễn tấu cồng chiêng, cách bảo tồn văn hóa của cộng đồng mình. Hiện anh A Yenh, nghệ nhân trong làng là người thường xuyên mượn bộ cồng chiêng của già A Ginh để dạy cho các lớp thiếu niên trong làng cách diễn tấu cồng chiêng, tiếp nối bản sắc văn hóa cộng đồng, phục vụ trong mùa lễ hội sắp đến.
Già A Ginh truyền dạy cho lớp con cháu, người dân trong làng cách diễn tấu cồng chiêng, cách bảo tồn văn hóa của cộng đồng mình. |
Biết đến bộ cồng chiêng của già A Ginh, rất nhiều người đến hỏi mua, trả giá từ 50-80 triệu đồng nhưng già nhất quyết không bán. Nhưng chỉ cần làng có việc, già lại lục đục vào lấy từng chiếc cồng, chiếc chiêng cất cẩn thận trong tủ ra cho mượn với niềm hân hoan muốn được cống hiến cho dân làng. Được hỏi vì sao không bán bộ cồng chiêng, già A Ginh trầm ngâm: “Tôi muốn con cháu lưu giữ được bản sắc văn hóa dân tộc Ba Na, nghe tiếng cồng chiêng sẽ nhớ về quá khứ, nhớ về ông bà xưa. Bộ cồng chiêng này đã theo tôi gần nửa cuộc đời, tôi muốn giữ lại nó để sau này tôi có chết đi, khi làng Rơ Wăt đem bộ cồng chiêng này ra đánh thì sẽ nhớ đến tôi”.
Hiện nay, ở Kon Tum vẫn còn có nhiều bộ cồng chiêng có giá trị hơn bộ của già A Ginh nhưng bộ cồng chiêng này đã gắn bó cùng ông và dân làng Rơ Wăt đi qua nhiều mùa lễ hội, gắn bó với ông gần nửa đời người nên không gì có thể đánh đổi được giá trị tinh thần ấy. Dân làng Rơ Wăt thấy bộ cồng chiêng và già A Ginh là như thấy lại những kỷ niệm trong quá khứ, để không quên nguồn cội. Do đó, bộ cồng chiêng và già A Ginh trở thành “của hiếm” của làng Rơ Wăt. thế.
Ngoài bộ cồng chiêng cổ, trong nhà già A Ginh còn lưu giữ 2 chiếc ghè cổ, mỗi chiếc có giá trị quy đổi bằng 3 con bò tại thời điểm hơn 50 năm trước đây.