Kiên Giang - nửa thế kỷ với khát vọng vươn mình

Ngày 30/4/1975, Kiên Giang hòa mình trong niềm vui của dân tộc, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau đại thắng, Kiên Giang với ý chí xây dựng quê hương, đồng hành cùng cả nước trong nửa thế kỷ khát vọng vươn mình.

Hàn gắn vết thương chiến tranh

Chú thích ảnh
Công trình cống sông Kiên ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ sản xuất, nước sinh hoạt cho thành phố Rạch Giá và vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang).

Ngày 5/4/1975, Tỉnh ủy Rạch Giá (Kiên Giang) hạ quyết tâm “Nắm lấy thời cơ chung, phát huy tinh thần tự lực, tự cường là chính, bằng 3 mũi giáp công, bằng mọi lực lượng, liên tục tiến công và nổi dậy khắp 3 vùng, tiêu diệt, tiêu hao thật nhiều sinh lực địch, khẩn trương tích cực tạo thế và lực mới, tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa giành thắng lợi hoàn toàn”.

Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước, Kiên Giang có trên 15.000 cán bộ, chiến sỹ, đồng bào yêu nước vĩnh viễn nằm xuống, cùng hàng chục nghìn thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng đã để lại một phần thân thể, mang thương tật suốt đời để dành độc lập, tự do, hòa bình cho quê hương, đất nước.

Phát huy truyền thống anh hùng trong kháng chiến, Kiên Giang bắt tay vào tái thiết cơ sở hạ tầng, khôi phục sản xuất nông nghiệp và giải quyết các vấn đề xã hội trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn.

Trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh khai hoang, phục hóa vùng Tứ giác Long Xuyên, chuyển đổi cơ cấu giống lúa có năng suất cao. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, tổng sản lượng lương thực tăng nhanh, từ 690.000 tấn (năm 1986) lên 920.000 tấn (năm 1990). Ngành Thủy sản khôi phục và phát triển. Chỉ trong 5 năm, tàu cá Kiên Giang tăng từ 280 chiếc (năm 1985) lên hơn 5.000 chiếc (năm 1990); trong đó, nhiều tàu cá công suất lớn vươn khơi đánh bắt xa bờ.

Giai đoạn 2000 - 2020, kinh tế Kiên Giang phát triển khá toàn diện trên cơ sở công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những công trình kênh thoát lũ ra biển Tây và dẫn nước ngọt từ sông Hậu về vùng Tứ giác Long Xuyên ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất phát triển nhanh chóng. Nhân dân tích cực khai hoang, phục hóa, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào trồng lúa đạt năng suất cao. Đời sống nông dân được cải thiện. Nhờ đó, năm 2015, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh hơn 3,4 triệu tấn, tăng hơn 1,2 triệu tấn so với năm 2000; năm 2020 đạt 4,3 triệu tấn; năm 2015 đạt 78,22 triệu đồng/ha/năm và năm 2020 tăng lên 100 triệu đồng/ha/năm.

Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư hệ thống thủy lợi, cống, đập, đê sông, đê biển, điện phục vụ sản xuất, nhất là vùng chuyên canh lúa và nuôi trồng thủy sản tập trung. Kinh tế nông nghiệp và thủy sản phát triển, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống, mức sống của nông dân và ngư dân. Tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 9% năm 2015 so với 15% năm 2000. Năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm còn 2,69%.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng và năng lực sản xuất công nghiệp của tỉnh phát triển nhanh chóng. Cụ thể: Cảng, bến tàu Bãi Vòng, sân bay quốc tế, hồ chứa nước ngọt Dương Đông ở đảo Phú Quốc hoàn thành, đưa vào sử dụng. Nhiều khu nghỉ dưỡng, khách sạn được xây dựng và khai thác. Bộ mặt đảo Ngọc trở nên khang trang, hiện đại, bước vào tiến trình phát triển mạnh mẽ. Cùng với đó, cảng cá Tắc Cậu, các tuyến Quốc lộ 80, 63, 61, đường N1…, hệ thống đường quanh các hòn đảo ở huyện Kiên Hải, Kiên Lương, thị xã Hà Tiên được đầu tư đã góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo địa phương

Bà Võ Thị Phương (ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa, huyện Giang Thành) chia sẻ, so với những năm 90 của thế kỷ trước, hiện nay, dù hiện còn những khó khăn nhưng đời sống của người dân vùng biên Giang Thành đã được cải thiện. Trong xóm, ấp, người dân có nhà “3 cứng”, nhà xây cất khang trang, không còn nhà tạm, dột nát. Đường giao thông, trường học, trạm y tế, điện, nước sạch… được Nhà nước đầu tư xây dựng phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân.

Khát vọng vươn mình bước vào kỷ nguyên mới

Chú thích ảnh
Cáp treo Hòn Thơm, thành phố Phú Quốc (Kiên Giang) phục vụ du khách.

Năm 2025, tỉnh Kiên Giang tăng tốc, bức phá thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025), bước vào kỷ nguyên mới với khát vọng, ý chí vươn lên là một trong những tỉnh phát triển dẫn đầu Đồng bằng sông Cửu Long và khá của cả nước vào năm 2030.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn nhấn mạnh, tỉnh đặt mục tiêu năm 2025, tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, nỗ lực đạt trên 10%; tập trung khai thác các động lực tăng trưởng mới để đạt mức tăng trưởng kinh tế 2 con số. Trong đó, địa phương tập trung tạo bứt phá công nghiệp và dịch vụ du lịch, nâng cao giá trị gia tăng nông nghiệp - thủy sản; huy động tối đa các nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển.

Tỉnh tập trung khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế, nhất là tháo gỡ “điểm nghẽn” phát triển các ngành kinh tế chủ lực, đẩy mạnh tăng trưởng ở mức cao. Cụ thể: Tỉnh thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp và Đề án 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh trên địa bàn; phát triển mạnh nuôi trồng thủy sản, nhất là nuôi tôm công nghiệp và nuôi biển. Tỉnh xây dựng, phát triển ngành Thủy sản theo định hướng trở thành Trung tâm kinh tế biển của quốc gia và phát triển thương hiệu nông, thủy sản tầm khu vực, quốc tế. Năm 2025, tỉnh phấn đấu đạt sản lượng lúa 4,7 triệu tấn, sản lượng thủy sản 811.000 tấn.

Kiên Giang thực hiện hiệu quả Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ông Bùi Quốc Thái, Giám đốc Sở Du lịch chia sẻ, Sở đã triển khai các giải pháp, chương trình kích cầu du lịch, nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với xây dựng thương hiệu. Tỉnh đặt mục tiêu đón 11,05 triệu lượt du khách (trong đó có 1,2 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, du lịch); tổng doanh thu đạt 28.500 tỷ đồng. Địa phương xây dựng đảo Phú Quốc là điểm đến du lịch hấp dẫn của khu vực, thế giới và đảo Ngọc là cực tăng trưởng mạnh, tạo sức mạnh nội lực hỗ trợ các ngành nghề kinh tế khác của tỉnh cùng phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thanh Nhàn chia sẻ, Trung ương chọn Phú Quốc để tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC-2027. Điều này khẳng định vị thế của Phú Quốc trên trường quốc tế, mở ra cơ hội phát triển mạnh cho “Phú Quốc - Kiên Giang trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Năm 2025 đánh dấu cột mốc 50 năm kể từ Ngày đất nước thống nhất, Kiên Giang đã trải qua một hành trình đầy khát vọng để vươn mình mạnh mẽ, phát huy tiềm năng trên các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, đô thị… trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, hai thành phố Rạch Giá và Phú Quốc được công nhận là đô thị loại I đã trở thành biểu tượng cho sự chuyển mình của Kiên Giang. Theo đó, Rạch Giá tập trung phát triển hài hòa theo 3 trụ cột chính gồm kinh tế, xã hội, môi trường; đồng thời, kết cấu hạ tầng thông minh, hiện đại. Phú Quốc với định hướng phát triển bền vững, điểm đến chiến lược hướng tới đô thị xanh, thông minh, “Trung tâm dịch vụ, du lịch sinh thái chất lượng cao, du lịch biển, đảo tầm cỡ quốc gia và quốc tế, kết nối với các trung tâm kinh tế lớn trong khu vực và thế giới”.

Bài và ảnh: Lê Huy Hải (TTXVN)
Quý I, doanh thu du lịch Kiên Giang tăng trên 79%
Quý I, doanh thu du lịch Kiên Giang tăng trên 79%

Theo Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang, quý I/2025, tỉnh ước đón hơn 3,1 triệu lượt du khách đến tham quan, du lịch, đạt 28,4% kế hoạch năm, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng thu từ du lịch hơn 13.047 tỷ đồng, tăng 79,4%, đạt 45,8% kế hoạch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN