Chú trọng phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số

Để người dân tiếp cận gần hơn, hiểu rõ hơn chính sách của Đảng, chấp hành nghiêm pháp luật của Nhà nước, các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã chú trọng phát triển nguồn đảng viên dân tộc thiểu số vùng biên.

Việc làm này góp phần nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc tại khu vực biên giới.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo các Công ty trực thuộc Binh đoàn 15 xuống cơ sở, trao đổi với các đảng viên người dân tộc thiểu số trong đơn vị. 

Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng là đơn vị kinh tế  - quốc phòng với khoảng 17.000 lao động, trong đó có trên 7.000 công nhân là người đồng bào dân tộc thiểu số. Các đơn vị trực thuộc đứng chân và hoạt động sản xuất trải dài tại các tỉnh Quảng Bình, Kon Tum, Gia Lai với 271 thôn, làng, 33 xã, phường, trị trấn thuộc vùng sâu, vùng xa là nơi có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, đời sống khó khăn, thiếu thốn. Việc quan tâm, chú trọng phát triển đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số giúp các địa phương không còn thôn, làng "trắng" đảng viên, nhất là các địa bàn biên giới. Đây được xem là một nhiệm vụ quan trọng song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội khu vực biên giới của Binh đoàn.

Đại tá Hoàng Văn Sỹ, Tư lệnh Binh đoàn 15, Bộ Quốc phòng, cho biết: Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Binh đoàn 15 chỉ đạo cấp ủy các cấp tăng cường công tác tạo nguồn bồi dưỡng đảng viên người dân tộc thiểu số, nơi có các đơn vị của Binh đoàn đứng chân. Sau khi được kết nạp, đội ngũ đảng viên này là nhân tố quan trọng trong việc tuyên truyền đường lối chủ trương của Đảng, chính sách Nhà nước đến nhân dân, đặc biệt luôn gương mẫu đi đầu trong nhiệm vụ của đơn vị. Song song với việc phát triển đảng viên, Binh đoàn 15 cũng kết hợp bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển cán bộ cho đơn vị và địa phương. Đội ngũ này có kiến thức, bản lĩnh chính trị vững vàng, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa tham gia công tác địa phương hiệu quả.

Sát cánh cùng chính quyền địa phương trong công cuộc giảm nghèo, trong quá trình tuyển dụng, Binh đoàn 15 luôn ưu tiên các lao động người dân tộc thiểu số. Trong điều kiện giá mủ cao su và các mặt hàng nông sản vẫn giảm sâu theo cơ chế thị trường, tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ảnh hưởng lớn kinh tế của một đơn vị chủ yếu sản xuất cao su như Binh đoàn 15. Việc “lấy năng suất bù giá thành sản phẩm” là một trong nhiều giải pháp để duy trì và phát triển.

"Thời điểm này, việc phát huy tốt vai trò nêu gương của đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số trong nâng cao tay nghề, góp phần tăng năng suất lao động, đảm bảo chất lượng của đội ngũ công nhân lành nghề là rất cần thiết", Đại tá Hoàng Văn Sỹ cho biết.

Chú thích ảnh
Anh Kpui Sinh, dân tộc Jrai, tổ trưởng Tổ 3, Đội 10, Công ty 74, Binh đoàn 15 (giữa, hàng trước) đảng viên người dân tộc thiểu số hướng dẫn cho công nhân cách mài dao cạo mủ cao su.

Anh Kpui Sinh, dân tộc Jrai, tổ trưởng Tổ 3, Đội 10, Công ty 74, Binh đoàn 15 là một trong những đảng viên gương mẫu, đi đầu trong các phong trào thi đua của đơn vị. Phát huy tốt vai trò nêu gương của đảng viên đồng bào dân tộc thiểu số trong công tác nâng cao tay nghề cho công nhân, anh Kpui Sinh luôn đi đầu trong mọi hoạt động, đoạt giải cao trong các cuộc thi cạo mủ cao su của Binh đoàn. Anh Kpui Sinh còn thường xuyên báo cáo tình hình sản xuất tại tổ, đội mình quản lý để lãnh đạo công ty có hướng điều chỉnh mức khoán phù hợp cho công nhân; tuyên truyền, hướng dẫn cho công nhân, người dân địa phương nơi mình sinh sống cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con. 

Để có nguồn kết nạp đảng viên, ngoài việc thể hiện năng lực, hiệu quả lao động tại đơn vị, Binh đoàn 15 còn dựa vào sự đánh giá, tín nhiệm của địa phương trong quan hệ xã hội của các quần chúng ưu tú. Trong số 211 đảng viên người dân tộc thiểu số của Binh đoàn 15, có 8 người tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện, xã; 6 người tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2022; 12 người giữ chức Trưởng thôn và chức Bí thư Chi bộ thôn, làng; có 11 người là Công viên an viên tại những địa phương có các đơn vị đứng chân. Đảng viên là người dân tộc thiểu số tại chỗ làm việc trong các Công ty của Binh đoàn đều trở thành những công nhân tiêu biểu về chấp hành kỷ luật lao động, có trình độ tay nghề cao, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tiêu biểu về phát triển kinh tế gia đình, gương mẫu về đạo đức, lối sống và xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.

Ông Phạm Văn Cường, Phó Bí thư Huyện ủy Đức Cơ, tỉnh Gia Lai cho hay, địa bàn huyện có ba Công ty của Binh đoàn 15 đứng chân. Lực lượng cán bộ, đảng viên của Binh đoàn 15 làm rất tốt việc tham mưu giúp địa phương ổn định nề nếp sinh hoạt từng chi bộ, xây dựng hệ thống chính trị thôn, làng góp phần nâng cao chất lượng các chi bộ địa phương. Đặc biệt, đảng viên người đồng bào dân tộc thiểu số ở các đội sản xuất của các Công ty này, khi về sinh hoạt tại thôn, làng đã thể hiện được vai trò đảng viên của mình, tham gia đóng góp ý kiến cho chi bộ phát triển hơn; đồng thời tăng cường hỗ trợ bà con trong xây dựng đời sống, phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo.

Binh đoàn 15 trở thành điểm sáng của lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh Gia Lai về công tác phát triển đảng viên là người dân tộc thiểu số. Công tác này góp phần lớn trong việc nâng cao dân trí lực lượng lao động đơn vị cũng như của người dân địa phương, đảm bảo sự phát triển bền vững của Binh đoàn; đồng thời góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biên giới.

Bài và ảnh: Hồng Điệp  (TTXVN)
Từng bước gỡ khó trong phát triển đảng viên nữ ở vùng cao Bát Xát 
Từng bước gỡ khó trong phát triển đảng viên nữ ở vùng cao Bát Xát 

Đảng bộ huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai đã có nhiều nỗ lực phát triển đảng viên ở những địa bàn vùng cao, nhất là các đảng viên nữ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN