Theo Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của thành phố tính đến ngày 21/4/2024 là 1.943/8.804 tỷ đồng, đạt 22,1% kế hoạch vốn được HĐND thành phố giao chi tiết và đạt 18,56% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 1,22 lần về giá trị và tăng 2,3% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù, giá trị giải ngân vốn đầu tư công 4 tháng đầu năm 2024 tăng về giá trị và tỷ lệ so với cùng kỳ nhưng vẫn chưa bền vững, còn nhiều tồn tại, thách thức, chưa đạt yêu cầu đã đề ra như: số vốn tạm ứng chiếm tỷ lệ cao (trên 50%) trong tổng số vốn giải ngân, kế hoạch vốn còn lại chưa giao chi tiết hơn 1.664 tỷ đồng (ngân sách địa phương 1.441 tỷ đồng, ngân sách trung ương 223 tỷ đồng).
Ông Trần Việt Trường cho rằng, bên cạnh nguyên nhân khách quan như: khó khăn trong giải phóng mặt bằng, tái định cư; biến động giá vật liệu xây dựng, tình trạng khan hiếm cát nền đã phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhưng vẫn còn tồn tại nhiều nguyên nhân chủ quan chậm được khắc phục.
Theo người đứng đầu chính quyền thành phố Cần Thơ, qua theo dõi, chỉ đạo, một trong các nguyên nhân khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm là việc khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác.
Đặc biệt là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn quá thấp so với giá thị trường, dẫn đến khi vào triển khai thực hiện rất nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với quyết định đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Từ đó, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến quá trình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn.
Cùng với đó, một số chủ đầu tư năng lực còn hạn chế, chưa lường được hết các vướng mắc trong khâu lập dự án đầu tư, lập thiết kế kỹ thuật, dự toán, dẫn đến chậm phê duyệt dự án, đấu thầu không kịp theo kế hoạch đã được duyệt.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm đã ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có sử dụng vốn ODA. Giá vật liệu xây dựng vẫn còn trường hợp chưa sát thực tế, thiếu cơ sở cập nhật giá thị trường.
Báo cáo tại hội nghị, ông Võ Nhựt Quang, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Cần Thơ cho biết, trong số 21 chủ đầu tư cấp thành phố, có 11 chủ đầu tư giải ngân đạt trên 20%, 6 chủ đầu tư giải ngân dưới 20% và 4 chủ đầu tư chưa giải ngân được vốn.
Trong số 7 dự án được bố trí kế hoạch vốn trên 100 tỷ đồng, có 3 dự án giải ngân trên 20%, đặc biệt là dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua Cần Thơ (dự án thành phần 2) giải ngân đạt hơn 50%. Có 3 dự án giải ngân dưới 20%; trong đó dự án Đường vành đai phía Tây mới giải ngân đạt 0,16%.
Ước giá trị giải ngân đến ngày 30/4 đạt 2.150 tỷ đồng, đạt hơn 24% kế hoạch vốn được HĐND thành phố giao và hơn 20% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Hiện nay, các dự án đầu tư công của Cần Thơ, công tác giải phóng mặt bằng luôn là khó khăn lớn nhất, điển hình là các dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị; đường vành đai phía Tây; đường tỉnh 918 (giai đoạn 2); đường tỉnh 917, 923…
Giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với phát sinh chi phí giải phóng mặt bằng dẫn đến vượt tổng mức đầu tư, ảnh hưởng đến việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư. Từ đó, làm chậm tiến độ giải phóng mặt bằng, không đủ mặt bằng giao cho các đơn vị thi công, chậm tiến độ thực hiện dự án cũng như khả năng chậm hoặc không thể giải ngân theo kế hoạch đề ra. Đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc cân đối vốn trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố.
Để giải ngân vốn đầu tư công đạt kết quả cao, Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, đánh giá tình hình triển khai kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024; kịp thời kiến nghị, đề xuất các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đảm bảo hiệu quả.
Cùng với đó, tham mưu điều chỉnh kế hoạch vốn kịp thời; định kỳ báo cáo kết quả giải ngân của từng chủ đầu tư, đánh giá kết quả thực hiện so với nội dung đã cam kết, đề xuất biện pháp xử lý cụ thể đối với các trường hợp chậm giải ngân, chưa thực hiện các nhiệm vụ theo chỉ đạo của lãnh đạo thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND quận, huyện tiếp tục nghiên cứu, đề xuất giải pháp hiệu quả trong bồi thường, hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thành phố, tham mưu UBND thành phố chỉ đạo thực hiện, nhất là các giải pháp cụ thể nhằm tăng cường nguồn lực cho các đơn vị có khối lượng công việc lớn, khối lượng tồn đọng nhiều.
Đối với Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND quận, huyện, các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, chủ dự án, quản lý dự án, Chủ tịch Trần Việt Trường yêu cầu phải lập kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện, hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn đã bố trí.
Cùng với đó, đánh giá khách quan, xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vào cuối năm; không để nợ đọng xây dựng cơ bản; chủ động đối thoại với người dân bị ảnh hưởng, trường hợp có khó khăn, vướng mắc phải báo cáo kịp thời cho UBND thành phố để chỉ đạo thực hiện.