Đa dạng các mô hình chuyển đổi
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, đến nay cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tăng diện tích nuôi trồng thủy sản, giảm diện tích sản xuất lúa. Từ đó, một số vùng, tiểu vùng trồng lúa một vụ năng suất thấp được chuyển sang nuôi trồng thủy sản. Đến nay, diện tích chuyển đổi cây trồng từ đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hoặc kết hợp nuôi trồng thủy sản là hơn 1.100 ha; trong đó, diện tích chuyển đổi luân canh tôm - lúa lên đến gần 950 ha (chiếm 83,5% diện tích chuyển đổi).
Lợi nhuận từ lúa - tôm đem lại cao hơn so với chuyên lúa. Bởi như trước đây, các khu vực này thường xuyên bị nhiễm mặn, sản xuất nông nghiệp chuyên lúa 2 vụ của người dân gặp nhiều khó khăn, kém hiệu quả, thì nay khi chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản, lợi nhuận của mô hình đạt khoảng 68 triệu đồng/ha, cao hơn việc chỉ trồng lúa 2 vụ như trước đây. Hiện nay, tổng diện tích gieo trồng lúa gần 111.000 ha; trong đó, lúa chất lượng cao chiếm 60%.
Tính riêng tại huyện Thới Bình, giai đoạn 2019 - 2022, huyện triển khai thực hiện nhiều dự án, mô hình sản xuất thử nghiệm nuôi tôm càng xanh trên ruộng lúa. Nổi bật như Dự án Phát triển và nâng cao hiệu quả mô hình lúa - tôm càng xanh (phối hợp với Khoa Thuỷ sản - Ðại học Cần Thơ); Dự án Nâng cao năng suất nuôi tôm càng xanh toàn đực, mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực trên ruộng lúa; mô hình nuôi tôm càng xanh (thuộc chương trình khuyến nông quốc gia hỗ trợ). Nội dung chủ yếu của các dự án sản xuất thử nghiệm chính là đánh giá hiệu quả về mặt kinh tế và khả năng thích nghi khi đưa con tôm càng xanh vào xen canh trong ruộng lúa, với mật độ thả nuôi dao động từ 1-2 con/m2 kết hợp bổ sung một số nguồn thức ăn có sẵn tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thới Bình Nguyễn Hoàng Bạo cho biết, kết quả dự án cho thấy, nuôi tôm càng xanh xen canh với lúa có ưu điểm là ít dịch bệnh, ít rủi ro hơn tôm sú, tôm thẻ, phù hợp với các nông hộ có điều kiện kinh tế vừa phải, không có vốn đầu tư lớn.
“Ngoài lợi thế về phát triển mô hình lúa - tôm, tôm sú, tôm càng xanh thì trên địa bàn huyện còn có tiềm năng để phát triển đối tượng cua biển. So với các hộ nuôi cua quảng canh truyền thống tại địa phương thì hiệu quả kinh tế của dự án mang lại khá cao, góp phần cải thiện hiệu quả sản xuất, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân. Hiện nay, việc mua bán cua chủ yếu qua thương lái, các vựa cua nên chưa xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ đối với sản phẩm này”, ông Nguyễn Hoàng Bạo phấn khởi nói.
Ông Bạo cho biết thêm, nhờ áp dụng khoa học - kỹ thuật nên năng suất của mô hình nuôi tôm càng xanh và nuôi cua tại địa phương phát triển tích cực. Hiện nay, địa phương đang tiếp tục xúc tiến, kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng nguyên liệu nuôi tôm càng xanh đủ điều kiện xuất khẩu, cũng như xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ đối với sản phẩm cua.
Nhờ ứng dụng hiệu quả khoa học - kỹ thuật trong sản xuất giúp nâng cao giá trị gia tăng; trong đó, đã xuất hiện nhiều mô hình thâm canh lúa chất lượng cao, thâm canh, siêu thâm canh tôm phù hợp với từng vùng, tiểu vùng trên địa bàn tỉnh theo hướng an toàn, bền vững, hiệu quả và thích ứng biến đổi khí hậu; diện tích tôm nuôi siêu thâm canh là trên 3.600 ha, năng suất nuôi đạt từ 40-50 tấn/ha/vụ; nhân rộng thành công mô hình nuôi tôm 2-3 giai đoạn, với diện tích 15.000 ha, năng suất bình quân từ 500 - 600 kg/ha/năm; diện tích thâm canh lúa chất lượng cao là 60.000 ha, năng suất dao động từ 5,8-6,5 tấn/ha.
Thực tế đó một lần nữa cho thấy, trục kinh tế nông nghiệp của địa phương đang dần xoay chuyển theo chiều hướng phù hợp, không chỉ chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mà các mô hình sản xuất được định hình lại theo từng vùng bảo đảm tính hài hòa, phù hợp với điều kiện sản xuất vốn có.
Phát triển bền vững trước các thách thức
Không dừng lại ở đó, Cà Mau đã từng bước phát triển sản xuất hàng hóa lớn gắn với hợp tác và liên kết, dần hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, lúa gạo) gắn với liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản, với diện tích trên 31.000 ha.
Ông Lê Văn Mưa, Giám đốc Hợp tác xã Lúa tôm Trí Lực (xã Trí Lực, huyện Thới Bình), nhận định, đáng phấn khởi nhất hiện nay là nông dân dần thay đổi tập quán sản xuất truyền thống và tuân thủ ngày càng tốt hơn các quy trình sản xuất đã được đưa ra bởi nhà khoa học hay ràng buộc của doanh nghiệp. Nhận thấy tính hiệu quả dài lâu, bền vững, nông dân địa phương đã chủ động liên kết lại với nhau để thành lập các tổ chức sản xuất có đầy đủ điều kiện và năng lực triển khai thực hiện, kết nối, triển khai, tiếp nhận những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước và tổ chức khác.
“Khi vào các hợp tác xã, người dân thực hiện vụ mùa đồng loạt nên dễ quản lý dịch bệnh. Nguồn vật tư hay các loại giống cũng được cung cấp với giá rẻ hơn. Các hợp tác xã cũng tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật cho các xã viên để sản xuất hiệu quả hơn. Ðặc biệt, sản phẩm tạo ra có sản lượng lớn nên dễ dàng ký kết hợp đồng bao tiêu”, ông Lê Văn Mưa chia sẻ.
Năm 2022, sản lượng nuôi trồng thủy sản 386.000 tấn, đạt 96,5% so với kế hoạch, tăng 5,3% so với cùng kỳ; trong đó, sản lượng tôm trên 218.000 tấn, đạt 99% so với kế hoạch, tăng 6,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản tỉnh đạt 1,3 tỷ USD/năm, chiếm 12% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước.
Việc phân vùng, chuyển đổi sản xuất theo phương châm “thuận thiên” đã mang lại hiệu quả rõ nét, qua đó chuyển hóa được thách thức thành cơ hội cho phát triển. Dù hạn mặn ngày càng khắc nghiệt, xâm lấn sâu vào nội đồng nhưng diện tích lúa bị thiệt hại đã giảm, trong khi năng suất, chất lượng lúa ngày một tăng. Trước điều kiện dịch bệnh, bất ổn thị trường, tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh năm 2022 vẫn đạt mức 3,9%.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ khẳng định, gần 5 năm sau khi triển khai thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ đã từng bước phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, tư duy và hành động của các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh.
"Phấn khởi nhất là việc người dân và doanh nghiệp cùng đồng lòng, tích cực tham gia hưởng ứng. Đồng thời, huy động được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, đời sống nhân dân được cải thiện và góp phần giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu", Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau Phan Hoàng Vũ chia sẻ.
Bên cạnh đó, nhờ thực hiện đầu tư các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và giảm nghèo bền vững trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, gắn với thích ứng biến đổi khí hậu bằng nhiều mô hình khác nhau với 328 dự án cho gần 5.000 hộ dân tham gia thực hiện.
Dù vậy, Cà Mau có đặc thù khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp còn nhiều bất cập, chưa được đầu tư đúng mức. Đến nay, kinh phí đầu tư cho hệ thống thủy lợi chỉ khoảng 15% so với nhu cầu và hiện chỉ có 4 tiểu vùng được đầu tư khép kín độc lập hoàn chỉnh.
Do đó, để phát triển kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu theo tinh thần Nghị quyết 120 của Chính phủ, Cà Mau hiện đang tập trung nguồn lực phát triển thủy sản, nhất là nuôi tôm nước lợ thành ngành sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao; phát triển sản xuất lúa chất lượng cao (bao gồm diện tích lúa mùa, lúa tôm và các vùng sản xuất lúa cao sản phù hợp) tại các địa phương có đủ điều kiện về quy mô đất đai, ít bị tác động phèn mặn, hạ tầng giao thông thủy lợi khá tốt, trình độ thâm canh cao, sản xuất ổn định trong nhiều năm; định hướng chuyển sang luân canh lúa - tôm để thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu đối với diện tích sản xuất chuyên lúa đang nằm xen kẽ trong các vùng nuôi tôm, lúa - tôm, thường xuyên bị xâm nhập mặn, dễ bị ảnh hưởng bởi nước biển dâng.