Trong đó, tỉnh chú trọng triển khai các biện pháp phòng ngừa giảm thiểu; ứng phó, khắc phục hậu quả và phòng, chống thiên tai liên vùng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử, địa phương chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản do thiên tai gây ra; từng bước nâng cao khả năng quản lý rủi ro thiên tai các cấp, hướng đến một xã hội an toàn trước thiên tai và tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng. Đồng thời, tỉnh nâng cao năng lực xử lý tình huống, sự cố, chỉ huy, điều hành tại chỗ nhằm ứng phó hiệu quả với thiên tai, phát huy ý thức tự giác và tính chủ động phòng, chống thiên tai của cộng đồng.
UBND tỉnh cũng yêu cầu các sở, ngành, địa phương quán triệt, triển khai tốt các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản phòng, chống thiên tai đã được ban hành; thực hiện phương châm ‘‘4 tại chỗ’’ và nguyên tắc phòng, ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả.
Cùng với đó, các sở, ngành xác định rõ loại hình, cấp độ rủi ro của các loại hình thiên tai có nguy cơ xảy ra trên địa bàn đánh giá tác động thiên tai trên từng lĩnh vực; từng bước hoàn thiện cơ sở dữ liệu phòng, chống thiên tai, lắp đặt các thiết bị giám sát, cảnh báo thiên tai tại các khu vực trọng điểm, xung yếu.
Cà Mau là địa phương thường xuyên chịu tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Thời gian qua, tỉnh chú trọng đầu tư hệ thống quan trắc khí tượng thủy văn tăng về số lượng, đặc biệt là đầu tư theo hướng trạm đo tự động. Nhờ đó, công tác quan trắc, dự báo, cảnh báo thiên tai đã nâng cao hơn độ tin cậy, sát với thực tế, cơ bản đáp ứng yêu cầu trong chỉ đạo, điều hành ứng phó với thiên tai.
Tỉnh còn kết hợp phương án cắm 664 biển cảnh báo tại 498 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm để cảnh báo cho người dân biết và phòng tránh thiên tai. Mặc dù, công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai trên địa bàn tỉnh thực hiện khá tốt, nhưng đối với một số loại hình thiên tai như: dông lốc, sạt lở đất..., thường khó dự báo chính xác, chưa kể việc thông tin đến người dân còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng và bị chia cắt bởi nhiều sông, rạch.
Ngoài ra, tỉnh có gần 52 km đê được kiên cố hóa, có hơn 26 km đê đất và có tổng chiều dài kè bảo vệ bờ biển trên 56 km. Hiện, các tuyến kè bảo vệ bờ biển ở Cà Mau cơ bản ổn định trước sự huy hiếp bởi sóng to, gió lớn kết hợp nước biển dâng cao.