Việc ứng phó với thiên tai theo phương châm "Từ ứng phó đến hành động sớm", tăng cường thông tin truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng và sẵn sàng các phương án ứng phó với thiên tai là yêu cầu quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh mới.
Chủ động phòng ngừa
Những năm gần đây, các hình thái thiên tai xảy ra khác nhau gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Tuy nhiên nhờ sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã góp phần giúp người dân ứng phó hiệu quả, giảm bớt thiệt hại thiên tai.
Được nhận định là một trong những cơn bão mạnh trong 20 năm qua, bão số 4 (bão NORU) xảy ra trong tháng 9/2022 đi nhanh, đổ bộ vào đất liền vào ban đêm. Để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, ứng phó với cơn bão này, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia đã ban hành 33 tin chính thức, 44 tin nhanh bổ sung. Cả hệ thống chính trị, các lực lượng và người dân đã vào cuộc đồng bộ, chính vì vậy đã giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do bão gây ra.
Phường Đồng Tiến, tỉnh Hòa Bình là một trong những khu vực sạt lở nghiêm trọng nhất của tỉnh Hòa Bình, khoảng 26% hộ gia đình đã phải di dời, những hộ còn lại luôn phải sống trong nỗi ám ảnh vì nhà có thể bị sụt lún bất cứ lúc nào mỗi khi vào mùa mưa. Thế nhưng nhờ vào các bản tin dự báo tác động, thời gian qua, chính quyền địa phương, ngành chức năng cũng như người dân đã có những kế hoạch địa sát, phòng chống hợp lý nhất là mùa mưa năm nay.
Bà Phan Thị Mai, Phường Đồng Tiến, tỉnh Hòa Bình chia sẻ: "Biết được đặc điểm thiên tai nơi mình đang sống, chúng tôi thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết để biết được mức độ ảnh hưởng tới đời sống và sản xuất thế nào, cùng với đó, chúng tôi tuân thủ hướng dẫn, chỉ đạo phòng, chống thiên tai tại địa phương nên hạn chế được rủi ro thiên tai ở mức thấp nhất."
Theo ông Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình, là một tỉnh miền núi, Hòa Bình hứng chịu nhiều hình thái thời tiết cực đoan và có xu hướng gia tăng về tần suất và cường độ, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp và hạ tầng. Từ đặc thù này, tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về khí tượng thủy văn, phòng chống thiên tai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, tính chủ động trong công tác ứng phó, phòng tránh thiên tai của nhân dân. Tỉnh xác định rõ, việc thích ứng và giảm nhẹ những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra đã và đang trở thành những nhiệm vụ chiến lược trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.
Nghệ An là tỉnh có diện tích lớn, dân số đông, phân bổ không đồng đều, địa hình đa dạng, phức tạp, bị chia cắt mạnh bởi các dãy đồi núi và hệ thống sông, suối. Do đó, tỉnh Nghệ An thường xuyên chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai đặc trưng cho khu vực duyên hải miền Trung như: bão, áp thấp nhiệt đới, lũ ống, lũ quét, ngập lụt, sạt lở. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, thiên tai thời tiết diễn biến không theo quy luật, tỉnh Nghệ An đã làm tốt công tác phòng ngừa, ứng phó với thiên tai.
Đánh giá về công tác phòng ngừa, ứng phó thiên tai, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung cho rằng, ngay từ đầu năm tỉnh đã kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền phòng, chống thiên tai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên mạng xã hội (Facebook, Zalo..).
Cùng với đó, tỉnh tích cực đẩy mạnh các hoạt động nâng cao năng lực và nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai. Địa phương chú trọng rà soát, cập nhật các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai ở cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ); nâng cao năng lực các đội xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, thôn, bản với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt để chủ động ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai ngay từ giờ đầu, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm.
Tỉnh thực hiện tốt, thường xuyên việc theo dõi chặt chẽ, cập nhật kịp thời thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai, đặc biệt trong tình huống có hình thế mưa lớn nhằm nắm bắt kịp thời khả năng xảy ra thiên tai để triển khai công tác phòng, ngừa, ứng phó. Đối với thiên tai lũ quét, sạt lở đất, tỉnh đã chủ động lên các phương án phòng ngừa có tính đồng bộ ngay trước trong mùa mưa lũ.
Sẵn sàng các phương án ứng phó
Để làm tốt hơn nữa công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Trần Lưu Quang đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần chuẩn bị kỹ lưỡng chủ động phòng ngừa và ứng phó linh hoạt trước mọi tình huống theo hướng "phòng bệnh hơn chữa bệnh".
Các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục thay đổi tư duy, thực hiện phương châm chuyển từ "Ứng phó bị động sang chủ động phòng ngừa" trong phòng, chống thiên tai; triển khai nghiêm túc, hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chính sách pháp luật về phòng, chống thiên tai, có sự tham mưu, điều chỉnh các chính sách phù hợp với điều kiện thực tiễn của thiên tai. Đầu tư nguồn lực cho công tác dự báo, cảnh báo thiên tai đảm bảo yêu cầu chính xác, kịp thời. Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thông tin, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong phòng, chống thiên tai.
Nhằm chủ động ứng phó với thiên tai, các địa phương đã chú trọng đến việc lồng ghép công tác phòng, chống thiên tai vào kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Là tỉnh miền núi, Bắc Kạn tập trung thực hiện biện pháp "nông, lâm kết hợp" để chống xói mòn, cải tạo đất, tăng năng suất cây trồng, phát huy hiệu quả sử dụng đất; phê duyệt và tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch đảm bảo an toàn đập, hồ chứa nước; rà soát các điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở, lũ quét để lập bản đồ phân vùng nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.
Nằm trong khu vực Đồng bằng sông Hồng, tỉnh Nam Định tăng cường kiểm tra hệ thống đê, kè, kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các vi phạm về đê điều. Các đơn vị lực lượng vũ trang như Quân đội, Biên phòng, Công an chủ động xây dựng các phương án, kịch bản ứng phó với từng tình huống thiên tai cụ thể, nhất là phương án tìm kiếm cứu nạn, sơ tán dân, bảo đảm an ninh trật tự và khắc phục hậu quả thiên tai.
Nằm ở khu vực Trung Bộ, thành phố Đà Nẵng tập trung triển khai giai đoạn 2 dự án đầu tư, nâng cấp âu thuyền Thọ Quang, trong đó mở rộng thêm công suất neo đậu, tránh trú bão, đồng thời lên phương án sớm về chống sạt lở, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng gần đồi núi, chủ động các biện pháp chống ngập úng đô thị kip thời và phù hợp.
Tỉnh Cà Mau tập trung vào ứng phó với các loại hình thiên tai như sạt lở, triều cường nước dâng, sóng gió lớn trên biển và hạn hán… bằng các giải pháp như tu bổ, đầu tư hệ thống đê vững chắc, tường hắt sóng, trồng cây gần bờ sông, quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển lựa được các giống cây trồng có nhiều khả năng chịu hạn...
Để giảm tổn thất về người và tài sản, từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai để phát triển bền vững, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đây được xem là giải pháp căn cơ.
Chiến lược đưa ra 5 quan điểm và 5 nguyên tắc phòng, chống thiên tai rất rõ nét. Trong đó, điểm đặc biệt là xác định mục tiêu "chủ động phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu tổn thất về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước; từng bước xây dựng quốc gia có khả năng quản lý rủi ro thiên tai, cộng đồng, xã hội an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng", đồng thời đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể như giảm 50% thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất; thiệt hại về kinh tế do thiên tai không vượt quá 1,2% GDP và thấp hơn giai đoạn 2011-2020…
Cùng với đó, Chiến lược xác định 7 nhiệm vụ và giải pháp chung về phòng chống thiên tai. Ngoài các giải pháp về hoàn thiện thể chế, khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế, Chiến lược đưa ra các giải pháp như nâng cao nhận thức về thiên tai, rủi ro thiên tai, tăng cường quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng; nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn; nâng cao khả năng chống chịu, thích ứng với thiên tai,…