Con đường tới buôn Klong Tum khá thuận tiện, là trục đường chính nối thành phố Đà Lạt với thị trấn Đinh Văn (huyện Đức Trọng). Dọc 2 bên đường là những ngôi nhà xây tuy không cầu kỳ và đẹp như nhà ở phố thị nhưng khá rộng rãi, chắc chắn. Điều đặc biệt, mỗi gia đình ở đây đều có 2-3 căn nhà, trong đó ngoài nhà ở, còn lại để nuôi tằm. Nhìn những ngôi nhà đã cũ, chứng tỏ nghề chăn tằm gắn bó với bà con K’Ho từ nhiều năm nay.
Già làng K’Biếu của buôn Klong Tum, năm nay 69 tuổi, vui vẻ mời nhóm phóng viên tham quan ngôi nhà chăn tằm của gia đình. Già tận tình giới thiệu đám tằm ở độ tuổi ăn 5, đang chuyển màu chuẩn bị kéo kén. Các khay nuôi tằm hình chữ nhật lớn được làm bằng thép kiên cố, xếp thành nhiều tầng, có thể dịch chuyển trên khung sắt để tiện kéo ra chăm sóc. Tất cả đều được đặt trong chiếc mùng lớn, ngăn không cho thiên địch như ruồi, nhặng làm hại đến tằm.
Vừa nhanh tay nhặt mớ lá dâu cao sản rải lên đám tằm đang ăn rào rào, Già K’Biếu vừa kể, trước đây, bà con trong buôn đều trỉa bắp để lấy lương thực, rất vất vả, đất thiếu nước nên mỗi năm chỉ trỉa được một vụ. Cách đây khoảng 20 năm, ông đang bẻ bắp dưới ruộng, thấy nhiều người ở xã Bình Thạnh đi ngang qua. Họ nói chuyện với nhau rằng, ruộng này nếu trồng dâu nuôi tằm sẽ rất tốt. Vì vậy, ông qua bên đó học cách người Kinh nuôi tằm rồi mua giống tằm về nuôi thử. Sau đó, ông chỉ cho con cháu trong nhà và bà con trong buôn làm theo. Hiện nay, nhiều người trong buôn đã theo nghề trồng dâu nuôi tằm, đời sống khá hơn…
Nhờ con tằm, ông đã xây được nhà 2 tầng từ gần 20 năm trước, nuôi 8 người con trưởng thành. Hiện nay, 2 người con của ông vẫn theo nghề, cuộc sống no đủ, xây được nhà, mua sắm được xe máy, TV màn hình lớn, máy giặt, tủ lạnh…
Buôn Klong Tum còn gọi là thôn Đoàn Kết có 315 hộ dân với hơn 800 nhân khẩu, trong đó có tới 80% là người K’Ho. Hiện nay, có 60 hộ trong buôn tham gia trồng dâu trên diện tích 15 ha để nuôi giống sâu đẻ ra thứ sợi quý này. Năm nay được giá, mỗi kg kén bán được với giá 215 nghìn đồng. Cứ 2 người chăm sóc 6 sào dâu (mỗi sào 1.000 m2), đủ nuôi 2 hộp tằm giống, trừ chi phí như giống, phân bón, nhân công… thu lãi từ 17-18 triệu đồng mỗi lứa. Mỗi năm, các hộ trong buôn sản xuất được từ 120 - 130 tấn kén, thu về 26 - 28 tỷ đồng…
Ông Lê Bá Dương, Phó Chủ tịch UBND xã N’Thol Hạ cho biết, Đảng ủy, chính quyền xã xác định nghề trồng dâu nuôi tằm là một trong những ngành nghề chủ lực để giúp nhân dân trong vùng, nhất là người dân tộc gốc Tây Nguyên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Từ năm 2019-2020, UBND xã tập trung hỗ trợ người dân phát triển sản xuất. Cụ thể, xã đã phối hợp với Hội Nông dân mở 2 lớp dạy nghề trồng dâu nuôi tằm cho người dân (mỗi lớp 3 tháng); hỗ trợ không hoàn lại cho mỗi hộ nuôi tằm trong xã 20 triệu đồng. Ngoài ra, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mỗi gia đình được hỗ trợ 12-15 triệu đồng để chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng…
Từ các nguồn vốn trên, nhiều hộ trong xã N’Thol Hạ và điển hình là buôn Klong Tum đã chuyển đổi vườn cà phê già cỗi, ruộng một vụ sang trồng dâu nuôi tằm. Các hộ đã biết sử dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, sử dụng né vuông, khung lưới chăn tằm nên năng suất đạt khá cao. Mỗi năm, 200 hộ nuôi tằm trong xã cũng làm ra khoảng 300 tấn kén, thu về 65-70 tỷ đồng.
Xã N’Thol Hạ có 7 thôn với 2.077 hộ, trên 9.400 nhân khẩu, trong đó hơn 80% là người K’ho. Hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, mạnh dạn thay đổi nhận thức trong canh tác, cộng với sự quan tâm đầu tư của Đảng và Nhà nước về mọi mặt, đời sống của người dân nơi đây đang đổi mới từng ngày. Năm 2016, N’Thol Hạ được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống chỉ còn 3,2%; thu nhập bình quân đầu người đạt 67 triệu đồng. N’Thol Hạ đang phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao…