Bất cập trong giải quyết đất cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk

Việc giải quyết đất ở, đất sản xuất cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn theo Quyết định 755 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 755) ở tỉnh Đắk Lắk hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Thậm chí, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh không còn quỹ đất để hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất ở, đất sản xuất càng làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo gặp thêm nhiều khó khăn trong sản xuất, đời sống.

Theo ông Y Ring Adrơng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Đắk Lắk, mục tiêu chung của Đề án 755 của tỉnh là phấn đấu đến hết năm 2015 giải quyết được trên 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất, cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn.

Tuy nhiên, từ năm 2014 đến nay, kết quả thực hiện được còn quá thấp so với yêu cầu. Theo đánh giá của UBND tỉnh, nguyên nhân chủ yếu là do một số địa phương không còn quỹ đất hoặc còn nhưng lại vướng các thủ tục về thu hồi, chuyển đổi mục đích sử dụng đất như đánh giá hiện trạng rừng, đánh giá tác động môi trường, trồng lại rừng thay thế, doanh nghiệp phải tự nguyện viết đơn xin trả lại đất…

Một số địa phương báo cáo là còn quỹ đất nhưng khi tiến hành thực hiện Đề án 755 đã phát hiện ra đất đã bị các hộ dân xâm canh, xâm chiếm trái phép từ lâu trên các lâm phần do các công ty lâm nghiệp quản lý hoặc đất đã được các doanh nghiệp lâm nghiệp liên doanh liên kết với các đơn vị bên ngoài để trồng cao su không có hiệu quả…

Cụ thể, tại huyện Buôn Đôn, huyện đã lập phương án khai hoang tại tiểu khu 439 thuộc lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Buôn Đôn để cấp đất sản xuất tập trung cho 283 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất. Tuy nhiên, qua thực tế, diện tích đất này đã bị các hộ dân lấn chiếm xâm canh trái phép từ lâu.

Huyện đã thành lập ban vận động tích cực triển khai công tác tuyên truyền, vận động người dân trả lại đất để thực hiện Đề án nhưng vẫn không đạt kết quả. Do vậy, hiện nay, huyện Buôn Đôn hiện nay vẫn chưa có “đất sạch” hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Tương tự, huyện Ea Súp cũng lập phương án khai hoang đất sản xuất tập trung tại xã Ia R’Lơi để cấp cho 188 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất. Thế nhưng, từ năm 2014 đến nay, vẫn chưa giải quyết được vì 100% diện tích đất này cũng đã bị người dân xâm canh trái phép…

Mặt khác, định mức hỗ trợ của Nhà nước còn quá thấp (15 triệu đồng/hộ) tính cả phần vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (15 triệu đồng/hộ), tổng vốn 30 triệu đồng/ hộ.

Theo ông Y Ring, với số vốn này là thấp so với mặt bằng giá cả trên địa bàn. Hiện nay, ở Đắk Lắk, một sào ruộng lúa nước có giá từ 60 đến 80 triệu đồng, đất nương rẫy từ 40 đến 50 triệu đồng/ sào nên giải pháp mua, bán, sang nhượng giữa các hộ dân như Đề án đưa ra khó thực hiện…

Tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Ban Dân tộc, các sở, ngành chức năng, các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát quỹ đất của các công ty nông, lâm nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh kém hoặc không hiệu quả để tham mưu cho UBND tỉnh thu hồi, lập quy hoạch, xây dựng đề án cấp đất sản xuất tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo còn thiếu hoặc chưa có đất sản xuất, đất ở.

T ỉnh kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương sớm có cơ chế, chính sách, đơn giản hơn về thủ tục hành chính trong việc chuyển đổi đất rừng sang mục đích sử dụng đất để giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo thiếu đất sản xuất.

Đặc biệt, khi chuyển đổi đất rừng cần quan tâm chú ý chuyển đổi những diện tích đất rừng có khả năng sản xuất được để đồng bào còn đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp từng bước cải thiện đời sống.

Nhà nước cần nâng định mức hỗ trợ, đồng thời, bố trí nguồn vốn kịp thời để địa phương có điều kiện đầu tư xây dựng các khu sản xuất tập trung nhằm hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt…để đồng bào ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Quang Huy (TTXVN)
Giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào thiểu số ở Tây Nguyên

Ngày 8/10/2002, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 132/2002/QĐ-TTg về việc giải quyết đất sản xuất và đất ở cho đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ ở Tây Nguyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN