Bàn giải pháp nâng chất lượng cho cà phê Sơn La

Chiều 8/10, Thành ủy Sơn La (tỉnh Sơn La) đã tổ chức hội thảo bàn giải pháp nâng cao chất lượng cà phê.

Chú thích ảnh
Cây cà phê trồng tại huyện Thuận Châu (Sơn La). Ảnh: Quang Quyết/TTXVN

Cây cà phê được trồng tại tỉnh Sơn La nói chung và thành phố Sơn La nói riêng từ những năm 1990. Trải qua trên 30 năm phát triển, cà phê ở Sơn La đã khẳng định được vị thế là một cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương và mang lại thu nhập ổn định cho các hộ trồng.

Chủ tịch UBND thành phố Sơn La Đỗ Văn Trụ cho biết, tính đến hết năm 2021, địa phương đã trồng được gần 5.000 ha cây cà phê; trong đó, chủ yếu là cà phê chè Catimor và khoảng 50 ha giống mới chất lượng cao THA1. Sản lượng năm 2022, ước đạt 40.716 tấn cà phê quả tươi. Trong 9 tháng của năm 2022, các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn thành phố Sơn La đã xuất khẩu được hơn 6.000 tấn cà phê nhân, giá trị xuất khẩu đạt 28,7 triệu USD. 

Tuy nhiên, việc phát triển cây cà phê trên địa bàn thành phố Sơn La còn gặp một số khó khăn như: diện tích cây cà phê già cỗi chiếm tỷ lệ cao, việc thâm canh sản xuất chưa đúng kỹ thuật, năng suất, chất lượng sản phẩm chưa cao. Cùng đó, việc phát triển các tổ hợp tác và hợp tác xã sản xuất cà phê còn hạn chế, chưa phát huy được vai trò là đầu mối cung cấp dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho các xã viên; kết cầu hạ tầng cho vùng định hướng phát triển cà phê tập trung còn chưa đồng bộ và chưa đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất…

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung đánh giá những cơ hội, thách thức đối với cà phê Sơn La; đồng thời, đề xuất các giải pháp, chính sách khuyến khích trong trồng, chăm sóc, sản xuất và chế biến cà phê. 

Theo ông Dương Gia Định, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thành phố Sơn La cần tập trung phát triển ổn định vùng cà phê hiện có, tái canh và ghép cải tạo các vườn cà phê già cỗi, hiệu quả thấp; phát triển sản xuất cà phê hàng hóa, quy mô lớn và phát triển ứng dụng công nghệ cao. Cùng đó, đưa vào khảo nghiệm, thử nghiệm một số giống cà phê năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện của địa phương cho năng xuất, chất lượng tốt để thay thế dần giống cà phê hiệu quả thấp. Ngoài ra, mở rộng hệ thống cơ sở dữ liệu, giám sát vùng trồng cà phê dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh truyền thống để gắn kết 4 nhà "Nhà nông - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp - nhà nước", với mục đích khi nông dân muốn tăng quy mô sản xuất, có đầu ra và thị trường ổn định.

Là một trong những đơn vị kinh doanh cà phê lâu năm ở Sơn La, bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Minh Tiến - tiền thân của Tập đoàn Mitix Group, cho rằng địa phương cần tăng cường công tác đào tạo, tập huấn cho nông dân trồng cà phê canh tác theo đúng quy trình, đạt các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, bền vững; đồng thời, tập trung, định hướng phát triển cà phê đặc sản và chế biến sâu, nâng cao giá trị thương hiệu cà phê Sơn La.

Trong thời gian tới, thành phố Sơn La đề ra mục tiêu hình thành và phát triển các vùng sản xuất cà phê tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ cao vào sản xuất; sản xuất cà phê đặc sản, cà phê hữu cơ và cà phê có chứng nhận theo tiêu chuẩn xuất khẩu. 

Đồng thời, thành phố đẩy mạnh công nghiệp chế biến, chế biến sâu; nâng cao thu nhập cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp; quản lý, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, thúc đẩy phát triển cà phê theo chuỗi cung ứng nông nghiệp xanh. Thành phố Sơn La phấn đấu đến năm 2025, duy trì phát triển ổn định diện tích hiện có, năng suất cà phê nhân đạt từ 2 - 2,5 tấn/ha; hằng năm, dự kiến xuất khẩu từ  9.000 - 11.000 tấn cà phê nhân sang thị trường các nước Đức, Mỹ, Brazil, Hà Lan và các nước khu vực Nam Mỹ.

Thành phố Sơn La cũng phấn đấu đến năm 2025, trồng tái canh 1.150 ha và ghép cải tạo 1.350 ha cà phê; xây dựng vùng nguyên liệu tập trung chuyên canh với quy mô 2.000 ha phục vụ sản xuất cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao và 3.000 ha cây cà phê được chứng nhận 4C, RA, hữu cơ. Thành phố duy trì và phát triển chỉ dẫn địa lý "Cà phê Sơn La"; ổn định diện tích cà phê nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý; nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê mang chỉ dẫn địa lý...

Nguyễn Cường (TTXVN)
Cục Đường sắt Việt Nam trả lời kiến nghị của các hộ dân phố 'cà phê đường tàu'
Cục Đường sắt Việt Nam trả lời kiến nghị của các hộ dân phố 'cà phê đường tàu'

Cục Đường sắt Việt Nam vừa có văn bản số 2069/CĐSVN-PCTT báo cáo Bộ Giao thông Vận tải về trả lời kiến nghị của các hộ dân phố "cà phê đường tàu" ở Hà Nội. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN