Trung Quốc-Pakistan tập trận hải quân chung ngoài khơi Thượng Hải

Cuộc tập trận Người bảo vệ Biển 2 (Sea Guardians-2) với sự tham gia của lực lượng hải quân Trung Quốc và Pakistan hướng tới việc chuẩn bị sẵn sàng "phản ứng chung đối với các mối đe dọa an ninh hàng hải".

Chú thích ảnh
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường Yinchuan tham gia cuộc tập trận Người bảo vệ Biển tại cảng Karachi năm 2020. Ảnh: Quân đội Trung Quốc

Dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Trung Quốc, đài Sputnik đưa tin các lực lượng hải quân Trung Quốc và Pakistan đã khởi động cuộc tập trận kéo dài 4 ngày gần vùng biển Thượng Hải vào ngày 10/7. Cuộc tập trận được tổ chức tại cảng Wusong bao gồm hai giai đoạn – kế hoạch an ninh bến cảng và tập trận hàng hải. Giai đoạn đầu tiên sẽ diễn ra từ ngày 10 đến 13/7.

“Trong giai đoạn đầu, hai bên sẽ tiến hành các hoạt động trên bờ như lập kế hoạch hành động, trao đổi chuyên môn nghiệp vụ, thi đấu văn hóa và thể thao. Các cuộc tập trận chung mà hải quân hai nước sẽ tổ chức trong giai đoạn diễn tập hàng hải bao gồm tấn công các mục tiêu trên biển, diễn tập chiến thuật, tác chiến chống tàu ngầm, bổ sung củng cố các tàu bị hư hỏng trên biển, hoạt động phòng không và chống tên lửa”, thông cáo chính thức cho biết.

Về phía Trung Quốc, các phương tiện, trang thiết bị tham gia tập trận bao gồm các khinh hạm mang tên lửa dẫn đường Xiangtan và Shuozhou, tàu tiếp liệu toàn diện Qiandaohu và một tàu ngầm, một máy bay cảnh báo sớm, 2 máy bay chiến đấu và một máy bay trực thăng.

Trong khi đó, Pakistan đã điều động chiến hạm Taimur do Trung Quốc chế tạo đến tham gia tập trận.

Cuộc tập trận Người bảo vệ Biển đầu tiên giữa hai nước đã được tổ chức ở vùng biển Arab, ngoài khơi Pakistan vào năm 2020.

Trong khi tuyên bố chính thức khẳng định các cuộc tập trận Người bảo vệ Biển 2 “không liên quan gì đến tình hình khu vực và không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào”, thời điểm tổ chức cuộc tập trận trùng với thời điểm Mỹ tổ chức cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2022 (RIMPAC) gần Hawaii với sự tham gia của lực lượng hải quân đến từ 25 quốc gia khác nhau. Cuộc tập trận này kéo dài từ cuối tháng 6 cho đến tháng 8.

Trong thông cáo báo chí, Hải quân Mỹ thông báo, 38 tàu mặt nước, 4 tàu ngầm, 9 lực lượng bộ binh, hơn 30 hệ thống không người lái, khoảng 170 máy bay và trên 25.000 quân nhân "sẽ tham gia công tác huấn luyện và hoạt động trong và xung quanh Quần đảo Hawaii và Nam California".

Trung Quốc đã không được mời tham dự RIMPAC kể từ năm 2018 do quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng xấu đi.

Trước khi cuộc tập trận Trung Quốc-Pakistan diễn ra, Islamabad đã tiến hành một số chuyến thăm ngoại giao và quân sự cấp cao tới Bắc Kinh, trong đó có chuyến thăm của Ngoại trưởng Bilawal Bhutto Zardari tới Trung Quốc hồi tháng 5.

Ngoại trưởng Zardari và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị đã kêu gọi xây dựng một “kiến trúc khu vực bao trùm” ở châu Á - Thái Bình Dương trong cuộc gặp song phương, nhằm đối phó với sáng kiến Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ.

Trong cuộc họp giữa Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan, Tướng Qamar Javed Bajwa và Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, Tướng Trương Hựu Hiệp tại Thanh Đảo vào tháng trước, cả hai lãnh đạo quân đội đều tuyên bố họ “ủng hộ lẫn nhau một cách vững chắc về các vấn đề liên quan đến lợi ích cốt lõi của hai bên”.

Bảo Hà/Báo Tin tức
Tập trận hải quân RIMPAC 2022 tại Thái Bình Dương
Tập trận hải quân RIMPAC 2022 tại Thái Bình Dương

Tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2022 diễn ra từ ngày 29/6 - 4/8 tại khu vực Thái Bình Dương. Đây được coi là cuộc tập trận hải quân đa quốc gia quy mô lớn nhất thế giới do Hải quân Mỹ dẫn đầu với sự tham dự của đại diện 25 quốc gia khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN