Tháng trước, Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) đã tiến hành các cuộc diễn tập kéo dài cả tuần với một khẩu đội THAAD tại doanh trại Hamphreys ở tỉnh Pyeongkaek, cách thủ đô Seoul 70 km về phía Nam.
Cuộc diễn tập do các quân nhân thuộc Lữ đoàn Pháo binh phòng không 35 dẫn đầu và diễn ra trùng thời điểm Triều Tiên tiến hành một hoạt động mà Bình Nhưỡng công bố là "thử một vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới".
Trang mạng Uriminzokkiri của Triều Tiên chỉ trích các cuộc diễn tập trên là "hành động khiêu khích quân sự, ảnh hưởng xấu tới không khí hòa bình rất khó mới có được trên bán đảo Triều Tiên" và là "mối đe dọa công khai chống Triều Tiên". Uriminzokkiri cảnh báo Seoul về "những hậu quả tồi tệ nếu làm theo các hành động thù địch của Mỹ".
Trong khi đó, tờ Meari cũng cho rằng các cuộc diễn tập THAAD là một sự khiêu khích quân sự không chỉ nhằm vào Triều Tiên mà cả các nước láng giềng, và làm dấy lên sự tức giận trong cộng đồng quốc tế.
Những chỉ trích trên được đưa ra trong bối cảnh hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai về phi hạt nhân hóa không đạt kết quả, do Mỹ muốn một "thỏa thuận lớn" trong khi Triều Tiên muốn Washington "từng bước" dỡ bỏ trừng phạt song song với các bước hướng đến phi hạt nhân hóa.
Ngày 18/4 vừa qua, Triều Tiên đã tiến hành thử một loại vũ khí chiến thuật mới có “hệ thống dẫn đường đặc biệt” và mang theo “đầu đạn công phá mạnh”. Vụ thử được cho là thông điệp mà Triều Tiên gửi tới Mỹ bày tỏ rằng Bình Nhưỡng không thể kiên nhẫn thêm nữa.
Hiện, khoảng 28.500 binh sĩ Mỹ đang đồn trú trên bán đảo Triều Tiên kể từ sau khi cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) kết thúc bằng một hiệp định đình chiến, khiến bán đảo này về lý thuyết vẫn trong tình trạng chiến tranh.