Trong phiên giao dịch chiều 27/9, áp lực bán vẫn luôn thường trực, cộng thêm tâm lý giao dịch thận trọng của nhà đầu tư, khiến chỉ số VN-Index tiếp tục giảm, rời càng xa mốc 1.200 điểm
Theo đó, sàn HoSE có 181 mã tăng và 261 mã giảm, VN-Index giảm 7,81 điểm (-0,67%), xuống 1.166,54 điểm. Sắc đỏ vẫn chiếm phần đa trên bảng điện. Tuy nhiên sắc xanh cũng được cải thiện phần nào so với phiên 26/9, khi có đến 181 mã tăng điểm, còn lại là 86 mã đóng cửa tham chiếu. Thanh khoản ngày 27/9 quay trở lại với mức trung bình khi có gần 500 triệu cổ phiếu được giao dịch, tổng khối lượng khớp lệnh trên toàn sàn đạt mức hơn 10 nghìn tỷ đồng, giảm 37% về khối lượng và 38% về giá trị so với phiên hôm qua.
Theo đó, nhóm các cổ phiếu lớn giao dịch không mấy khởi sắc như: VHM -3,2% xuống 54.100 đồng/cổ phiếu; VNM -2,2% xuống 72.400 đồng/cổ phiếu; PLX và GAS giảm 1,9% và 1,8%.
Trong phiên ngày 27/9, nhóm cổ phiếu có sự ảnh hưởng tiêu cực nhất đến thị trường là nhóm bất động sản với rất nhiều cổ phiếu giảm mạnh. Đặc biệt, mã DXG -6,93%; DIG -3.13%; L14 -2.81%; CEO -2.09% cũng đều có mức giảm tương đối lớn.
Ngược lại, ngoài nhóm ngân hàng, chứng khoán cũng là nhóm thể hiện khá tích cực. Mặc dù không tăng mạnh nhưng hầu hết các cổ phiếu nhóm này đều giữ được sắc xanh cho đến cuối phiên khi mà áp lực bán là vô cùng lớn. Một số cái tên đáng chú ý như: HCM +0.39%; VCI +0.33%; VND +0.29% đều chỉ có mức tăng nhẹ. Đóng cửa phiên chiều 27/9, sàn HNX có 80 mã tăng và 91 mã giảm, HNX-Index giảm 0,16 điểm (-0,06%), xuống 255,52 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 45,8 triệu đơn vị, giá trị 972,66 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,22 triệu đơn vị, giá trị 91,4 tỷ đồng.
Trước đó ngày 26/9, VN-Index tiếp tục có phiên giao dịch khá tiêu cực trong ngày đầu tuần, áp lực bán diễn ra trong suốt cả phiên. Kết thúc phiên, VN-Index giảm 28,93 điểm về mốc 1.174,35 điểm, khối lượng và giá trị giao dịch đều tăng mạnh so với phiên trước.
Theo ông Ngô Công Bình, thanh khoản của thị trường tiếp tục suy giảm so với các tháng trước, cho thấy nhà đầu tư đang rất cẩn trọng trong tình hình hiện tại và chưa vội giải ngân vào những kênh đầu tư rủi ro như chứng khoán.
Vừa qua, Việt Nam cũng đón nhận nhiều thông tin vĩ mô không mấy tích cực ảnh hưởng tới thị trường cũng như tâm lý nhà đầu tư, trong đó tâm điểm là việc Cục Dự trữ Liên bang (FED) đã nâng lãi suất thêm 75 điểm lần thứ 3 liên tiếp; đồng thời phát tín hiệu sẽ dự kiến tăng tiếp để kiềm chế lạm phát cho đến đầu năm 2023. Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cũng tăng 100 điểm lãi suất điều hành vào ngày 22/9 (lần đầu tiên trong 2 năm).
“Với tình hình hiện tại, VietinBank Securities đánh giá VN-Index có rủi ro tiếp tục điều chỉnh về các vùng điểm 1.150 - 1200 điểm, thậm chí có thể rơi về vùng 109x. Do vậy, nhà đầu tư cần duy trì tỷ trọng tiền mặt/cổ phiếu một cách hợp lý và quan sát diễn biến của thị trường cũng như chờ thêm kết quả kinh doanh quý III/2022, các số liệu về vĩ mô như GDP, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sắp được công bố”, đại diện VietinBank Securities dự báo.
Một số chuyên gia kinh tế cho biết: Hiện tại, nội lực của nền kinh tế đang khá tốt, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn đang khả quan, lạm phát vẫn đang được Chính phủ kiểm soát tốt. Các chính sách về tiền tệ, tài khóa được điều hành một cách linh hoạt nhằm ổn định nền kinh tế.
Tuy nhiên theo ông Ngô Công Bình, để đánh giá được sự tác động của FED tới nền kinh tế, số liệu sắp tới từ GDP quý III/2022, lạm phát, tình hình xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong nước cũng như kết quả kinh doanh của các đơn vị này sẽ thể hiện rõ. Theo dự báo của VietinBank Securities, trước xu hướng tăng mạnh lãi suất của các ngân hàng Trung ương trên thế giới, nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam (trừ Mỹ) dự kiến tiếp tục sụt giảm.
Theo Bộ Công Thương, dự kiến xuất siêu trong năm 2022 của Việt Nam chỉ đạt 1 tỷ USD – mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây. Để tiếp tục thực hiện mục tiêu phục hồi kinh tế sau đại dịch, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng: Trọng tâm cần được đẩy mạnh vào việc giải ngân đầu tư công – thành phần quan trọng trong “cỗ xe tam mã” của nền kinh tế
Đề cập việc tăng lãi suất của NHNN sẽ tạo áp lực lên các thị trường tài sản, trong đó có TTCK, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng: Về mặt lý thuyết, mặt bằng lãi suất gia tăng lợi suất yêu cầu cho các khoản đầu tư sẽ phải tăng qua đó làm giảm mặt bằng định giá cổ phiếu. Bên cạnh đó, mặt bằng lãi suất tiết kiệm tăng cũng làm gia tăng độ hấp dẫn của kênh huy động này và khiến dòng dân cư chuyển dịch một phần vào kênh này.
“Để đánh giá TTCK Việt Nam trong tương quan với môi trường lãi suất tăng, chúng tôi sử dụng phương pháp định giá lợi suất thu nhập thị trường (E/P). Nếu như các nhà đầu tư thường quen thuộc với chỉ số P/E (giá/thu nhập mỗi cổ phiếu) thì lợi suất thu nhập thị trường E/P là nghịch đảo của chỉ số trên, nó phản ánh lợi suất nhà đầu tư có thể nhận được nếu dựa vào tăng trưởng lợi nhuận của thị trường”, bà Trần Thị Khánh Hiền - Giám đốc Khối Phân tích, CTCK VnDirect cho biết.
“Một số thông tin sắp tới có thể hỗ trợ thị trường chứng khoán trong nước trong ngắn hạn như là mùa báo cáo kết quả kinh doanh, kết quả GDP quý III/2022 dự kiến tăng trưởng khá cao, định giá thị trường sau một thời gian điều chỉnh đã ở vùng hấp dẫn để thu hút dòng tiền. Vì thế, từ nay tới hết tháng 9/2022, TTCK sẽ còn có một nhịp hồi phục sau khi điều chỉnh từ vùng 1.280 điểm về vùng 1.200 điểm”, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng giám đốc CTCK Kiến Thiết Việt Nam nhận định.
Theo ông Hoàng Công Tuấn, kênh đầu tư chứng khoán là một kênh đầu tư hấp dẫn trong bối cảnh hiện tại nhờ hai yếu tố chính. Thứ nhất, tăng trưởng GDP của Việt Nam quý III và cả năm 2022 rất khả quan sẽ phản ánh vào mức tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp trong 2 quý cuối năm. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định do đó các yếu tố bất lợi không tác động quá lợi đến triển vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp. Thứ hai, mức giá định giá của cổ phiếu trên thị trường đã ở mức rẻ với mức P/E VN-Index là gần 13 lần, thấp hơn đáng kể mức trung bình dài hạn từ 2015 tới nay là 15 lần.