COVID-19 tạo cú huých bùng nổ
Bà Đinh Hồng Hạnh, lãnh đạo Dịch vụ tư vấn tài chính, Công ty Tư vấn PwC Việt Nam cho biết: “Thanh toán điện tử đã trở nên phổ biến từ trước COVID-19. Tuy nhiên, đại dịch đã tạo ra cú huých thúc đẩy thanh toán điện tử bùng nổ, nhanh hơn 3-5 năm về tốc độ áp dụng. Đây chính là cơ hội mới cho toàn bộ hệ sinh thái thanh toán kỹ thuật số, bao gồm các ngân hàng và các công ty công nghệ tài chính (Fintech) và ví điện tử phát triển”.
Hiện nay, bên cạnh các giao dịch thực hiện qua Mobile Banking, Internet Banking, cà thẻ, quét QR Code, thanh toán bằng nhận diện gương mặt... ví điện tử cũng là phương thức được nhiều người sử dụng. Theo khảo sát của Visa, trong bối cảnh dịch COVID-19, ví điện tử lại càng "có đất để dụng võ”. Khảo sát cũng cho thấy, 57% người tiêu dùng có tới ba ứng dụng ví điện tử trên điện thoại, 55% người tiêu dùng ưa thích ứng dụng có thể thực hiện tất cả các giao dịch.
Thống kê của NNHN cho thấy, hiện thị trường Việt Nam có khoảng 43 ví điện tử và tổ chức trung gian thanh toán không phải ngân hàng được chính thức cấp phép hoạt động. Con số này đã tăng gấp 7 lần so với năm 2015. Như vậy, bên cạnh các thương hiệu “quen mặt” với người tiêu dùng nhiều năm nay như: MoMo, VNPAY, ShopeePay (trước đây là Airpay), ViettelPay, ZaloPay, Moca (GrabPay), Payoo, thị trường ví điện tử đang ngày một sôi động hơn với sự góp mặt của hàng loạt Fintech Việt tài năng và cả các tập đoàn lớn có hệ sinh thái đa dạng như: VinID (thuộc VinGroup), VNPT Pay (thuộc VNPT), SenPay (thuộc FPT), MobiFone Pay (thuộc MobiFone), eM (đã được Alibaba mua lại 1 phần cổ phần và đang tích hợp vào Lazada), SmartPay, G-Pay…
Điều này cho thấy, ngày càng nhiều ví điện tử có mặt trên thị trường với những ưu đãi để thu hút khách hàng làm cuộc đua ví điện tử trở nên sôi động hơn bao giờ hết. Trong “Ngày không dùng tiền mặt năm 2021” được tổ chức vừa qua, Vụ trưởng Vụ thanh toán NHNN Phạm Tiến Dũng cũng đã thừa nhận, một trong những dấu ấn đặc biệt nhất trên thị trường thanh toán 5 năm qua là sự nổi lên của ví điện tử. “Dù giá trị giao dịch chưa bằng ngân hàng, song số giao dịch qua ví điện tử đã gần tương đương giao dịch ngân hàng”, ông Phạm Tiến Dũng nói.
Đại diện NHNN cũng cho biết, ví điện tử đang hoạt động theo cơ chế người dùng chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng sang tài khoản thanh toán nên không bị khống chế hạn mức thanh toán. Vì vậy, các đơn vị vận hành ví điện tử tăng cường liên kết với các ngân hàng để mở rộng phạm vi chuyển tiền thanh toán cho người dùng. Ngược lại, các ngân hàng cũng có lợi thế mở rộng khách hàng và tận dụng được một hệ sinh thái thanh toán sẵn có kết nối với các sàn thương mại điện tử, cửa hàng tiện lợi... nhất là trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thanh toán không tiếp xúc lên ngôi.
Sẽ dần trở thành siêu ứng dụng
Nhiều chuyên gia nhận định, trong năm 2022, thị trường ví điện tử sẽ cạnh tranh khốc liệt, có thể thúc đẩy các nhà cung cấp ví điện tử sáp nhập thành một vài siêu ứng dụng (super app) hàng đầu trong khu vực và địa phương nhằm thống lĩnh thị trường. Không chỉ thế, nhiều siêu ứng dụng và nhà cung cấp dịch vụ thuộc các nhóm ngành kinh tế khác (như thương mại điện tử, bán lẻ và dịch vụ tài chính) cũng sẽ bắt tay cùng hợp tác.
Như ví điện tử MoMo, để củng cố vị trí siêu ứng dụng dẫn đầu thị trường thông qua việc tăng cường cung cấp các dịch vụ tài chính đến 31 triệu khách hàng hiện hữu, mở rộng thị trường thông qua việc cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hàng triệu doanh nghiệp nhỏ (SME), siêu nhỏ (MSME) tại Việt Nam và tiếp tục đẩy mạnh việc đầu tư vào các công ty Việt Nam để mở rộng hệ sinh thái, MoMo đã nhiều lần gọi vốn đầu tư. Mới đây nhất, vào tháng 12/2021, MoMo đã hoàn thành vòng gọi vốn thứ 5 (Series E) với số tiền đầu tư trị giá khoảng 200 triệu USD từ các nhà đầu tư toàn cầu, gồm Mizuho, Ward Ferry, Goodwater Capital và Kora Management. Vòng gọi vốn lần này được dẫn dắt bởi Mizuho – Ngân hàng toàn cầu Nhật Bản.
Ông Daisuke Horiuchi, Giám đốc điều hành mảng Kinh doanh bán lẻ của Mizuho (Mizuho’s Retail Business) chia sẻ: “Chúng tôi đang không ngừng tìm kiếm và mở rộng các mảng kinh doanh bán lẻ tại Đông Nam Á cũng như trong lĩnh vực chuyển đổi số, phát triển tài chính toàn diện. MoMo đã thể hiện rất xuất sắc trong cả ba lĩnh vực trên và chúng tôi tin tưởng rằng, việc hợp tác với MoMo sẽ hỗ trợ công ty phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, đồng thời thúc đẩy tài chính toàn diện ngày càng phổ biến tại Việt Nam”.
Không chỉ MoMo, hiện nhiều ví điện tử khác cũng đang đẩy mạnh mở rộng hệ sinh thái của mình. Cụ thể, ngoài cung cấp đầy đủ các tiện ích cơ bản như thanh toán điện thoại, điện, nước, Internet, thanh toán, thanh toán các khoản vay, phí bảo hiểm, phí dịch vụ chung cư, dịch vụ công, học phí, mua vé (tàu xe, máy bay)… các ví điện tử đang xây dựng cho mình các trò chơi, chương trình ưu đãi riêng hay liên kết với các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo, Zalora… để gia tăng trải nghiệm, tiện ích cho khách hàng. Ví điện tử nào có nhiều tiện ích, phù hợp với khách hàng của mình sẽ có được lợi thế trong cuộc đua thu hút khách hàng.
Có thể thấy, ShopeePay đang khai thác tốt lợi thế cạnh tranh (USPs) là nền tảng thanh toán tích hợp trong sàn TMĐT dẫn đầu thị trường là Shopee; MoMo lại cho thấy sức mạnh trong việc đa dạng hóa dịch vụ, tiện ích thanh toán và đối tác liên kết. Bên cạnh đó, VNPAY với thế mạnh vững vàng của nền tảng cổng thanh toán điện tử – sở hữu mạng lưới đối tác liên kết thanh toán “đáng nể”. ZaloPay với lợi thế chuyển đổi người dùng trực tiếp trong ứng dụng Zalo Chat. ViettelPay với hệ sinh thái viễn thông cho phép chuyển tiền qua số điện thoại. Moca (GrabPay) với hệ sinh thái thuộc siêu ứng dụng Grab. SmartPay với nhóm khách hàng đặc thù là tiểu thương và SMEs…
Ông Đào Tuấn Anh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần AppotaPay (đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử), tiết lộ những tháng đầu năm 2021, AppotaPay đã liên kết với một số ngân hàng thương mại cổ phần như: Nam Á (Nam A Bank), Phương Đông (OCB)… để phát triển ví điện tử. Tương tự, các ngân hàng thương mại cổ phần lớn như: Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, MSB… đã liên kết với ví điện tử ShopeePay để phát triển dịch vụ.
Theo dự báo của AppotaPay, thị trường thanh toán không dùng tiền mặt trong 3-5 năm tới sẽ phát triển rất mạnh. Trong đó, Mobile Money cùng với ví điện tử sẽ là những dịch vụ mũi nhọn giúp thanh toán không dùng tiền mặt tiếp cận và chiếm lĩnh được tới thị phần rộng lớn còn lại trong bức tranh thanh toán trực tuyến ở Việt Nam. Giữa xu thế cạnh tranh khốc liệt của toàn ngành, thương hiệu ví điện tử nào có hệ sinh thái tốt sẽ chiếm lĩnh thị phần, trong khi các ví còn lại không có hệ sinh thái sẽ phải cạnh tranh bằng mọi phương diện.