NVL và PDR là 2 mã BĐS ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số VN30 khi cùng giảm sàn với áp lực bán mạnh nhưng trắng bên mua. Các cổ phiếu khác như DIG, TDC, KBC, VC7, DXG và SCR cũng lao dốc ít nhất 4%. BĐS cũng là nhóm kéo giảm chỉ số VN-Index mạnh nhất vào đầu phiên ngày 7/11.
Phiên bán tháo diễn ra sau khi thị trường xuất hiện nhiều thông tin bán giải chấp cổ phiếu của các lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản. Chẳng hạn, mới đây, Công ty chứng khoán Tân Việt (TVSI) công bố thông tin về việc bán giải chấp cổ phiếu PDR đối với ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch Bất động sản Phát Đạt) và công ty liên quan Phát Đạt Holdings. Trước đó, lãnh đạo của các Công ty Hodeco (HDC) và LDG cũng bị bán giải chấp cổ phiếu.
Ngoài ra, những thông tin gần đây về thị trường bất động sản cũng khá u ám, với sức mua giảm và Ngân hàng Nhà nước siết dòng vốn chảy vào lĩnh vực này. Trước đó, Bộ Xây dựng cũng dự báo thị trường bất động sản sẽ gặp nhiều khó khăn bởi nguồn cung vừa quá thiếu vừa quá thừa so với nhu cầu và tín dụng thắt chặt.
Tuy nhiên, nhóm ngành giảm mạnh nhất trong phiên sáng lại là chứng khoán, bán lẻ và chế biến thủy sản. Nhóm ngành vật liệu xây dựng cũng giao dịch trong tâm thế bi quan khi các cổ phiếu ngành thép lao dốc mạnh. Các cổ phiếu ngành đã cũng lao dốc như PTB hay KSB giảm gần sàn.
Chốt phiên sáng 7/11, VN-Index giảm gần 23 điểm, xuống còn 974 điểm; HNX giảm 4,7 điểm xuống còn 199 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 335,46 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 5.243 tỷ đồng.
Trong đó, hơn 500 mã giảm điểm với hơn 100 mã giảm sàn, hơn 120 mã tăng giá. Tốp 10 cổ phiếu giảm mạnh nhất trong phiên sáng là NVL, VHM, TCB, BCM, MBM, VIC, MWG, HPG, EIB, HDB.
Theo nhận định từ SSI Research, TTCK tháng 11 có thể bước vào giai đoạn dò đáy và vùng 1.000 điểm sẽ tiếp tục quyết định xu hướng vận động của VN-Index. Hiện TTCK Việt Nam đã giảm 31,3% điểm số kể từ đầu năm và mức giảm của hệ số P/E ước tính năm 2022 của VN-Index cũng tương đương ở mức 31,4%, cho thấy mức chiết khấu này đã phản ánh phần lớn xu hướng yếu đi của lợi nhuận trong tương lai trước tác động của lạm phát và lãi suất tăng cao. Hệ số định giá P/E ước tính năm 2022 và 2023 trên VN-Index hiện đang ở mức 9,8 lần và 8,3 lần vào ngày 2/11/2022.
Với diễn biến của TTCK trong tháng 9 và 10, SSI Research cho rằng, tâm lý nhà đầu tư đã xuống mức rất thấp và khả năng thị trường đã rơi vào trạng thái quá bán. Thông thường, tâm lý bi quan thái quá có thể là chỉ báo gợi ý thị trường sẽ có các nhịp hồi phục tạm thời sau đó. Tuy nhiên, diễn biến hiện tại của các yếu tố như tỷ giá, xu hướng tăng của lãi suất và kể cả rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể hỗ trợ thị trường cổ phiếu có nhịp phục hồi bền vững.
Với diễn biến ngắn hạn của thị trường sắp tới, cụ thể trong giai đoạn tháng 11, SSI Research đánh giá vùng hỗ trợ 1.000 điểm sẽ tiếp tục quyết định xu hướng vận động của chỉ số. Nếu giữ vững vùng hỗ trợ này, đà hồi phục trên VN-Index sẽ được mở rộng với vùng mục tiêu đầu tiên là 1.040 điểm. Trong kịch bản ngược lại, VN-Index có thể kiểm định các vùng hỗ trợ gần là 968 - 950 điểm.
Với các giao dịch ngắn hạn, SSI Research cho rằng việc tăng tỷ trọng cổ phiếu và mở vị thế mới nên chờ đợi thị trường xác nhận xu hướng rõ ràng, hoặc quay lại xu hướng tăng ngắn hạn hoặc xu hướng đi ngang.