Đến 10 giờ, VN-Index đã có lúc giảm gần 30 điểm, với hơn 550 mã giảm, gần 1.000 mã đứng giá, trong khi dòng tiền chảy vào sàn HOSE chỉ hơn 2.660 tỷ đồng.
Ba cổ phiếu giảm mạnh nhất của rổ VN30 trong sáng nay là VJC, PDR, NVL với tỷ lệ giảm 4,6%, 6,9%, 7%.
Ngoài ra, ba ngành giảm mạnh nhất trong phiên này là bán lẻ, chứng khoán và bất động sản.
Chốt phiên sáng, VN-Index giảm gần 41 điểm, xuống còn 979 điểm; HNX-Index giảm 6,54 điểm, xuống còn hơn 204 điểm. Tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường đạt 486,39 triệu cổ phiếu, tương đương tổng giá trị gần 7.538 tỷ đồng.
Top 5 cổ phiếu giảm mạnh nhất là VCB, VIC, VHM, NVL, VPB.
Nhận định về tương lai thị trường trong tháng 11, các chuyên gia chứng khoán kỳ vọng khi những thông tin tiêu cực giảm đi và tình hình thị trường toàn cầu phục hồi thì TTCK mới có dấu hiệu khởi sắc. Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Tư vấn đầu tư CTCK Thành Công (TCSC) cho rằng rất khó để đánh giá mức độ phản ánh của thị trường về các thông tin vĩ mô. Tuy nhiên, TCSC đánh giá thị trường dường như đang phản ánh thái quá so với những yếu tố vĩ mô đã xảy ra.
Theo ông Trung, trong tháng 11, có khá nhiều sự kiện quan trọng ảnh hưởng đến thị trường. Với thế giới, ngày 10 - 13/11, Mỹ cũng sẽ tiếp tục công bố con số về lạm phát trong tháng 10. Trong nước, thị trường cũng đang có nhiều lo ngại.
Tuy nhiên, đây là những thông tin không mới, do đó mức độ "ngạc nhiên" với thị trường là không cao. Vì thế, chuyên gia TCSC cho rằng, thị trường trong tháng 11 và cuối năm 2022 khả năng sẽ ổn định hơn và có xu hướng đi lên hồi phục. Vùng 1.000 điểm có khả năng là điểm vững chắc trong 2 tháng tới.
Ông Trung khuyến nghị, nhóm nhà đầu tư ngắn hạn, thích lướt sóng nên đánh giá và theo dõi giai đoạn thị trường có tâm lý ổn định, ít biến động thì hãy vào lại thị trường hoặc giải ngân chậm rãi, không sử dụng đòn bẩy quá cao để tránh rủi ro.
Với nhóm nhà đầu tư dài hạn, tích sản thì đây là đây là cơ hội để mua được cổ phiếu rẻ và chiết khấu cao. Thị trường đã giảm sâu và rất nhiều cổ phiếu đã rẻ so với tài sản thực sự của công ty (P/B dưới 1.0 lần), nhiều cổ phiếu tạo ra dòng tiền, tỷ suất cổ tức hơn 10%/năm.
Đối với các nhà đầu tư có tầm nhìn dài hạn hơn, các nhóm ngành đang được chiết khấu sâu do khó khăn trong ngắn hạn như ngân hàng, thép, chứng khoán cũng là một sự lựa chọn tốt. Định giá PB của các nhóm ngành này cũng đang ở mức rất thấp so với lịch sử trong khi nội tại doanh nghiệp giờ đã vững và tốt hơn rất nhiều.
Còn theo ông Trần Đức Anh, Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Đầu tư CTCK KB Việt Nam (KBSV), tình hình tỷ giá, lãi suất thời gian qua có tác động tới một số nhóm ngành riêng biệt nhưng nhìn chung số đông vẫn tăng trưởng tốt. Đà giảm kỷ lục của PE gần đây không thật sự phù hợp với diễn biến vĩ mô. Nếu các yếu tố liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt thì chứng khoán sẽ tích cực hơn. Định giá thị trường hiện tại đã trở về vùng giá hấp dẫn.
Theo khuyến nghị của ông Đức Anh, hiện tại nhà đầu tư có thể giải ngân vào chứng khoán với tỷ lệ 50 tiền mặt, 50 chứng khoán. Định giá thị trường đang rất hấp dẫn và hiếm khi có thể thấy được.