Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) cho biết, hiện nay các doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh như dệt may, chế biến gỗ đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng. Trong khi đó, ở lĩnh vực bất động sản, thị trường hiện rất khó khăn và đi vào suy thoái. Điều này đã buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, dừng đầu tư, ngưng thi công các dự án mới, kéo theo thị trường gần thư đóng băng và có khả năng kéo dài.
Đáng lo ngại, việc khó khăn trong sản xuất kinh doanh đã khiến nhiều doanh nghiệp bị thiếu hụt vốn để tiếp tục đầu tư, tái sản xuất, phát triển và mở rộng thị trường, kéo theo đó là hệ lụy không đủ tài sản để thế chấp vay vốn. Nhưng ngay cả khi tiếp cận được vốn, các doanh nghiệp cũng không dám vay vì lãi suất tăng cao. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, chính sách hỗ trợ lãi vay 2% ít khả thi, khó thực hiện vì một số doanh nghiệp lo ngại về thủ tục giấy tờ và thanh kiểm tra.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) cho biết: "So với các lĩnh vực khác, các doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm có thể lạc quan hơn nhưng cộng đồng doanh nghiệp đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Với lãi suất cho vay trên 10% như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động doanh nghiệp cũng đã rất áp lực, cố gắng cân đối để đảm bảo tốt công ăn việc làm cho người lao động chứ chưa nghĩ đến kinh doanh có lãi. Hàng loạt các chi phí đầu vào khác đang tăng đáng kể như điện, nước, nguyên nhiên liệu… càng gây áp lực cho các doanh nghiệp".
Theo bà Lý Kim Chi, cảm nhận của các doanh nghiệp hiện nay là chưa khi nào làm ăn khó khăn như lúc này. Không chỉ có các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp nhỏ và vừa mà ngay cả người bán buôn, bán sỉ và bán lẻ cũng chung số phận.
Liên quan đến việc hỗ trợ vay vốn cho doanh nghiệp, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, tính từ đầu năm 2023 đến nay, các ngân hàng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 469.000 tỷ đồng. Trong đó, tín dụng giảm lãi suất cho vay là 300.000 tỷ đồng, tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp là 100.000 tỷ đồng; tín dụng hỗ trợ lãi suất 2% đạt trên 9.000 tỷ đồng (lũy kế thực hiện gói này tại địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt 15.000 tỷ đồng).
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, trong năm 2023, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp cũng sẽ gắn với chương trình hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước theo Nghị định 31 của Chính phủ và Thông tư 03/2022 của Ngân hàng Nhà nước. Sắp tới, ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động kết nối hỗ trợ các tổ chức tín dụng thực thi chính sách và giải ngân các gói tín dụng ưu đãi để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đồng thời phát triển dịch vụ ngân hàng và truyền thông chính sách.
Liên quan đến các vấn đề vướng mắc chung của doanh nghiệp, Ngân hàng nhà nước TP Hồ Chí Minh sẽ tổng hợp đề xuất lên UBND TP để Thành phố kiến nghị Chính phủ. TP Hồ Chí Minh cũng đang khởi động lại chương trình kích cầu đầu tư hỗ trợ doanh nghiệp, nhận diện để cùng nhau tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp gặp khó về vốn.
Kết luận tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh cam kết đồng hành với các doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp gặp khó khăn do cơ chế thì Thành phố sẽ có những kiến nghị về cơ chế. Đối với từng trường hợp doanh nghiệp cụ thể, Thành phố sẽ giải quyết cụ thể để kịp thời tháo gỡ. Khi giải quyết, TP Hồ Chí Minh thực hiện theo hướng đồng hành chia sẻ, sao cho hai bên đều được hưởng lợi ích cao nhất.
Đối với những ngân hàng gặp khó khăn, ông Phan Văn Mãi yêu cầu ngành ngân hàng cần đẩy mạnh việc chuyển đổi số để có thể phản ánh trên hệ thống Ngân hàng nhà nước hoặc các cơ quan, ban ngành thành phố nắm bắt thông tin nhanh hơn, qua đó kịp thời chia sẻ và hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ngoài ra, khi ngân hàng triển khai chính sách cần cung cấp thông tin công khai, minh bạch cho doanh nghiệp thông qua hiệp hội, truyền thông… để các doanh nghiệp kịp thời nắm bắt thông tin, tiếp cận nguồn vốn.
"Đối với doanh nghiệp nào gặp khó khăn, cần trao đổi thẳng thắn với ngân hàng để ngân hàng có thể sắp xếp hoặc hỗ trợ doanh nghiệp. Khi sử dụng nguồn vốn này, doanh nghiệp cần tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh làm sao sử dụng vốn vay đạt hiệu quả cao nhất. Mặt khác, các hội ngành nghề cần tổng hợp thông tin doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn để phản ánh kịp thời đến các cơ quan ban ngành và thành phố nhằm cùng trao đổi, chia sẻ tháo gỡ khó khăn cho nhau. Đối với Sở Công thương và các sở ngành, cần tăng cường gặp gỡ doanh nghiệp nhiều hơn để tổng hợp thông tin và cùng tìm ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp", ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.