TP Hồ Chí Minh: Ngành ngân hàng tập trung thực hiện 3 giải pháp tăng trưởng tín dụng xanh

Thực hiện Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, các ngân hàng trên địa bàn thành phố đang tập trung triển khai thực hiện 3 giải pháp.

Chú thích ảnh
Tín dụng xanh được hiểu là những khoản vay cho các dự án có liên quan đến yếu tố môi trường. Ảnh minh họa

Cụ thể là tổ chức triển khai thực hiện tốt cơ chế chính sách của NHNN về phát triển tín dụng xanh bằng những chương trình hành động cụ thể gắn với việc thực hiện các chương trình tín dụng của Chính phủ, NHNN và UBND TP Hồ Chí Minh theo hướng đạt được mục tiêu cụ thể về tốc độ tăng trưởng tín dụng xanh gắn liền với tăng trưởng kinh tế xanh trên địa bàn Thành phố.

Trong đó, trên cơ sở các quy định của NHNN và quy định pháp luật có liên quan, các tổ chức tín dụng tiếp tục xây dựng và hoàn thiện quy định nội bộ về quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong việc cấp tín dụng và tích hợp nội dung này vào quy trình cấp tín dụng xanh; sử dụng sổ tay đánh giá rủi ro môi trường và xã hội cho các ngành kinh tế trong quá trình thẩm định, đánh giá xét duyệt cho vay; xây dựng và phát triển sản phẩm tín dụng xanh để thuận lợi trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh của Thành phố.

Thứ hai, khai thác và sử dụng vốn an toàn hiệu quả và đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho tăng trưởng kinh tế xanh, bởi các dự án xanh thường có nhu cầu vốn lớn và thời gian trung, dài hạn để đầu tư đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch hoặc công nghệ sạch, xanh... Vì vậy, các tổ chức tín dụng cần khai thác và sử dụng vốn hiệu quả, hợp lý, phù hợp về cơ cấu kỳ hạn, lãi suất; đảm bảo nguồn vốn an toàn, hiệu quả trong quá trình mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh; đồng thời mở rộng, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn vay từ các định chế tài chính nước ngoài trong chương trình phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và phát triển thị trường tín chỉ carbon…

Thứ ba, làm tốt công tác thông tin truyền thông. Đây là giải pháp quan trọng và mang lại nhiều ý nghĩa đặc biệt trong giai đoạn đầu phát triển tín dụng xanh. Bởi nhận thức tầm quan trọng và vai trò ý nghĩa của tín dụng xanh, sự cần thiết mở rộng và tăng trưởng tín dụng xanh không chỉ đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xanh, phù hợp xu hướng thời đại mà còn là động lực để hoạt động tín dụng ngân hàng tăng trưởng và phát triển bền vững, tạo dư địa cho tăng trưởng và hỗ trợ giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo đó, ngành ngân hàng sẽ đẩy mạnh thông tin truyền thông về trách nhiệm của mỗi cán bộ, nhân viên ngân hàng trong thực hiện giải pháp phát triển tín dụng xanh, trong việc thông tin tư vấn cho khách hàng… Từ đó, nhận thức vai trò, trách nhiệm xã hội trong thực hiện các giải pháp liên quan đến hoạt động của nền kinh tế xanh, tạo thuận lợi và hiệu ứng chung với các chương trình phát triển kinh tế xanh của đất nước.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam được thực hiện theo Quyết định số 1604/QĐ- NHNN của Thống đốc NHNN Việt Nam; Quyết định số 34/QĐ-NHNN của Thống đốc NHNN ngày 7/1/2019 về việc ban hành Chương trình hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Mục tiêu của Đề án cũng như Chương trình hành động hướng đến thúc đẩy phát triển tín dụng xanh, ngân hàng xanh để góp phần chuyển đổi nền kinh tế sang hướng tăng trưởng xanh, phát thải carbon thấp, thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng tỷ trọng vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, các ngành sản xuất và tiêu dùng ít carbon.

Hải Yên/Báo Tin tức
Tăng trưởng tín dụng xanh thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững
Tăng trưởng tín dụng xanh thúc đẩy Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tài chính xanh có thể giúp ngăn chặn biến đổi khí hậu bằng cách tài trợ cho các dự án năng lượng hiệu quả và năng lượng tái tạo, cũng như hỗ trợ phát triển các công trình xanh, từ đó thúc đẩy phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN