Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động trung bình giảm nhẹ tháng 10/2021 đối với cả kỳ hạn 6 và 12 tháng. Cụ thể, trung bình lãi suất huy động 6 tháng và 12 tháng giảm lần lượt 0,01 và 0,06 điểm phần trăm, lần lượt xuống 4,70% và 5,50% vào thời điểm cuối tháng 10/2021.
Quý IV/2021, nền kinh tế có dấu hiệu hồi phục khi trải qua thời gian dài giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Vì vậy từ đầu tháng 11/2021 đến nay, lãi suất tiền gửi được một số ngân hàng đã tăng nhẹ 0,1 - 0,3%/năm đối với kỳ hạn dưới 3 tháng và 12 tháng trở lên. Cụ thể: Eximbank tăng lãi suất với kỳ hạn 1 tháng lên 3,3%/năm; 3 tháng tăng lên 3,5%/năm. Trong khi đó, Sacombank tăng lãi suất kỳ hạn 3 tháng 0,4%/năm lên 3,4%/năm; 12 tháng tăng lên 5,5%/năm; 24 tháng tăng lên 6%/năm...
Các ngân hàng khác cũng tăng lãi suất tiết kiệm với nhiều kỳ hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vốn tăng mạnh dịp cuối năm. Mức tăng lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn dưới 3 tháng hiện được xem là phù hợp, ngân hàng không tăng lãi suất tiền gửi ở kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng mà chỉ tăng ở kỳ hạn trên 12 tháng do sức ép về lạm phát. Theo một số chuyên gia kinh tế, từ nay đến cuối năm sẽ có một vài thời điểm thanh khoản hệ thống bớt dồi dào, hoạt động tín dụng sôi động trở lại bởi yếu tố mùa vụ cũng như quá trình nới lỏng dần các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
“Lãi suất huy động không thể giảm từ nay đến cuối năm. Các ngân hàng hạ được lãi suất cho vay là do có CASA (tiền gửi không kỳ hạn) lớn. Nhưng hiện đã có những thay đổi, COVID-19 khiến dòng tiền kinh doanh của các tập đoàn lớn âm, thậm chí có một ít gửi tiết kiệm cũng chỉ là để duy trì bộ máy quản lý của công ty và luôn trong tình trạng tiền có thể rút bất kỳ lúc nào. Theo đó, CASA ở đa số ngân hàng sụt giảm mạnh, thậm chí cạn kiệt, trong khi đây là nguồn quan trọng để hạ được lãi suất cho vay”, Tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia cho biết.
Theo ông Lê Xuân Nghĩa, đây là những yếu tố liên quan mật thiết khiến lãi suất tiền gửi không thể giảm nhiều, thậm chí bắt đầu có dấu hiệu chạm ngưỡng bẫy thanh khoản. “Vấn đề này đã từng được chúng tôi tính toán từ năm 2009 và xác định ngưỡng bẫy thanh khoản là lãi suất huy động trên dưới 3%/năm”, ông Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Trước đó, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Lãi suất tiết kiệm thời gian qua giảm mạnh khiến tốc độ tăng trưởng huy động thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng cho vay nên các ngân hàng không thể đặt ra bài toán giảm thêm lãi suất đầu vào để giảm lãi suất cho vay. “Theo mức lạm phát giả định 3%, ngân hàng cần duy trì mức lãi suất tiết kiệm tối thiểu như hiện nay để đảm bảo lợi ích của người gửi tiền. Tùy vào độ chênh lệch lãi suất cho vay và tiết kiệm tại từng ngân hàng nhưng bình quân ở mức 2 - 2,5%/năm là con số hợp lý”, ông Đào Minh Tú cho biết.
Theo NHNN, tính đến ngày 29/10, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 10 triệu tỷ đồng, tăng 8,72% so với cùng kỳ (cùng kỳ năm 2020 tăng 6,48%). Điều này phần lớn nhờ các ngân hàng thương mại đã tung các gói, chương trình ưu đãi nhằm kích cầu tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh trong giai đoạn cuối năm.
Hiện hầu hết các ngân hàng đều đã chạm đến hạn mức tín dụng của năm. “Khi tăng trưởng tín dụng được đánh giá là một yếu tố quan trọng giúp các ngân hàng duy trì mức lợi nhuận cao, chúng tôi kỳ vọng NHNN sẽ nới hạn mức tín dụng cho các ngân hàng trong bối cảnh nền kinh tế hoạt động trở lại. Vào thời điểm cuối năm, nhu cầu tín dụng tăng, dư nợ tín dụng cũng tăng mạnh hơn, chúng tôi dự đoán tăng trưởng tín dụng sẽ đạt trên 12% cho cả năm 2021”, đai diện Công ty cổ phần chứng khoán MB (MBS) cho biết.
Theo bà Bùi Thúy Hằng, thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng. Ở góc độ lãi suất thị trường hiện nay khá thấp, quan ngại của NHNN về an toàn hệ thống nên việc điều hành lãi suất thời gian tới đảm bảo hài hòa. Chính phủ và Thủ tướng đang chỉ đạo các bộ ngành xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế trong thời gian tới, về nguồn lực đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) xác định đối tượng cụ thể tiếp cận hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính và NHNN sẽ xác định nguồn lực, trên nguyên tắc đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn.
“Về rủi ro lạm phát, NHNN dự kiến năm 2022 có áp lực lớn do độ mở của nền kinh tế và áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu. Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), các tổ chức quốc tế đã có cảnh báo khoảng 3,5 - 4%, rủi ro lạm phát vượt 4% sẽ phụ thuộc giá cả thế giới. Lạm phát ở các nước phát triển đang ở mức kỷ lục nên NHNN phải chuẩn bị các kịch bản cần thiết”, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết.