Đại dịch COVID-19 đã tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân. Khi đại dịch COVID-19 xảy ra từ năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã vào cuộc với trách nhiệm cao.
Đến nay NHNN đã giảm lãi suất 3 lần với tỷ lệ giảm từ 1-2% mỗi đợt, đây là mức giảm sâu so với các nước trong khu vực. Ngoài ra, NHNNcũng đã kêu gọi các tổ chức tín dụng giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ và vay mới cho doanh nghiệp và người dân và đã giảm tới 1,66% so với thời điểm trước dịch.
Theo Thống đốc NHNN, nguồn tiền của các đợt giảm này lên tới 30.000 tỷ đồng và NHNN đang tiếp tục giảm lãi suất từ nay đến cuối năm. Riêng hệ thống ngân hàng thương mại giảm hơn 2.000 tỷ đồng với khách hàng… Nhờ đó có nguồn tiền này mà các doanh nghiệp đã tiếp cận được nguồn vốn, giảm được chi phí đầu vào, các doanh nghiệp và người dân đã tiếp cận được nguồn vốn kinh doanh.
Về dư địa và chính sách tiền tệ, Thống đốc NHNN cho biết việc điều hành giảm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế được NHNN và hệ thống ngân hàng thương mại đặc biệt quan tâm. Bởi đây là huyết mạch của nền kinh tế, các tổ chức tín dụng hoạt động phải đảm bảo an toàn, xem xét chính sách công cụ của NHNN đảm bảo những mục tiêu đó.
Bên cạnh đó, hệ thống ngân hàng phải đảm bảo cân đối lớn, chính sách vĩ mô, giảm nợ công. Có thể nói dư địa khi đánh giá về tiền tệ của hệ thống ngân hàng cũng như kinh tế vĩ mô của chúng ta vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển.
Thống đốc NHNN cho biết: Năm 2021 chỉ tiêu lạm phát của nước ta dưới 4%, chỉ tiêu này có thể đạt được. Nhưng bước sang năm 2022 có thể rủi ro lạm phát lớn nên chúng ta cần cân nhắc trong điều hành nền kinh tế vĩ mô.
Theo Thống đốc NHNN, hiện nay nền kinh tế thế giới đã dần phục hồi, giá cả hàng hóa trên thế giới đang gia tăng trở lại, chỉ số giá xăng dầu thế giới đã tăng 55,2%. Trước xu thế của thế giới, có thể nói nền kinh tế Việt Nam cũng đang có độ mở lớn, áp lực chỉ tiêu xuất nhập khẩu cũng tăng. Bên cạnh đó, Ngân hàng thế giới cũng đang mở rộng chính sách tiền tệ với sự điều hành chính sách tiền tệ lớn.
Trong nước, nợ xấu của các tổ chức tín dụng lại gia tăng, các ngân hàng thương mại đã dùng nguồn lực kết dư của mình để hỗ trợ giảm lãi suất nhưng tình hình nợ xấu vẫn tiềm ẩn và đang gia tăng. Nếu nợ xấu tăng, ắt phải tăng khả năng chi trả dẫn đến rủi ro lớn. Nếu không tính toán tốt thì rủi ro nợ xấu lại tăng lên, ví như năm 2018 nợ xấu của chúng ta có lúc tăng tới 18%.
Trước tình hình dịch bệnh, các doanh nghiệp và người dân đã từng bước giảm chi phí hoạt động, ngân hàng giảm lãi suất vốn vay nhưng phải đảm bảo an toàn tránh tác động lan truyền. NHNN đang tích cực phối hợp với các bộ, ngành để có các gói hỗ trợ dài hạn, ổn định kinh tế vĩ mô, phòng ngừa rủi ro cho nền kinh tế.