Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Ưu tiên cao cho chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 11/11, Quốc hội tiếp tục chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn về nhóm vấn đề thuộc giáo dục và đào tạo, trong đó có các vấn đề về dạy-học trực tuyến.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Cùng với trả lời chất của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham gia cung cấp thêm thông tin và báo cáo giải trình với Quốc hội về các nội dung trên.

Về đảm bảo hạ tầng học trực tuyến, theo Bộ trưởng, hạ tầng mạng viễn thông, mạng di động hiện nay còn 2.000 điểm lõm sóng, trong hai tháng vừa qua đã phủ sóng được 1.000 địa điểm, còn lại sẽ cố gắng phủ sóng trong năm 2021, chậm nhất đến tháng 1/2022.

Về mạng cố định để đưa tất cả cáp quang tới các hộ gia đình, Bộ trưởng cho biết hiện nay còn khoảng 8 triệu hộ gia đình chưa có cáp quang. Nếu đưa cáp quang về các hộ gia đình và có mạng không dây (Wi Fi), tốc độ truy cập sẽ tốt hơn. Bộ Thông tin và Truyền thông đang chỉ đạo các doanh nghiệp chậm nhất trước năm 2025, cơ bản các hộ gia đình Việt Nam sẽ có cáp quang.

Về chương trình "Sóng và máy tính cho em", Bộ trưởng nhấn mạnh, đây là một chương trình xã hội để giúp đỡ các em học sinh gặp khó khăn trong học tập trực tuyến, do Thủ tướng Chính phủ phát động. Chương trình này gồm 3 cấu thành với tổng giá trị 6.000 tỷ đồng. Thứ nhất là mục tiêu cấp 1 triệu máy tính bảng cho các em học sinh với giá trị 2.500 tỷ đồng. Hiện nay đã giao được trên 100.000 máy, song vì đứt gãy chuỗi cung ứng cho nên việc mua khó khăn, phải đặt hàng trước. Nhưng từ tháng 12, số máy thì sẽ tăng rất nhanh. Thứ hai, là phủ sóng 2.000 điểm phát sóng còn lại với giá trị khoảng 3.000 tỷ đồng. Thứ ba, miễn giảm cước học trực tuyến cho một số đối tượng đến hết năm 2021 với giá trị là 500 tỷ đồng.

Về phát triển nền tảng học trực tuyến của các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng thông tin hiện có 6 nền tảng học trực tuyến do Việt Nam tự phát triển. Đây không chỉ là nền tảng hội nghị truyền hình mà còn là nền tảng học liệu, chứa các nội dung bài giảng, bài giảng mẫu, hay công cụ soạn bài giảng cũng như là nền tảng tự học của học sinh và quản lý học sinh học-thi. Các nền tảng này đang được các doanh nghiệp Việt Nam miễn phí trong giai đoạn dịch COVID-19. Có khoảng 10 triệu học sinh đang sử dụng các nền tảng học tập trực tuyến này. Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông đang soạn thảo tiêu chí, tiêu chuẩn cho các nền tảng này và sẽ tổ chức đánh giá công bố nền tảng đạt chuẩn.

Về vấn đề an toàn thông tin cho các thiết bị đầu cuối và các nền tảng đào tạo trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho hay, Bộ đã chỉ đạo phát triển một phần mềm cài vào máy tính, điện thoại thông minh để bố mẹ có thể kiểm soát các con truy cập web. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ công bố tiêu chuẩn an toàn thông tin cho các nền tảng dạy học trực tuyến.

“Chương trình chuyển đổi số quốc gia có ưu tiên cao cho chuyển đổi số ngành giáo dục và đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông thì sẽ đồng hành cùng với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong công cuộc chuyển đổi số có tính cách mạng này”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Việt Đức (TTXVN)
Chuyển đổi số BHXH đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân
Chuyển đổi số BHXH đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội cho người dân

Ngày 4/11, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam tổ chức Hội thảo quốc tế trực tuyến “Chuyển đổi số - Nền tảng hữu hiệu nâng cao chất lượng quản lý, đảm bảo quyền lợi an sinh xã hội (ASXH) cho người dân”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN