Thu từ chứng khoán, ngân hàng, bất động sản tăng

Theo Tổng cục Thuế, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) lại về đích sớm, trong đó một số khoản thu từ chứng khoán, ngân hàng, bất động sản... tăng đột biến, góp phần tăng số thu cho ngân sách.

Chú thích ảnh
Số thu thuế, phí nội địa đạt khá so với dự toán là do các địa phương đã mở cửa trở lại, kinh tế dần phục hồi.

Thu NSNN trong 11 tháng năm 2021 do cơ quan Thuế quản lý đạt gần 1.180 nghìn tỷ đồng, bằng 105% so với dự toán, bằng 108% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thu từ dầu thô ước đạt 38.104 tỷ đồng, bằng 164,2% so với dự toán, bằng 120% so với cùng kỳ; thu nội địa ước đạt 1.135.587 tỷ đồng, bằng 103,8% so với dự toán, bằng 107,1% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo Tổng cục Thuế, thu NSNN ngân sách từ tháng 1 đến tháng 7/2021 đạt kết quả khả quan, dù dịch bệnh COVID-19 đã có những diễn biến phức tạp ngay từ những ngày đầu năm và bùng phát mạnh vào tháng 4/2021. “Do tình hình kinh tế hồi phục từ những tháng cuối năm 2020 duy trì cho đến nửa đầu năm 2021 và tăng thu đột biến từ một số nguồn thu do được hưởng lợi từ các chính sách tài khóa, tiền tệ mà Chính phủ đã triển khai thực hiện trong năm 2020, trong đó một số ngành tăng trưởng khá như: Ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...”, đại diện Tổng cục Thuế cho biết.

Kinh tế những tháng cuối năm 2020 hồi phục khá, cộng với việc thực hiện chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đến hết ngày 31/12/2020, dẫn đến lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tiêu thụ trong tháng 12/2020 gấp 2 lần so với cùng kỳ (theo quy định sẽ kê khai, nộp thuế tiêu thụ đặc biệt - TTĐB trong tháng 1/2021), dẫn đến số thu ngân sách từ tiêu thụ xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng 47,1% so với cùng kỳ, tương đương khoảng 11.200 tỷ đồng... Nếu loại trừ các yếu tố chính sách gia hạn thuế và những khoản tăng thu đột biến nêu trên, thì tổng thu do cơ quan thuế quản lý 7 tháng đầu năm 2021 tăng 1,3% so với cùng kỳ, trong đó số thu từ thuế, phí nội địa tăng 2,4%.

Ông Nguyễn Đức Huy - Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế cho biết: Số thu thuế, phí nội địa đạt khá so với dự toán là do các địa phương đã mở cửa trở lại, kinh tế dần phục hồi, trong đó có một số khối ngành như: Ngân hàng thương mại, hoạt động kinh doanh đất động sản, hoạt động chuyển nhượng vốn và đầu tư vốn, hoạt động kinh doanh chứng khoán có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho NSNN.

Bên cạnh đó, do thực hiện Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, các doanh nghiệp đã tạm nộp trước số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trong 3 quý đầu năm 2021 (ước tính số thuế TNDN tạm nộp trước khoảng 51.600 tỷ đồng) để đảm bảo không thấp hơn 75% số thuế TNDN dự kiến phải nộp của năm 2021. Nếu loại trừ khoản thu này thì thu thuế phí nội địa bằng 100,5% so với cùng kỳ.

Những chính sách hỗ trợ về thuế phải kể đến như: Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021; Nghị quyết số 406/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định số 92/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ về việc giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021.

Ngoài ra, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp. Giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/11/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với các hàng hóa, dịch vụ như: dịch vụ vận tải; dịch vụ lưu trú; dịch vụ ăn uống; dịch vụ của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch...

Mặc dù thu ngân sách đã về đích trước 1 tháng so với kế hoạch nhưng theo Tổng cục Thuế, để đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN, ngành Thuế sẽ đẩy mạnh công tác quản lý thu trên nền tảng số, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, đẩy mạnh điện tử hóa trên phạm vi cả nước ở tất cả các khâu quản lý thuế để hỗ trợ hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Cùng với đó, cơ quan thuế đẩy mạnh triển khai áp dụng hoá đơn điện tử tại các địa phương, góp phần thay đổi phương thức quản lý hóa đơn, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp và tạo thuận lợi trong quản lý thuế.

"“Ngành Thuế sẽ theo dõi chặt chẽ, đôn đốc thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu đã được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP khi hết thời gian gia hạn, tránh việc phát sinh nợ thuế và tiền chậm nộp làm tăng thêm khó khăn về tài chính cho doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt việc miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho doanh nghiệp và người dân theo các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, Quốc hội để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, hồi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu bền vững cho ngân sách”, ông Lưu Đức Huy cho biết.

Minh Phương/Báo Tin tức
Những thuận lợi từ thu thuế qua sàn giao dịch thương mại điện tử
Những thuận lợi từ thu thuế qua sàn giao dịch thương mại điện tử

Ngày 2/7, Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ kinh danh cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết, khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân được đánh giá là một cải cách thủ tục hành chính mạnh nhằm tối ưu hóa quản lý thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN