Hôm nay, thanh khoản thị trường chứng khoán đạt tới hơn 32.446,5 tỷ đồng (tương ứng hơn 1,36 tỷ USD). Trước đó, phiên hôm qua (31/7), thanh khoản toàn thị trường cũng đạt hơn 1,1 tỷ USD.
Cụ thể, chốt phiên giao dịch ngày 1/8, VN-Index giảm 5,31 điểm xuống 1.217,56 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 1,28 tỷ cổ phiếu, tương ứng hơn 26.404,1 tỷ đồng. Toàn sàn có 156 mã tăng giá, 310 mã giảm giá và 58 mã đứng giá.
HNX-Index giảm 0,2 điểm xuống 239,35 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 149,1 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 2.669,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 74 mã tăng giá, 126 mã giảm giá và 50 mã đứng giá.
UPCOM-Index tăng 0,86 điểm lên mốc 90,21 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 160,8 triệu cổ phiếu, tương ứng hơn 3.373,2 tỷ đồng. Toàn sàn có 131 mã tăng giá, 161 mã giảm giá và 110 mã đứng giá.
Dòng tiền nội trở lại thị trường chứng khoán được cho là do Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ lãi suất điều hành. Kể từ tháng 3 cho đến nay, bất chấp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới vẫn giữ chính sách thắt chặt tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 4 lần hạ lãi suất điều hành để hỗ trợ nền kinh tế.
Không chỉ hạ lãi suất, nhiều chính sách được Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước thực hiện trong thời gian qua cũng tác động tích cực tới tâm lý nhà đầu tư trong nước cũng như thanh khoản thị trường.
Nhận định về diễn biến thị trường chứng khoán phiên hôm nay, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Chứng khoán Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, thị trường mở cửa trong sắc xanh ngay từ đầu phiên sáng nhờ sự đóng góp tích cực từ cổ phiếu VIC giúp VN-Index bật tăng vượt 1.130 điểm. Tuy chỉ số chung vẫn được giữ nhịp tốt nhưng hầu hết các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ đều chịu áp lực điều chỉnh. Theo thống kê, nhóm cổ phiếu bảo hiểm và chứng khoán là 2 nhóm có mức giảm lớn nhất, lần lượt là 2,3% và 1,5%.
Sự thận trọng và thanh khoản bán chủ động gia tăng mạnh hơn trong phiên chiều với việc gần 300 mã cổ phiếu chìm trong sắc đỏ khiến chỉ số chung không còn giữ được đà tăng mạnh của phiên sáng. Áp lực bán gia tăng đột biến vào cuối phiên đã khiến cho VN-Index đảo chiều giảm điểm về dưới 1.220.
Thêm vào đó, việc khối ngoại đào chiều bán ròng trong phiên chiều, với thanh khoản 262 tỷ đồng, tập trung bán những cổ phiếu có tác động trực tiếp vào chỉ số chung như HPG, VHM cũng phần nào tạo thêm áp lực cho thị trường.
Về diễn biến nhóm ngành, nhóm chứng khoán chìm sâu trong sắc đỏ và chỉ còn duy nhất APS tăng 10% lên giá trần.
VIC hôm nay tiếp tục tăng trần, nhưng vẫn không nâng đỡ nổi thị trường khi nhiều mã cổ phiếu vốn hóa lớn giảm sâu. Cụ thể trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 22 mã giảm và chỉ có 6 mã tăng giá.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng phân hóa mạnh với sắc xanh, đỏ đan xen. Ở chiều tăng giá có BID tăng 2,12%, CTG tăng 1,33%, SSB tăng 2,74%, HDB tăng 1,15%, EIB tăng 1,9%, MSB tăng 1,82%. Ở chiều giảm giá có VCB giảm 0,44%, VPB giảm 0,9%, TCB giảm 0,87%, ACB giảm 0,44%, SHB giảm 0,4%.
Cổ phiếu chứng khoán lao dốc khi SSI giảm 2,87%, VND giảm 3,85%, VCI giảm 2,99%, HCM giảm 2,6%, VIX giảm 2,55%, FTS giảm 2,25%, AGR giảm 2,56%.
Ở nhóm bất động sản, ngoại trừ VIC thì rất nhiều mã khác giảm sâu như BCM mất 2,47% giá trị, NVL giảm 5,57%, KDH giảm 4,27%, KBC giảm 2,88%, DIG giảm 4,23%, DXG giảm 5%, LGC giảm 6,9%, NLG giảm 4,75%, PDR giảm 3,92%, TCH giảm 3,67%, DXS giảm 4,35%; EVG và HPX đều giảm kịch sàn.
Sắc đỏ cũng chiếm ưu thế tại nhóm sản xuất. Theo đó, HPG giảm 2,48%, VNM giảm 2,56%, GVR giảm 1,57%, DHG giảm 3,25%, HSG giảm 3,38%, NKG giảm 3,3%, GIL giảm 2,55%. Trái lại, SAB tăng 1,02%, DGC tăng 3,33%, VHC tăng 0,93%, PHR tăng 0,57%.
Cổ phiếu năng lượng và bán lẻ cũng diễn biến tiêu cực với GAS giảm 0,89%, POW giảm 3,62%, PGV giảm 1,82%, PLX giảm 1,2%; MWG, PNJ và FRT lần lượt mất 3,72%, 2,41% và 0,26% giá trị.
Theo các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), về vĩ mô, trạng thái nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn khá trầm lắng và khó dự báo, đặc biệt đối với thị trường bất động sản và thị trường xuất khẩu (do kinh tế thế giới đang tăng trưởng thấp nên đơn hàng không nhiều), tuy nhiên việc lãi suất đang có xu hướng giảm và ổn định giúp dòng tiền trong thị trường trở nên bình ổn hơn.
SHS nhận định, tâm lý giới đầu tư đang ổn định hơn do có niềm tin kinh tế sẽ dần ổn định lại. Nhìn chung, thường thị trường chứng khoán sẽ có những phản ứng sớm nên SHS kỳ vọng việc thị trường chuyển trạng thái sang vận động tích cực là có thể hiểu được, tâm lý lạc quan đang dần trở lại khi khó khăn vĩ mô có thể sẽ dần qua.
Theo Công ty cổ phần FiinGroup, tính đến ngày 27/7/2023, đã có 683 công ty niêm yết (đại diện 55% tổng giá trị vốn hóa trên 3 sàn) công bố Báo cáo tài chính hoặc ước tính kết quả kinh doanh quý II/2023 và 6 tháng năm 2023; trong đó, 82% doanh nghiệp ghi nhận lãi trong quý II, nhưng chỉ có 47% số doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng so với cùng kỳ, tổng lợi nhuận sau thuế quý II/2023 của toàn bộ 683 công ty giảm 16,9% so với cùng kỳ.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần FiinGroup cho biết, các doanh nghiệp niêm yết đang ở giai đoạn khó khăn lớn về tình hình tài chính, thậm chí khó khăn hơn giai đoạn đầu năm 2020 (gián đoạn kinh doanh do COVID-19) vì lợi nhuận giảm không chỉ vì doanh thu giảm mà do chi phí gia tăng.
Tuy nhiên, dấu hiệu hồi phục đã được ghi nhận từ quý I và quý II/2023 khi tốc độ suy giảm đang có xu hướng co hẹp lại.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam), nhìn từ góc độ vĩ mô, có thể thấy điểm đáng chú ý là sự nỗ lực của Chính phủ nhằm đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đầy tham vọng: 6,5%/năm cho giai đoạn 2021−2025; 7,5% giai đoạn 2026−2030; và 6,5 - 7,5% giai đoạn 2031−2050.
Các chuyên gia từ Công ty cổ phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) cũng tin rằng Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và phù hợp tạo nền tảng quan trọng cho kinh tế tăng trưởng bền vững trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn.
Theo đó, Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận theo quý của các công ty niêm yết sẽ phục hồi trong nửa cuối năm 2023.
Việc chuyển trọng tâm động lực tăng trưởng GDP sang đầu tư công tạo ra tiền đề thuận lợi cho ngành xây dựng và vật liệu xây dựng.
Trong khi đó, với kỳ vọng lãi suất giảm, các ngành nhạy cảm với lãi suất được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng. Ngoài ra, Quy hoạch Phát triển Điện lực VIII được phê duyệt gần đây dự kiến sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, điều này có hàm ý đối với khoản đầu tư dài hạn.