Nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá những tháng cuối năm

Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, những tháng cuối năm, thị trường trong nước đã xuất hiện những yếu tố rõ nét gây áp lực lên mặt bằng giá.

Chú thích ảnh
Người tiêu dùng chọn mua các loại nông sản (rau, củ, quả) được trồng tại tỉnh Tây Ninh, phân phối tại hệ thống siêu thị Co.op Mart. Ảnh minh họa: Minh Phú/TTXVN

Theo đó, lương cơ bản tăng 20,8% từ ngày 1/7/2023 tác động đến các hàng hóa, dịch vụ khác, dịch vụ du lịch tiếp đà phục hồi trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát, giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo quy luật vào thời điểm cuối năm do nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho dịp Tết sang năm, giá sách giáo khoa các bộ mới và một số mặt hàng do Nhà nước định giá thực hiện điều chỉnh sau khi đã được đánh giá tác động đến Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) như giá dịch vụ giáo dục năm học 2023- 2024 dự kiến sẽ tăng theo quy định do Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chủ trì trình Chính phủ…

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, theo Cục Quản lý giá, sự thuận lợi cho kiểm soát lạm phát trong nước đến từ giá xăng dầu thế giới dự báo vẫn tiếp tục giảm hoặc ổn định, nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trên thị trường hiện vẫn dồi dào trong khi sức mua giảm cùng với chi phí vận chuyển giảm do giá xăng dầu giảm; lạm phát toàn cầu có thể hạ nhiệt trong năm 2023 giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh “nhập khẩu lạm phát” (nghĩa là giá hàng nhập khẩu tăng rất cao, làm tăng chi phí sản xuất đầu vào, làm tăng giá hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu), đồng thời giúp cải thiện yếu tố tâm lý, kỳ vọng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát năm 2023.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, 6 tháng cuối năm, các chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với doanh nghiệp có tác động từ quý III/2023, cải cách hành chính, cơ sở hạ tầng được cải thiện, ... làm cho chi phí của doanh nghiệp và tiêu dùng của nhân dân có phần dễ chịu hơn.

Bên cạnh đó, một số chi phí khác như giáo dục y tế nước sạch có thể tăng nhưng ở mức độ hợp lý, giá điện theo đề xuất tăng lần thứ 2 nên tăng vào quý ll năm 2024 và ở mức 3% như tăng giá lần 1 năm 2023 là hợp lý.

Do đó, theo ông Vũ Vinh Phú, khả năng CPI cả năm cao nhất sẽ đạt ở mức 3,8- 4% góp phần vào việc ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát.

Cục Quản lý giá cũng nhận định, với tốc độ tăng CPI như những tháng của năm 2023 cho thấy dư địa kiểm soát lạm phát đang tăng dần là điều kiện thuận lợi để thực hiện linh hoạt việc điều chỉnh giá một số mặt hàng nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường sau khi việc thực hiện đã bị trễ trong những năm vừa qua.

Song ảnh hưởng của việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý đến CPI năm 2023 còn phụ thuộc vào thời điểm ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh giá các mặt hàng của các bộ, ngành. Ngoài ra, việc lạm phát cơ bản đang ở mức cao hơn nhiều so với lạm phát chung cho thấy những rủi ro lạm phát cao có tính dài hạn.

Trước bối cảnh kinh tế thế giới ảm đảm cũng như các yếu tố biến động phức tạp của giá hàng hóa trọng yếu thế giới như nguyên nhiên vật liệu và các dự báo giá một số hàng hóa dịch vụ trong nước, Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục chủ động, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành địa phương thực hiện quyết liệt các biện pháp về quản lý, điều hành giá theo nguyên tắc thận trọng, linh hoạt và thực hiện tốt tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo điều hành giá; đồng thời sự chủ động cũng phải tiếp tục đến từ các bộ, ngành, địa phương trong việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và quản lý giá theo thẩm quyền.

Cụ thể, Cục Quản lý giá tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới, kịp thời cảnh báo các nguy cơ gây nên lạm phát trong nước; thực hiện hiệu quả và linh hoạt vai trò điều tiết, bình ổn giá các mặt hàng nhà nước quản lý.

Cùng với đó, chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng nhằm đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu diễn ra tại nhiều quốc gia có thể ảnh hưởng tới nguồn cung lương thực, thực phẩm toàn cầu và dịch bệnh trên vật nuôi.

Đặc biệt, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch, đầy đủ thông tin về giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Để thực hiện mục tiêu CPI cả năm, ông Vũ Vinh Phú cho rằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ cần thực hiện nhanh, dễ tiếp cận trong những tháng cuối năm, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng suất lao động, đưa công nghệ vào sản xuất hạ giá thành sản phẩm, phục vụ cho tiêu dùng nội địa với các mặt hàng thiết yếu cần kiểm soát chặt chẽ giá cả một cách hợp lý, cần quản lý một cách chặt chẽ tránh những điều hành đột biến không có lợi cho thị trường và giá cả chung.

“Cần tiến tới không điều hành giá xăng dầu, giá điện theo dạng bao cấp, các đơn vị phải tự hạch toán kinh doanh lời ăn lỗ chịu, đưa xăng dầu về Bộ Công Thương quản lý. Nhà nước đảm bảo dự trữ quốc gia xăng dầu bằng hiện vật, quản lý chất lượng hàng hóa, chống buôn lậu, gian lận thương mại, đảm bảo cạnh tranh bình đẳng, công khai minh bạch trên thị trường xăng dầu”, ông Vũ Vinh Phú nói.

Thùy Dương (TTXVN)
Chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng của Hà Nội tăng gần 1%
Chỉ số giá tiêu dùng 7 tháng của Hà Nội tăng gần 1%

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2023 của Thủ đô tăng 0,44% so với tháng trước, tăng 0,51% so với tháng 12/2022 và giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước. CPI bình quân 7 tháng năm nay tăng 0,99% so với bình quân cùng kỳ năm trước. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN