Quyết sách của các ngân hàng trung ương trước lạm phát toàn cầu 

Một cơn bão hoàn hảo kết hợp giữa tiền mặt từ các biện pháp kích thích trong đại dịch, nhu cầu hàng hóa mạnh, bất ổn địa chính trị và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng đã khiến giá cả leo thang trên toàn cầu.

Lạm phát tại Mỹ cao kỷ lục 40 năm, còn tại Anh lạm phát ở mức gần 10%, cao nhất trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7). Ở Thổ Nhĩ Kỳ và Argentina, lạm phát hàng năm được dự báo lên đến 80%.

Chú thích ảnh
 Người dân chọn mua hàng hoá tại siêu thị ở Washington, D.C, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thông báo tăng lãi suất 0,75 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp trong hai ngày 20 - 21/9. Các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng sẽ tăng lãi suất trong nỗ lực giảm tốc nền kinh tế và đưa lạm phát giảm xuống. Ít nhất 75 ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất trong năm qua.

Fed là ngân hàng trung ương có vị trí quan trọng nhất trên thế giới và đồng USD là đồng tiền dự trữ số một của toàn cầu trong hơn 70 năm. Điều đó giải thích tại sao động thái của Fed lại được quan tâm đặc biệt.

Trong những tháng gần đây, Fed đã bước vào lộ trình tăng lãi suất. Hồi tháng Bảy, Fed đã lần thứ hai liên tiếp tăng lãi suất ở mức 0,75 điểm phần trăm, đưa lãi suất lên 2,25 - 2,5%.

Trong khi đó, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên trong G7 tăng lãi suất trong năm nay trong phản ứng trước lạm phát.

BoE tăng lãi suất mạnh nhất trong 27 năm vào tháng Tám, với mức tăng 0,5 điểm phần trăm đầu tiên kể từ khi ngân hàng này độc lập trước Chính phủ Anh vào năm 1997. Đây là lần tăng lãi suất thứ sáu liên tiếp của BoE, đưa lãi suất lên 1,75%.

Sau khi phải hoãn cuộc họp vào tuần trước do Nữ hoàng Elizabeth II qua đời, BoE được cho là sẽ tiếp tục tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 22/9, khi lạm phát vẫn cao và đồng bảng ở gần mức thấp kỷ lục 37 năm so với đồng USD.

Cũng tại châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng lãi suất trong tháng Bảy và tháng Chín nhằm kiểm soát sự gia tăng lạm phát.

ECB tăng lãi suất lần đầu tiên trong 11 năm vào tháng Bảy, với mức tăng 50 điểm cơ bản, lên 0%. Lãi suất tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ở mức âm kể từ năm 2014 nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Lạm phát lõi tại Eurozone ở mức 8,6% vào tháng Sáu, thúc đẩy ECB tăng lãi suất và cho rằng việc tiếp tục tăng là cần thiết.

Trong tháng Chín, ECB tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, với mức tăng lãi suất 75 điểm cơ bản. 

Trong khi đó, dù đối mặt với những nguy cơ từ lạm phát, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC tức ngân hàng trung ương) là một trong số ít ngân hàng trung ương hạ lãi suất.

PBoC đã hạ lãi suất 0,1 điểm phần trăm, từ 2,1% xuống 2% trong tháng trước, lần hạ thứ hai trong năm nay. Trong tháng này, PBoC giữ nguyên lãi suất. 

PBoC đang nỗ lực kích thích nền kinh tế do tình trạng trì trệ tiếp diễn, tỷ lệ thất nghiệp tăng và lĩnh vực bất động sản trong khủng hoảng.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn bất ngờ trước động thái hạ lãi suất, khi Trung Quốc đang phải giải quyết nguy cơ gia tăng nợ, lạm phát giá tiêu dùng và sức ép lên đồng nhân dân tệ.

Tại Nhật Bản, Ngân hàng trung ương nước này (BoJ) duy trì lãi suất ổn định. Kết thúc cuộc họp hai ngày vào ngày 22/9 BoJ đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng. 

Lạm phát tại Nhật Bản tăng trong năm nay, nhưng cho đến nay, BoJ vẫn duy trì lãi suất ở mức đáy và lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1%.

Tăng trưởng kinh tế tại Nhật Bản đã chậm lại trong mùa Hè này, làm mất đi hy vọng tiền tiết kiệm trong giai đoạn bùng phát dịch sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế.

BoJ dự báo lạm phát sẽ vượt mục tiêu trong năm nay và nâng dự báo lạm phát trong tài khóa kết thúc tháng 3/2023 từ 1,9% lên 2,3%.

Tại Mỹ Latinh, Ngân hàng trung ương Argentina đã nâng lãi suất lên rất cao.

Nước này đã nhiều lần tăng lãi suất trong năm nay trong nỗ lực ứng phó với lạm phát cao kỷ lục 20 năm trong tháng Bảy.

Argentina đã nâng lãi suất 550 điểm cơ bản trong tháng Chín, lên 75%, sau khi tăng 950 điểm vào tháng Tám.

Nước này đang phải đối mặt với lạm phát tăng lên gần 80% trong tháng Tám.

Trong nhiều năm, Chính phủ Argentina đã phụ thuộc vào đi vay để tài trợ cho ngân sách, khiến số nợ lớn. Nước này gần đây đã nhất trí thỏa thuận vay 45 tỷ USD với Quỹ Tiền tệ Quốc tế.

Tại Bắc Mỹ, Ngân hàng trung ương Canada (BoC) đã tăng lãi suất 5 lần trong năm nay.

Để kiểm soát lạm phát, BoC đã tiếp tục tăng lãi suất trong tháng Chín, lần tăng thứ năm trong 6 tháng lên 3,25%.

Lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt tại Canada, khi giảm xuống 7% trong tháng Tám, so với mức 7,6% hồi tháng Bảy. Dù vậy, con số này vẫn cao hơn nhiều mục tiêu 2% mà BoC đặt ra.

Lê Minh (Theo CNN)
Lạm phát tại Sri Lanka lên tới 70,2%
Lạm phát tại Sri Lanka lên tới 70,2%

Trong bối cảnh Sri Lanka đang vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ, ngày 21/9, Cục Điều tra và Thống kê cho biết tỷ lệ lạm phát ở quốc gia Nam Á này đã lên mức 70,2% trong tháng 8.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN