Rủi ro chạy theo “tiếng gọi” của lãi suất
Liên tiếp thời gian qua, cơ quan chức năng đã khởi tố, bắt tạm giam Chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh - ông Đỗ Anh Dũng do những vi phạm liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán, huy động trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Giới chuyên gia tài chính nhận định, đây là quyết tâm lớn của cơ quan tư pháp, cơ quan quản lý nhằm làm trong sạch thị trường chứng khoán và phát hành TPDN. Đây được coi là những kênh huy động vốn hiệu quả của nền kinh tế, kênh đầu tư quan trọng và là “hàn thử biểu” phản ảnh sự phát triển của nền kinh tế.
Nếu như thị trường mặt bằng lãi suất huy động tiết kiệm chỉ 6 - 7%/năm thì có những doanh nghiệp phát hành TPDN quảng cáo mức lãi lên đến 12% để hút người mua. Không chỉ vậy, họ còn được giới thiệu loại trái phiếu này do tổ chức, công ty chứng khoán tư vấn phát hành, quản lý có uy tín tạo sự hấp dẫn.
Vụ việc 9 lô trái phiếu của nhóm doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bị hủy với giá trị trên 10.000 tỷ đồng khiến giới đầu tư xôn xao. Lý do hủy là do công bố thông tin sai sự thật, che giấu thông tin trong hoạt động phát hành trái phiếu riêng lẻ. Điểm chung của các lô trái phiếu trên là đều được hứa hẹn lãi suất “khủng” 12%/năm nhằm huy động vốn thực hiện các dự án bất động sản ở Hà Nội và Phú Quốc. Tài sản bảo đảm cho các lô trái phiếu gồm: Cổ phần, quyền sử dụng đất, quyền tài sản phát sinh từ hợp đồng hợp tác đầu tư là phần xây dựng hình thành trong tương lai, quyền tài sản của công ty phát hành trái phiếu được phát sinh từ hợp đồng hợp tác với đối tác...
Từ vụ việc của Tân Hoàng Minh, nhiều nhà đầu tư cá nhân mua TPDN có phần hoang mang bởi thực tế trên thị trường TPDN còn xuất hiện hiện tượng “lách luật” khi một số công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại chào mời, phân phối TPDN không đúng đối tượng.
“Tôi từng mua 3.000 trái phiếu mã XXX-2020.08, trị giá 300 triệu đồng. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 5 năm (2020 - 2025) do Công ty A. phát hành, lãi suất gốc 11,5%/năm. Lô trái phiếu này được đăng ký lưu lý và thanh toán qua một công ty chứng khoán ở Hà Nội; đồng thời được một ngân hàng tư nhân Top 3 hiện nay quản lý tài sản bảo đảm”, chị Lê Minh Phong (phố Bùi Ngọc Dương, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết.
Dù không được ngân hàng bảo lãnh thanh toán nhưng có tài sản bảo đảm, theo lời của người môi giới nên chị Phong đã xuống tiền mua. Tuy nhiên, để lách quy định, nhà đầu tư cá nhân không được mua trái phiếu giao dịch phát hành riêng lẻ, công ty chứng khoán đã “chia nhỏ” lô trái phiếu này để bán cho chị Phong 3.000 đơn vị với kỳ hạn 1 năm, mức lãi giảm chỉ còn 9,6%/năm, lãi suất thanh toán theo quý được tính thành tiền ghi rõ trong hợp đồng.
Theo chia sẻ của chị Phong, dù không nắm được hết các quy định về trái phiếu nhưng do lãi suất cao hơn gửi tiết kiệm ngân hàng và có cam kết mua lại của chính công ty chứng khoán nên chị Phong tham gia. Và rất nhiều người cũng bước chân vào thị trường trái phiếu dù mù mờ thông tin, kiến thức tài chính.
Trao đổi với phóng viên báo Tin tức, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nhìn nhận: Hoạt động của thị trường TPDN có thể có rủi ro phát sinh từ việc không công bố thông tin hoặc công bố thông tin không chính xác, thiếu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước dẫn đến việc các nhà đầu tư chỉ chạy theo “tiếng gọi” của lãi suất mà thực hiện các hoạt động huy động vốn từ đó gây phương hại đến hoạt động chung của thị trường.
Cá nhân không nên mua trái phiếu
Theo quy định về phát hành TPDN dưới hình thức riêng lẻ trong Nghị định số 153/2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), đợt phát hành trái phiếu của doanh nghiệp chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. “Để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, tôi phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, phải đang đầu tư chứng khoán với giá trị ít nhất 2 tỷ đồng; phải có thu nhập chịu thuế 1 tỷ đồng một năm. Trong khi hiện tôi chỉ có 500 triệu đồng”, chị Phương Ngọc (An Dương, Hà Nội) cho biết.
Tuy nhiên để lách luật, chị Ngọc được nhân viên Công ty B tư vấn sẽ có một cách khác để đầu tư. Theo đó, những nhà đầu tư nghiệp dư như chị Ngọc muốn mua trái phiếu phát hành riêng lẻ của Tập đoàn X sẽ được ký hợp đồng hợp tác đầu tư ủy quyền để Công ty CP Đầu tư A đứng tên mua trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư. Trong hợp đồng này sẽ ghi rõ các nội dung: Mã trái phiếu, kỳ hạn, lãi suất...
Theo đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính, để hạn chế rủi ro, suốt 2 năm qua, Bộ Tài chính đã liên tiếp nhiều lần cảnh báo nhà đầu tư mua trái phiếu cần nắm được quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua và giao dịch TPDN phát hành riêng lẻ.
Nhà đầu tư cần hết sức lưu ý là lãi suất cao sẽ đi kèm với rủi ro cao nên hết sức thận trọng, đánh giá kỹ trước khi quyết định mua trái phiếu. Không mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
Theo tư vấn của nhiều chuyên gia kinh tế: Nhà đầu tư phải biết nhà phát hành trái phiếu là ai? chứ không phải nắm người bán trái phiếu. Trái phiếu do doanh nghiệp nào phát hành? tình hình tài chính, lĩnh vực kinh doanh... Bởi đơn vị bán TPDN không có trách nhiệm đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư bởi vì các tổ chức này chỉ cung cấp dịch vụ, hưởng phí dịch vụ từ doanh nghiệp phát hành mà không chịu trách nhiệm về việc doanh nghiệp có hoàn trả được gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn hay không.
Đi vào trường hợp cụ thể là phát hành trái phiếu của Tân Hoàng Minh, theo chuyên gia ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu, việc cơ quan quản lý huỷ giao dịch 9 lô trái phiếu của nhà phát hành này chứng tỏ đây là các giao dịch bất hợp lệ, không hợp pháp. Khách hàng có quyền yêu cầu Tân Hoàng Minh trả lại tiền đã đầu tư.
Tuy vậy, để đảm bảo quyền lợi của mình, nhà đầu tư cần biết tiền của mình đang ở đâu? đã chuyển đến nhà phát hành và nhà phát hành đã sử dụng vào đâu? Trường hợp dòng tiền chưa đến tay nhà phát hành, việc lấy lại tiền của khách hàng sẽ đơn giản hơn. Nhưng nếu đã đến tay nhà phát hành, và nhà phát hành sử dụng số tiền này vào mục đích khác cam kết ban đầu, việc lấy lại tiền đầu tư sẽ khó hơn.
“Nhà đầu tư cũng cần xem trái phiếu đó có được bên thứ 3 bảo lãnh không? Nếu trái phiếu được ngân hàng bảo lãnh thì không lo rủi ro vì sẽ được ngân hàng trả lại tiền. Nhưng thực tế có trường hợp nhiều trái phiếu được hỗ trợ bởi ngân hàng nhưng chỉ là hỗ trợ về thủ tục. Tức trái phiếu được ngân hàng phân phối nhưng thực chất chỉ là cánh tay nối dài của nhà phát hành, ngân hàng không có trách nhiệm trong việc cam kết bảo lãnh trái phiếu”, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết.
Còn theo PGS TS Đinh Trọng Thịnh, từ bài học của vụ việc Tân Hoàng Minh, các nhà đầu tư không nên chỉ tin vào các lời mời chào của các doanh nghiệp hay chỉ nhìn vào việc có ngân hàng đứng ra thanh toán hay có tổ chức tài chính đứng ra phân phối trái phiếu; cũng không nên chỉ nhìn vào lãi suất huy động trái phiếu doanh nghiệp. “Các trái phiếu phát hành không đúng và không đủ điều kiện, yêu cầu theo quy định của Nhà nước thì tính rủi ro rất cao, khả năng hoàn trả nợ vay, lãi vay khó khăn, thậm chí có thể mất toàn bộ số tiền đầu tư nếu như doanh nghiệp đó không trả được lãi vay”, PGS TS Đinh Trọng Thịnh cảnh báo.
Bài cuối: ‘Cú hích’ nâng cao chất lượng