Theo đó, để tăng cường hiệu quả, hiệu lực phòng, chống rửa tiền, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh kim khí quý, đá quý bao gồm các công ty kinh doanh vàng, các công ty trung gian thanh toán thực hiện một số giải pháp.
Cụ thể, thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022; Nghị định số 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền; Quyết định số 11/2023/QĐ-TTg ngày 27/4/2023 Thủ tướng Chính phủ quy định mức giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo và Thông tư số 09/2023/TT-NHNN ngày 28/7/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật phòng, chống rửa tiền.
Trong số đó, tập trung thực hiện, tăng cường thực hiện nhận biết khách hàng (gồm thu thập, cập nhật, xác minh thông tin nhận biết khách hàng) theo quy định tại Điều 9 đến Điều 14 Luật phòng, chống rửa tiền, Điều 6 Nghị định số 19, đảm bảo việc nhận biết khách hàng và giao dịch của khách hàng được thực hiện phù hợp với các thông tin về khách hàng, hoạt động kinh doanh, mức độ rủi ro về rửa tiền và nguồn gốc tài sản của khách hàng.
Báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, giao dịch có giá trị lớn phải báo cáo theo quy định tại Điều 25 Luật phòng, chống rửa tiền, Quyết định số 11 và báo cáo giao dịch chuyển tiền điện tử theo quy định tại Điều 34 Luật phòng, chống rửa tiền và Điều 9 Thông tư số 09.
Trường hợp qua nhận biết khách hàng và giám sát giao dịch phát hiện có dấu hiệu bất thường, thực hiện báo cáo Cục Phòng, chống rửa tiền giao dịch đáng ngờ theo quy định tại các điều từ Điều 26 đến Điều 33 của Luật Phòng, chống rửa tiền năm 2022. Đồng thời, kịp thời báo cáo, cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến giao dịch đáng ngờ, phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền.