Theo Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), từ đầu tháng 8/2022 đến nay, thị trường chỉ ghi nhận 8 đợt phát hành TPDN riêng lẻ được công bố với tổng giá trị 3.810 tỷ đồng. Phần lớn doanh nghiệp phát hành trái phiếu từ đầu tháng 8/2022 vẫn là các ngân hàng thương mại với giá trị 2.510 tỷ đồng (chiếm 52,6% tổng giá trị phát hành). Trong đó, Vietcombank đứng đầu với khối lượng phát hành 1.500 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản đứng thứ hai về giá trị phát hành nhưng chỉ có Công ty Cổ phần Fuji Nutri Food. Công ty này phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn một năm. Theo kế hoạch từ nay đến cuối năm, cũng chỉ có thêm 1 doanh nghiệp bất động sản là CTCP Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền phát hành trái phiếu. Trước đó, thị trường cũng chỉ ghi nhận duy nhất doanh nghiệp bất động sản phát hành trái phiếu riêng lẻ là Công ty Cổ phần Đầu tư kinh doanh bất động sản Hà An với giá trị phát hành 210 tỷ đồng, lãi suất 11%/năm.
Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường TPDN, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ đã cho thấy sức hấp dẫn và thể hiện vai trò ngày càng quan trọng, trở thành kênh dẫn vốn hiệu quả cho nhiều doanh nghiệp, giảm sức nặng cho kênh tín dụng ngân hàng. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh của thị trường TPDN riêng lẻ đã và đang tiềm ẩn một số rủi ro, cần sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý, cũng như tăng các chế tài xử lý để lành mạnh hóa thị trường này, hỗ trợ phát triển đúng định hướng.
Không phủ nhận trong ngắn hạn, thị trường TPDN sẽ tiếp tục xu hướng suy giảm về khối lượng phát hành, nhưng chuyên gia Fiin Group kỳ vọng: Thị trường TPDN sẽ dần sôi động trở lại vào đầu quý IV/2022 tới đây khi Nghị định sửa đổi Nghị định 153 quy định về chào bán, giao dịch TPDN riêng lẻ được ban hành theo đúng dự kiến với quy định pháp lý rõ ràng, minh bạch cho nhà phát hành lẫn nhà đầu tư. “Dự kiến năm 2023, thị trường TPDN sẽ có những thay đổi về chất theo xu hướng phát hành đại chúng sẽ tăng trưởng mạnh về quy mô, nhất là từ các doanh nghiệp có hồ sơ kinh doanh tốt và chủ động minh bạch hồ sơ tín dụng của họ trên thị trường”, chuyên gia Fiin Group nhận định.
“Cần nhanh chóng có giải pháp nhằm phục hồi thị trường TPDN, bởi nếu thị trường trái phiếu đổ vỡ sẽ không riêng gì bất động sản bị ảnh hưởng. Hơn nữa không thể đẩy gánh nặng cấp vốn trung, dài hạn cho ngân hàng mãi”, TS Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết. Tuy nhiên, TS Lê Xuân Nghĩa cũng lưu ý: Nếu cứ ồ ạt phát hành riêng lẻ thì thị trường TPDN không thể minh bạch hơn được và việc xếp hạng tín nhiệm trở nên vô nghĩa. Do đó, cơ quan quản lý phải nhắm đến đẩy mạnh phát hành trái phiếu ra công chúng.
Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng: Trong bối cảnh hiện tại, việc sớm phê duyệt Dự thảo sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP để có khuôn khổ chặt chẽ hơn trong các điều kiện phát hành như giám sát mục đích phát hành, yêu cầu thẩm định tài sản đảm bảo…từ đó góp phần giúp thị trường vận hành ổn định và bền vững, tạo nguồn vốn trung, dài hạn cho doanh nghiệp, cân đối thị trường vốn, chứng khoán, tiền tệ.
“Từ nay đến cuối năm chưa phải là thời điểm chúng ta đưa ra được quy định căn cơ. Đây mới là thời điểm chống chọi với những nguy cơ trước mắt và khắc phục những nguy cơ đổ bể cho hệ thống tài chính. Tuy nhiên, về lâu dài, cần hạn chế tối đa việc phát hành riêng lẻ và mở rộng tối đa việc phát hành ra công chúng, tăng tính minh bạch cho thị trường trái phiếu”, TS. Lê Xuân Nghĩa khuyến nghị.
Để tăng tính minh bạch, tạo niềm tin cho thị trường, nhiều ý kiến cho rằng: Cần có quy định bắt buộc các tổ chức phát hành trái phiếu cần phải được xếp hạng tín nhiệm. Trên cơ sở đó, có thể phân định rõ chất lượng tín nhiệm của từng loại hình tổ chức phát hành và các loại trái phiếu, theo chuẩn mực và tiêu chí đánh giá ở các mức đầu tư hay là đầu cơ để các nhà đầu tư trên thị trường tham khảo, quyết định đầu tư phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ.
Theo TS Lê Xuân Nghĩa, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư trong cộng đồng không thể nhìn vào bảng cân đối tài chính, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo dòng tiền…để quyết định đầu tư. Với nhà đầu tư chuyên nghiệp, nhà đầu tư lớn, dài hạn, họ có thể nghiên cứu sâu hơn là trình độ quản trị, các dự án trong quá khứ và trong tương lai nhưng nhà đầu tư nhỏ lẻ họ chỉ nhìn vào xếp hạng.
“Các cơ quan quản lý, cần thống nhất thúc đẩy thị trường TPDN tốt hơn, lành mạnh hơn; thúc đẩy Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) và Quỹ phát triển SME. Hiện các Quỹ bảo lãnh tín dụng SME tại các địa phương chưa đáp ứng được yêu cầu bảo lãnh của các doanh nghiệp. Cơ quan quản lý cần thay đổi cách tiếp cận, quan điểm; kiến tạo cho thị trường tài chính phát triển song vẫn kiểm soát được rủi ro, tận dụng được các cơ hội mới”, TS Cấn Văn Lực - chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị.