Tại hội nghị, ông Ngô Hạnh Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nhấn mạnh, cơ quan đoàn thể các cấp và các địa phương; đặc biệt là Hội nông dân tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 55) nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho Agribank thực hiện chính sách tín dụng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng an toàn và hiệu quả.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng đề nghị Hội Nông dân tỉnh Yên Bái và Agribank Yên Bái phối hợp tích cực, chặt chẽ hơn trong cho vay, quản lý tổ vay vốn, thu hồi nợ, đặc biệt là thu hồi nợ xấu; nghiên cứu xây dựng các mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, củng cố và phát triển thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã, tổ hội nghề nghiệp để phát triển kinh tế địa phương.
Để chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến với người dân nhanh chóng và thuận lợi, Agribank Yên Bái cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục cho vay, chủ động tiếp cận khách hàng, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức hội; trong đó, có hội nông dân để tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn đến với các khách hàng trên địa bàn. Đồng thời chỉ đạo quyết liệt đến các đơn vị trực thuộc bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm của địa phương để cho vay sát với nhu cầu thực tế; hướng dẫn người dân xây dựng các phương án sản xuất kinh doanh để dễ dàng tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng.
Agribank Yên Bái cũng cần tháo gỡ khó khăn vướng mắc của người dân trong việc vay vốn; nâng cao chất lượng kiểm tra giám sát, đảm bảo nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn được cung ứng kịp thời và phát huy hiệu quả cao nhất.
Ông Nguyễn Hữu Hồng, Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh tỉnh Yên Bái cho biết: Trong thời gian tới Agribank chi nhánh tỉnh Yên Bái tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, Hội Nông dân để tuyên truyền, phổ biến chính sách tín dụng đến người dân. Đồng thời, chủ động tiếp cận khách hàng, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để người dân tiếp cận được nguồn vốn... Mặt khác, tập trung cho vay vốn các lĩnh vực bám sát định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Cùng với đó, đẩy mạnh phát triển ngân hàng số giúp khách hàng sử dụng sản phẩm dịch vụ ngân hàng thuận tiện, an toàn với tiện ích tối đa, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn…
Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 58 tổ vay vốn do Hội Nông dân quản lý với 3.132 thành viên; dư nợ cho vay đạt trên 213 tỷ đồng, tăng hơn 185 tỷ đồng so với năm 2020; doanh số cho vay 4 năm đạt 1.327 tỷ đồng, bình quân mỗi năm 332 tỷ đồng. Dư nợ bình quân hộ từ 70 triệu đồng/hộ năm 2020, tăng lên 165 triệu đồng/hộ năm 2023; tỷ lệ nợ xấu là 0,25% /tổng dư nợ.
Sau 4 năm triển khai thỏa thuận liên ngành đã có hơn 5.400 lượt người dân khu vực nông nghiệp, nông thôn được tiếp cận vốn vay để xây dựng các mô hình sản xuất kinh doanh hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo và nâng cao đời sống.
Thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và mục tiêu lành mạnh hóa thị trường tín dụng vĩ mô, đẩy lùi nạn tín dụng đen trên thị trường nông nghiệp, nông thôn, 4 năm qua Agribank Yên Bái đã phát hành được 5.675 thẻ, hạn mức cấp 2,7 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 2,2 tỷ đồng.
Dịp này, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái và Agribank tỉnh Yên Bái ký kết sửa đổi thỏa thuận liên ngành với mục tiêu dư nợ tổ vay vốn tăng trưởng bình quân hàng năm từ 20% trở lên. Tỷ lệ nợ xấu thường xuyên dưới 0,5%/tổng dư nợ. Tăng số lượng tổ vay vốn và thành viên tổ vay vốn tổi thiểu 10% trở lên; trong đó, phấn đấu tỷ lệ hội viên Hội nông dân tham gia các tổ vay vốn tối thiểu 50%.