Giải pháp để doanh nghiệp cơ cấu lại các khoản nợ vay

Người dân, doanh nghiệp đang có các khoản nợ vay tại các ngân hàng và có thu nhập, doanh thu sụt giảm đáng kể do ảnh hưởng của dịch bệnh kéo dài có thể liên hệ với các ngân hàng để được cơ cấu lại thời hạn trả nợ hoặc giảm lãi vay. Đáng chú ý, các khoản nợ sẽ được cơ cấu lại trong thời gian 12 tháng và việc giãn nợ kéo dài đến tháng 6/2022.

Chú thích ảnh
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: TTXVN

Kéo dài thời gian cơ cấu các khoản nợ vay

Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 14/2021/TT-NHNN ngày 7/9/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc phụ trách Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, Thông tư 14 được sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi và hỗ trợ nhiều hơn cho người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh kéo dài; trong đó, có một số điểm mới đáng lưu ý.

Cụ thể, Thông tư 14 cho phép thay đổi các khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 đến trước ngày 1/8/2021, thay vì chỉ bao gồm các khoản nợ phát sinh đến trước ngày 10/6/2020 theo Thông tư 01. Đồng thời, kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ đến ngày 30/6/2022, thay vì như kế hoạch ban đầu là ngày 31/12/2021.

Điều này không chỉ tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai mà còn góp phần không nhỏ giúp người dân, doanh nghiệp ổn định dòng tiền, giảm bớt áp lực tài chính trong giai đoạn khó khăn hiện nay.

“Hiện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh đã có văn bản đề nghị các tổ chức tín dụng trên địa bàn triển khai kịp thời và tổ chức có hiệu quả Thông tư 14, để đảm bảo cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp tiếp cận với chính sách hỗ trợ đầy đủ theo quy định. Đồng thời, sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện Thông tư 14 và việc đồng thuận giảm lãi vay ở các ngân hàng, đảm bảo cho chính sách đi vào cuộc sống một cách thiết thực nhất”, ông Nguyễn Hoàng Minh cho biết.

Ngay khi Thông tư 14 có hiệu lực từ ngày 7/9/2021, một số ngân hàng thương mại cho biết cũng đã bắt đầu triển khai việc cơ cấu lại nợ cho khách hàng.

Theo ông Phan Đình Tuệ, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), hiện ngân hàng đã triển khai việc cơ cấu nợ cho khách hàng đủ điều kiện. Theo đó, các khách hàng có dư nợ vay tại Sacombank đang gặp nhiều khó khăn do dịch không có khả năng thanh toán được các khoản nợ gốc, lãi đến hạn và có đề xuất được cơ cấu, giãn nợ thì ngân hàng sẽ xem xét triển khai áp dụng hỗ trợ theo nội dung của Thông tư 14.

Một số ngân hàng cũng cho biết, do có liên quan đến các quy định pháp lý, nên ngân hàng không thể tự động cơ cấu lại nợ hay giảm lãi vay cho khách hàng mà cần có đề xuất của khách hàng. Hiện nhiều tỉnh, thành đang phải áp dụng Chỉ thị 16 nên gặp nhiều khó khăn khi di chuyển, nhưng người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận thông qua các kênh giao dịch trực tuyến và liên hệ tổng đài ngân hàng để được hướng dẫn hỗ trợ.

Giải ngân vay mới

Đối với vấn đề giảm lãi vay đối với các khoản vay mới, hiện nhiều ngân hàng đang triển khai các gói hỗ trợ tín dụng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ cho khách hàng, nhất là ở các tỉnh thành chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch.

Chẳng hạn, mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) cho biết, từ nay đến 31/12/2021, Agribank cân đối 30.000 tỷ đồng chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ để hỗ trợ khách hàng tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ. Với chương trình này, khách hàng có thể được giảm lãi suất cho vay lên đến 2 điểm %/năm. 

Hay như tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Quân đội (MB), ngoài việc giảm lãi suất cho các khoản vay hiện hành, MB cũng xây dựng các gói lãi suất và các sản phẩm cho vay mới với lãi suất thấp hơn từ 0,5 - 1,5 điểm % so với biểu lãi suất thông thường trước đây của MB. Với các sản phẩm, dịch vụ mới, MB giảm lãi suất cho cả khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp.

Tuy vậy, theo các ngân hàng, do diễn biến dịch kéo dài, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngưng sản xuất, chuỗi cung ứng bị đứt gãy nên khả năng hấp thụ vốn vay mới vào nền kinh tế hiện rất chậm.

Theo ông Phan Đình Tuệ, dù ngân hàng có chính sách ưu đãi giảm lãi vay, tuy nhiên tăng trưởng tín dụng đang gặp nhiều khó khăn và có xu hướng chậm dần trong 2 tháng gần đây. Tốc độ tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm phụ thuộc nhiều vào tình hình kiểm soát dịch bệnh trong nước. Hiện dư địa tín dụng còn nhiều nên chỉ cần các doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn theo quy định thì đều được ngân hàng xem xét cho vay.

Thực tế, số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến hết tháng 8/2021, tăng trưởng tín dụng cả nền kinh tế đạt 7,4% so với cuối năm 2020, tương đương với mức tăng 14,6% so với cùng kỳ. Mặc dù tín dụng vẫn duy trì đà hồi phục kể từ tháng 4/2020, tuy nhiên tăng trưởng trong tháng 8 có phần chậm lại dưới ảnh hưởng của dịch bệnh và giãn cách xã hội. Trong 2 tháng 7 và 8/2021, tổng giá trị tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 88.000 tỷ đồng, chủ yếu vào giai đoạn cuối tháng 8 và thấp hơn nhiều so với mức tăng thêm 600.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm.

Theo các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, tăng trưởng tín dụng sẽ chưa có nhiều tiến triển trong tháng 9 và tháng 10, khi lệnh giãn cách xã hội vẫn còn áp dụng ở nhiều thành phố lớn. Thanh khoản trên hệ thống nhờ đó vẫn duy trì trạng thái dồi dào và lãi suất liên ngân hàng vẫn duy trì ở mức thấp.

Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, tín dụng toàn ngành đã giảm từ tháng 7 khi số lượng ca nhiễm mỗi ngày tăng cao và việc giãn cách xã hội quyết liệt hơn được áp dụng ở nhiều thành phố lớn. Do đó, tín dụng hệ thống chỉ tăng 0,9 điểm % trong 2 tháng vừa qua, đạt 7,4% tại thời điểm cuối tháng 8.

VNDirect theo đó hạ dự báo tăng trưởng tín dụng toàn ngành cho năm 2021 xuống còn 10-12%, từ mức 13% trước đó, do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh hiện nay. Ở kịch bản cơ sở, các chuyên gia của VNDirect kỳ vọng số lượng ca nhiễm mỗi ngày sẽ giảm và việc đi lại sẽ được nới lỏng vào cuối tháng 9. Nhu cầu tín dụng theo đó sẽ tăng trở lại vào cuối quý 4/2021.

H.Chung (TTXVN)
Bộ Công Thương lưu ý khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng
Bộ Công Thương lưu ý khi ký kết hợp đồng cho vay tiêu dùng

Theo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương), đứng trước những khó khăn kéo dài chưa có điểm dừng đối với tình hình kinh tế nói chung và tình trạng việc làm nói riêng do dịch COVID-19 gây ra, hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau dịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN