Tạm kết phiên giao dịch sáng ngày 5/6, VN-Index tăng 10,36 điểm, chạm mức 1.101,2 điểm; HNX-Index tăng 1,11 điểm, đạt 227,14 điểm. Toàn thị trường tạm nghiêng về bên mua với 401 mã tăng và 309 mã giảm. Rổ VN30 cũng tương tự khi sắc xanh thắng thế hoàn toàn với 24 mã tăng, 5 mã giảm và 1 mã đứng giá.
Khối lượng giao dịch của VN-Index ghi nhận trong phiên sáng đạt gần 423 triệu đơn vị, với giá trị gần 7,8 ngàn tỷ đồng. HNX-Index ghi nhận khối lượng giao dịch đạt hơn 50 triệu đơn vị, với giá trị giao dịch đạt hơn hơn 778 tỷ đồng.
Đáng chú ý, cổ phiếu ngân hàng có phiên mở đầu tuần đầy khởi sắc. Trong đó, nổi bật có thể kể tới NVB tăng kịch trần, VCB tăng hơn 3%, SHB tăng 2,07%… Các mã cổ phiếu còn lại đều nhuộm sắc xanh trong phiên sáng.
Trong khi đó, khối ngoại bán ròng hơn 17 tỷ đồng trên sàn HOSE với khối lượng mua nhiều nhất đang là cổ phiếu VCB. Bên cạnh đó, VCB tác động tích cực nhất đến đà tăng chỉ VN30, góp gần 2 điểm cho chỉ số.
Trong rổ VN30, bên mua cũng đang chiếm ưu thế hoàn toàn với 27 mã tăng, 2 mã giảm và 1 mã đứng giá. Giao dịch tích cực nhất rổ là Ngân hàng Tiên Phong (TPB) với mức tăng gần 2,1%. Theo sau là các mã BVH, VCB, MBB, SAB. Ngược lại, chỉ có GVR là mã giảm giá mạnh nhất.
Trước đó, trong phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường cũng bất ngờ chứng kiến giao dịch bùng nổ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Sắc xanh bao phủ toàn bộ cổ phiếu “vua” trên sàn chứng khoán, giao dịch trên nhóm ngân hàng sôi động với tổng giá trị gần 5.000 tỷ đồng, chiếm 1/4 thanh khoản toàn sàn.
Theo các chuyên gia tài chính, bất ngờ nhất là là nhiều cái tên có khối lượng khớp lệnh tăng đột biến so với mức bình quân một tháng trở lại đây, có thể kể đến như SHB, MBB, VPB, VIB, TCB, TPB, CTG… Điều này cho thấy, dòng tiền đang có xu hướng quay trở lại nhóm cổ phiếu “vua” sau thời gian dài "im hơi lặng tiếng".
Thực tế, từ đầu năm 2023 đến nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng gần như không tạo được một con sóng ngành nào thực sự đáng kể. Vì thế, phiên giao dịch bùng nổ cuối tuần qua được giới đầu tư kỳ vọng sẽ là điểm khởi đầu cho một con sóng ngân hàng, trụ cột có thể thay thế hoàn hảo cho nhóm bất động sản, chứng khoán đang có dấu hiệu hụt hơi.
Các chuyên gia cho rằng, điều này hoàn toàn có cơ sở vì thời gian qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã duy trì một mặt bằng định giá tương đối thấp. Ngoài ra, NHNN cũng đã giảm lãi suất điều hành 3 lần liên tiếp từ đầu năm là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán.
Song song đó, lãi suất tiết kiệm có xu hướng giảm khiến chứng khoán trở nên hấp dẫn hơn một cách tương đối. Thêm nữa, lượng tiền gửi lãi suất cao vào cuối năm ngoái sắp đáo hạn được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ dòng tiền chuyển dịch sang chứng khoán dù con số có thể không lớn.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Trưởng nhóm vĩ mô và chiến lược thị trường Trung tâm phân tích DSC, tuy ngành ngân hàng có sự đột biến về giao dịch, tăng mạnh từ cuối tuần qua và ngày 5/6, song nhà đầu tư vẫn cần phải thận trọng. Bởi cổ phiếu sau khi vượt cản, nhất là khi vượt cản nhanh như trong phiên cuối tuần rất có thể kiểm tra lại cản cũ. Thêm nữa, thị trường hiện tại có tính xoay vòng. Hầu như, tất cả các nhóm ngành đã tăng mạnh về lại vùng cản trung hạn, cộng thêm yếu tố tiền trong giai đoạn vừa rồi chủ yếu tới là tiền margin.
Do đó, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, khả năng rất cao áp lực chốt lời sẽ xảy ra. Nhà đầu tư ngắn hạn nếu tham gia mua trong giai đoạn này không nên quá hưng phấn, nên hạ tỷ trọng giao dịch chỉ bằng 50% tỷ trọng thông thường và canh bán khi thị trường hồi về mốc 1.120 điểm.
Với các nhà đầu tư dài hạn, ông Nguyễn Hoàng Hiệp tự tin năm 2023 vẫn là thời điểm rất tốt để mua nắm giữ cổ phiếu, không nên hạ tỷ trọng chốt lời trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn và lợi nhuận doanh nghiệp giảm sút khiến định giá nhiều cổ phiếu giảm mạnh, về mốc rẻ.
Riêng nhóm cổ phiếu ngân hàng, hiện đang là nhóm hút tiền nhất trên thị trường. Với đà tăng mạnh đi kèm sự bùng nổ ở nhóm trụ như ngân hàng, tâm lý nhà đầu tư trên thị trường đang rất hưng phấn. Vì thế, ông Nguyễn Hoàng Hiệp dự phóng có thể xuất hiện xu hướng mua đuổi ở nhiều nhà đầu tư và rất có khả năng sẽ giúp nhóm ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong tuần tới. Lựa chọn đầu tư vào nhóm ngân hàng trong thời điểm hiện tại là lựa chọn tốt.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tham khảo nhóm đầu tư công. Tỷ lệ giải ngân 5 tháng đầu năm đạt 25,5% kế hoạch, cải thiện tốt so với tốc độ giải ngân chậm chỉ hơn 10% hồi cuối quý 1/2023. Trong đó, kết quả giải ngân của Bộ Giao thông vận tải là tốt nhất. Đây có thể là động lực hỗ trợ giá cho nhiều cổ phiếu thi công đường xá.
Ở quan điểm thận trọng hơn, ông Thái Hữu Công, chuyên viên phân tích Chứng khoán KB Việt Nam cho rằng, VN-Index hiện đang tiếp cận ngưỡng cản mạnh quanh 1.100 điểm (+/-10). Mặc dù cơ hội tiếp tục quán tính xu hướng tăng điểm trong tuần tới và vượt đường kháng cự này đang được đánh giá cao, song chỉ số sẽ phải trải qua một vài nhịp điều chỉnh đan xen trước khi có thể chinh phục ngưỡng cản này.
Theo ông Thái Hữu Công, áp lực chốt lời các mã cổ phiếu đã tăng nóng trong thời gian vừa qua đã khiến cho dòng tiền luân chuyển sang các cổ phiếu “vua”, vốn đã đi ngang trong một khoảng thời gian dài. Việc các cổ phiếu vốn hóa lớn tăng điểm trở lại có thể là động lực giúp cho VN-Index tăng vượt ngưỡng kháng cự mạnh và chấm dứt xu hướng đi ngang.
Còn theo công ty chứng khoán KBSV cho rằng, nhóm cổ phiếu ngân hàng được đánh giá sẽ tiếp tục là điểm đến của dòng tiền khi mà nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ chịu áp lực chốt lời mạnh. Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng rất đáng được quan tâm khi đây là nhóm ngành này được hưởng lợi trực tiếp từ việc giá trị giao dịch bùng nổ. Ngoài ra, nhóm cổ phiếu như dệt may, bán lẻ, hoá chất cũng có nhiều tiềm năng khi mà đa phần các cổ phiếu thuộc nhóm ngành này đều chưa tăng quá mạnh từ vùng đáy.