Đẩy mạnh kết nối dữ liệu trong thanh toán không dùng tiền mặt

Việc sử dụng dữ liệu để kết nối thanh toán thông minh là xu hướng tất yếu hiện nay, giúp các ngân hàng, doanh nghiệp xác định cơ hội mới, đưa ra quyết định đúng đắn hơn và nâng cao hiệu quả hoạt động.

Chú thích ảnh
Các đại biểu chia sẻ các giải pháp để kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh để thúc đẩy phát triển xã hội. 

Chiều 16/6, trong khuôn khổ chương trình “Ngày không tiền mặt 2023”, Vụ Thanh toán, Vụ Truyền thông (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) phối hợp cùng báo Tuổi trẻ, Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) và các đơn vị liên quan tổ chức hội thảo “Kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh - thúc đẩy phát triển xã hội”.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý, doanh nghiệp… đã thảo luận về vai trò và sự cần thiết của kết nối dữ liệu trong thanh toán thông minh, đồng thời làm rõ lợi ích, tìm kiếm thêm giải pháp để hướng đến xã hội không dùng tiền mặt.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, thanh toán không dùng tiền mặt đã phổ biến và đang dần trở thành thói quen của nhiều người tiêu dùng. Tính đến nay đã có trên 75% người trưởng thành có tài khoản thanh toán ngân hàng. Trong 4 tháng đầu năm 2023, số lượng giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ năm 2022. Thanh toán qua các kênh Internet hay điện thoại di động đều tăng cả số lượng và giá trị giao dịch. Đặc biệt, thanh toán qua phương thức QR code tăng trưởng ấn tượng nhất với hơn 161% về số lượng và 37% về giá trị và giúp nhiều đơn vị, doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều chi phí...

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng Ban kinh doanh (Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN) cho biết, từ 2019 đến nay, khi triển khai cơ sở dữ liệu, việc cung cấp dịch vụ của EVN thuận lợi hơn rất nhiều. Người dân đăng ký hợp đồng sử dụng điện, thanh toán hóa đơn tiền điện… đều thực hiện trên hệ thống điện tử. Trong khi đó trước đây, để phát hành hóa đơn tiền điện, EVN phải nhập chỉ số công tơ, in hóa đơn và thu tiền đều bằng phương thức thủ công.

"Việc đẩy mạnh kết nối dữ liệu, thanh toán điện tử đã giúp EVN tiết kiệm được 2.700 tỉ đồng/năm. Đây là con số rất lớn giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh EVN. Vì vậy, sắp tới đơn vị sẽ tiếp tục triển khai hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt để tiết kiệm các chi phí phát sinh", ông Nguyễn Quốc Dũng cho biết thêm.

Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc kết nối dữ liệu sẽ giúp ngân hàng hiểu biết sâu sắc về hành vi của khách hàng, giúp bán chéo sản phẩm. Ngoài ra, việc kết nối dữ liệu đầy đủ góp phần ngăn chặn hành vi gian lận, lừa đảo, tăng cường công tác thông tin bảo mật… Hiện nay, quyết định phê duyệt Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã tạo nền tảng cho các ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành ngân hàng, khai thác cơ sở dữ liệu quý báu này. Hạ tầng thanh toán đã phát triển mạnh mẽ, bình quân thanh toán 40 tỷ USD/ ngày.

Để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước đang kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực làm sạch dữ liệu. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 101 về thanh toán không dùng tiền mặt, tạo ra hành lang pháp lý để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt thời gian sắp tới. 

"Về lâu dài, Ngân hàng Nhà nước cũng đang sửa Thông tư 39 năm 2016 hướng dẫn về cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán. Đặc biệt, ngành ngân hàng đang nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia để phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt", Phạm Tiến Dũng nói.

Chú thích ảnh
Người dân tham gia mua sắm được ưu tiên không sử dụng tiền mặt.

Liên quan đến thanh toán không dùng tiền mặt, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, TP Hồ Chí Minh rất quan tâm đến các xu hướng mới như kinh tế số, thanh toán không dùng tiền mặt… Thành phố luôn có ý thức, sự chuẩn bị cũng như những giải pháp để tiếp nhận những xu hướng mới này nhằm tạo thuận lợi nhất cho sự phát triển của thành phố. Đến nay, các cơ quan nhà nước ở TP Hồ Chí Minh như y tế, giáo dục, bảo hiểm, giao thông… đã tiến hành thanh toán không tiền mặt. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại thành phố đã đạt 30%.

Sắp tới, TP Hồ Chí Minh sẽ thông qua các hiệp hội doanh nghiệp - ngành nghề để thúc đẩy cũng như tuyên truyền rộng rãi hơn nữa về thanh toán không dùng tiền mặt. Thành phố cũng đã ban hành chiến lược dữ liệu để làm nền tảng cho thanh toán, chính sách khuyến khích không dùng tiền mặt.

"Lãnh đạo Thành phố luôn lắng nghe và hoan nghênh các ý kiến, sáng kiến, giải pháp nhằm giúp Thành phố đẩy nhanh hơn nữa hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt. Mục tiêu của Thành phố là trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thanh toán không dùng tiền mặt nên cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan liên quan sớm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động này", ông Phan Văn Mãi cho biết thêm.

Tin, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Ngân hàng tìm khách hàng
Ngân hàng tìm khách hàng

Tăng trưởng tín dụng những tháng đầu năm nay thấp hơn nhiều so với năm ngoái, chứng tỏ lượng vốn cung ra nền kinh tế đang bị chững lại. Khác với việc doanh nghiệp than thiếu vốn, ngân hàng lại cho biết đang ế vốn, đốt đuốc tìm khách hàng cho vay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN