COVID-19 kéo dài, thu ngân sách bằng 91,1% dự toán

Theo Bộ Tài chính, tính từ đầu năm đến ngày 31/10, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 1.224,3 nghìn tỷ đồng, bằng 91,1% dự toán. Mặc dù chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của COVID-19, tiến độ thu NSNN vẫn đảm bảo nhờ đà tăng trưởng của nền kinh tế từ những tháng cuối năm 2020.

Chú thích ảnh
Thu ngân sách từ hàng hoá xuất nhập khẩu tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.

Cụ thể: Nguồn thu NSNN tháng 10/2021 đạt 133,2 nghìn tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 116,3 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 59 nghìn tỷ đồng so với tháng 9/2021. Điểm sáng của nguồn thu nội địa tăng là nhờ tháng 10/2021 là thời điểm các doanh nghiệp kê khai, nộp các khoản thuế theo chế độ được phép thu theo quý (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế gia trị gia tăng của doanh nghiệp có doanh thu dưới 20 tỷ đồng phát sinh quý III chuyển nộp trong đầu quý IV/2021). 

Đồng thời tháng 10/2021, ngành Tài chính thu vào cho NSNN khoảng 16 nghìn tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp đã hết thời gian được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ.

Trong tháng 10/2021, nguồn thu từ dầu thô đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, xấp xỉ số thu tháng 9/2021. Thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 10/2021 đạt 12,95 nghìn tỷ đồng, trên cơ sở tổng số thu thuế đạt gần 28 nghìn tỷ đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng theo chế độ là 15 nghìn tỷ đồng.

Theo Tổng cục Hải quan, sau nhiều năm xuất siêu, ảnh hưởng của dịch COVID-19 đã làm nền kinh tế Việt Nam bắt đầu nhập siêu từ nửa cuối năm nay. Điển hình tháng 8/2021, tổng nhập siêu lên tới 3,7 tỷ USD, sau đó giảm dần. Đến hết tháng 10/2021, luỹ kế nhập siêu chỉ còn 1,4 tỷ USD. Kết quả này, nhờ tình hình dịch COVID-19 trong nước đã cơ bản được kiểm soát, doanh nghiệp dần khôi phục sản xuất, đặc biệt với khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai…

Sau khi nới lỏng giãn cách, tình hình kinh tế Việt Nam dần hồi phục. tháng 10/2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt 53 tỷ USD, dù vẫn giảm 0,4% so với tháng trước nhưng mức giảm đã nhỏ dần. Trong đó xuất khẩu tăng 1%, nhập khẩu giảm 1,7%.

Lũy kế 10 tháng năm 2021, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam ước đạt hơn 537 tỷ USD, tăng trên 22% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tăng 16% nhưng nhập khẩu tăng 28%, nên vẫn nhập siêu 1,45 tỷ USD (trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,63 tỷ USD). Luỹ kế 10 tháng năm nay, thu ngân sách từ hàng hoá xuất nhập khẩu trên 314.845 tỷ đồng, đạt 99,95% dự toán, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.

Chủ lực của xuất nhập khẩu nền kinh tế Việt Nam vẫn là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), riêng khu vực này trong tháng 10/2021 xuất siêu 2,6 tỷ USD. Tính chung 10 tháng qua, khu vực FDI chiếm 70% tổng giá trị nhập khẩu của nền kinh tế (hơn 373 tỷ USD), xuất khẩu chiếm hơn 20% tổng giá trị (hơn 196 tỷ USD).

Các mặt hàng xuất khẩu có thuế chủ yếu là: Dầu thô, clanhke và xi măng, quặng và khoáng sản khác. Các mặt hàng nhập khẩu có thuế chủ yếu là: Xăng dầu; chất dẻo nguyên liệu; sắt thép; kim loại thường; ôtô nguyên chiếc và linh kiện, phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…

Theo Bộ Tài chính, tổng chi NSNN tháng 10/2021 đạt 107,3 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 10 tháng năm nay đạt 1.149,4 nghìn tỷ đồng, bằng 68,1% dự toán. Do tiến độ chi thấp hơn tiến độ thu ngân sách nên về tổng thể cân đối NSNN 10 tháng năm nay có thặng dư nhưng cân đối ngân sách Trung ương bội chi, ngân sách địa phương có thặng dư lớn.

Để có thêm nguồn ngân quỹ Nhà nước, Bộ Tài chính đã chủ động điều hành việc phát hành trái phiếu Chính phủ để đảm bảo nguồn thanh toán, chi trả kịp thời các khoản nợ gốc đến hạn và góp phần định hướng sự phát triển của thị trường, cơ cấu lại nợ công. Lũy kế đến ngày 28/10/2021 đã phát hành được 253,86 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, với kỳ hạn bình quân 13,34 năm, lãi suất bình quân 2,27%/năm.

               22 bộ và 25 địa phương chưa phân bổ hết vốn đầu tư công

Theo Bộ Tài chính, tính đến thời điểm này, vẫn còn 22 bộ và 25 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn đầu tư công đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Đáng chú ý có một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao (trên 70%).

Hiện, số vốn đầu tư công đã được phân bổ là trên 429.890 tỷ đồng, đạt trên 93% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (461.300 tỷ đồng). Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết còn trên 31.409 tỷ đồng, chiếm 6,81% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, vốn trong nước còn gần 24.053 tỷ đồng, vốn ngoài nước còn gần 7.357 tỷ đồng.
Minh Phương/Báo Tin tức
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu sắp về đích
Thu ngân sách từ xuất nhập khẩu sắp về đích

Ngày 2/11, Tổng cục Hải quan cho biết, số thu ngân sách nhà nước từ hoạt động xuất nhập khẩu từ đầu năm đến hết tháng 10 là 314.845 tỷ đồng, đạt 99,95% dự toán, đạt 95,1% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 25,24% so với cùng kỳ năm trước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN