Chứng khoán Phố Wall kết thúc tuần giao dịch nhiều biến động trong nốt trầm

Chứng khoán Mỹ đã kết thúc phiên 7/1 trong sắc đỏ với cả ba chỉ số chính đều ghi nhận mức giảm khá mạnh trong tuần qua, sau khi báo cáo việc làm của Mỹ tháng 12/2021 thấp hơn nhiều so với ước tính của thị trường.

Chú thích ảnh
Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ, ngày 11/3/2021. Ảnh: Yonhap/TTXVN

Phiên này trên Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 4,81 điểm (khoảng 0,1%) xuống mức 36.231,66 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 19,02 điểm (0,4%) và đóng cửa ở mức 4.677,03 điểm. Riêng chỉ số công nghệ Nasdaq Composite giảm tới 144,96 điểm (tương đương 1%) và đóng cửa ở mức 14.935,9 điểm.

Bộ Lao động Mỹ ngày 7/1 báo cáo rằng nền kinh tế đã tạo thêm 199.000 việc làm trong tháng 12/2021, thấp hơn nhiều so với dự báo tăng 422.000 việc làm của các nhà kinh tế. Con số đáng thất vọng trên nêu bật một số tác động từ sự lây lan của biến thể Omicron đối với thị trường việc làm nước này.

Nhưng sau khi phân tích báo cáo của Bộ Lao động, các nhà đầu tư dường như kết luận rằng thông tin này sẽ không làm ảnh hưởng đến ý định của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong việc thu hẹp các chính sách điều chỉnh, rồi tiến tới tăng lãi suất để chống lại lạm phát phi mã vào năm 2022.

Theo ông Bob Doll, người phụ trách bộ phận đầu tư của công ty dịch vụ tài chính Crossmark Global Investments, mặc dù báo cáo việc làm yếu hơn dự kiến, nền kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng “nóng” khi xem xét các thông tin khác như tỷ lệ thất nghiệp giảm và thu nhập trung bình hàng giờ tăng lên.

Số lượng việc làm mới thấp hơn kỳ vọng được bù đắp phần nào bởi tỷ lệ thất nghiệp giảm mạnh hơn dự kiến, xuống còn 3,9% trong tháng trước. Việc tiền lương tăng mạnh cũng là dấu hiệu cho thấy thị trường lao động Mỹ đang thắt chặt.

Thậm chí, ông Doll cho rằng báo cáo việc làm mới nhất giúp Fed có thêm nhiều không gian hơn để triển khai các động thái chính sách của mình. Ông chỉ ra rằng thị trường đã chuẩn bị cho việc Fed sẽ bắt đầu tăng lãi suất chuẩn trong năm nay.

Nhìn chung, thị trường chứng khoán Mỹ đã có một tuần giao dịch khá nhiều biến động sau khi mở đầu tuần mới khá rực rỡ.

Trong phiên giao dịch đầu năm mới ngày 3/1, các chỉ số chính của Phố Wall đóng cửa tăng cao kỷ lục, bất chấp giới đầu tư kỳ vọng lãi suất sẽ tăng cao hơn. Kết thúc phiên này, Dow Jones tăng 0,7%, S&P 500 tiến 0,6% còn Nasdaq Composite tăng tới 1,2%. Một điểm đáng chú ý nữa là công ty Apple nhanh chóng đạt mức định giá 3.000 tỷ USD vào cùng phiên.

Sang ngày 4/1, chứng khoán Phố Wall dịch chuyển ngược chiều khi các nhà đầu tư đặt cược vào kịch bản tác động kinh tế của biến thể Omicron sẽ hạn chế hơn dự kiến ban đầu. Phiên này, Dow Jones tăng 0,6% nhưng S&P 500 giảm nhẹ 0,1% còn Nasdaq Composite để mất tới 1,3% do nhà đầu tư do lo ngại về triển vọng lãi suất cao hơn. Giới quan sát cho hay các công ty công nghệ - vốn thường dựa vào nợ để thúc đẩy tăng trưởng - có xu hướng chịu ảnh hưởng nhiều hơn khi lãi suất tăng.

Phiên 5/1, chứng khoán Mỹ giảm mạnh sau khi biên bản cuộc họp của Fed cho thấy ngân hàng trung ương này sẵn sàng tăng lãi suất sớm hơn dự kiến để đối phó với lạm phát gia tăng. Nasdaq Composite dẫn đầu đà đi xuống trong phiên này với mức giảm 3,3%. S&P 500 hạ 1,9% còn Dow Jones mất 1,1%.

Chứng khoán Phố Wall tiếp tục đi xuống trong phiên 6/1, trước những số liệu kinh tế trái chiều và mối lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed. Chốt phiên này, Dow Jones giảm 0,5%, S&P 500 và Nasdaq Composite đều mất 0,1%. Các nhà giao dịch cho biết thị trường chứng khoán đã cố gắng phục hồi, sau khi giảm mạnh trong phiên 5/1, song những nỗ lực mua vào khi giá thấp đã không duy trì được lâu.

Với mức giảm trong phiên cuối tuần 7/1, chỉ số Nasdaq Composite tuần qua để mất tới 4,5% - mức giảm theo tuần mạnh nhất kể từ tuần kết thúc vào ngày 26/2/2021. Chỉ số S&P 500 cũng lùi 1,9% và chỉ số Dow Jones giảm 0,3%.

Trong tuần tới, thị trường sẽ chú ý tới một loạt các sự kiện kinh tế quan trọng.

Chủ tịch Fed Jerome Powell dự kiến sẽ ra điều trần vào thứ Ba (11/1) về đề cử của ông trước một hội đồng Thượng viện, trong khi phiên điều trần về đề cử của Thống đốc Lael Brainard vào vị trí Phó chủ tịch Fed được ấn định vào thứ Năm (13/1).

Cũng trong tuần tới, Chính phủ Mỹ sẽ công bố báo cáo về giá tiêu dùng vào thứ Tư (12/1) và giá sản xuất vào ngay ngày sau đó.

Tuần kế tiếp cũng đánh dấu sự bắt đầu của mùa thu nhập quý IV/2021 với các ngân hàng lớn như JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo công bố báo cáo kinh doanh vào thứ Sáu (14/1). Giới quan sát đa phần tin rằng đây sẽ là một quý các công ty ghi nhận hoạt động khá tốt. Đó là lý do tại sao họ nhìn chung lạc quan về triển vọng thu nhập trong giai đoạn này.

H.Thủy  (TTXVN)
Phiên 6/1, chứng khoán Mỹ chưa lấy lại đà tăng
Phiên 6/1, chứng khoán Mỹ chưa lấy lại đà tăng

Trong phiên giao dịch 6/1, thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đi xuống, trước những số liệu kinh tế trái chiều và mối lo ngại về chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN