Kết thúc phiên chiều 20/9, VN Index tăng mạnh 13,5 điểm (1,12%) lên 1.218,93 điểm. Toàn sàn HoSE có 309 mã tăng, 120 mã giảm và 81 mã đứng giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 473,8 triệu đơn vị, giá trị 11.157,3 tỷ đồng, giảm 33% cả về khối lượng và giá trị so với phiên trước. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 61,1 triệu đơn vị, giá trị 1.598 tỷ đồng.
Nhóm vốn hóa lớn khởi sắc khi rổ chỉ số VN30 tăng 11,19 điểm (0,91%) với 25/30 mã tăng giá, 3 mã giảm là KDH, NVL và VRE và 2 mã đứng giá TCB, PLX. Đạt mức tăng ấn tượng trong nhóm VN30 là các mã như: BVH, SAB, VIC, VJC, GVR, VNM.
Ngoài nhóm cổ phiếu lớn, VN Index còn nhận được lực đỡ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán. Các mã ngân hàng tăng mạnh với BID tăng 2,8% lên 35.150 đồng/cổ phiếu; CTG tăng 2% hay MBB tiến thêm 1,7% giá trị. Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, nhóm công ty chứng khoán có có mắc tăng tốt như: VDS +5,7% lên 12.000 đồng/cổ phiếu; VND +5,3% lên 18.800 đồng/cổ phiếu; SSI +4% lên 20.700 đồng/cổ phiếu; APG +3,7% lên 6.480 đồng/cổ phiếu; BSI +3,4% lên 26.000 đồng/cổ phiếu; CTS +3,3% lên 17.300 đồng/cổ phiếu; VIX +3,1% lên 11.500 đồng/cổ phiếu; HCM +2,4%; FTS, VCI, AGR, TVB nhích trên dưới 2%.
Trong phiên ngày 20/9, BII và TGG tiếp tục bị bán tháo, dù thị trường chứng khoán chung hồi phục. Theo đó, BII lao dốc còn 4.100 đồng/cổ phiếu và TGG rơi về 5.850 đồng/cổ phiếu; đồng thời còn hàng triệu cổ phiếu chất bán giá sàn. Nhóm cổ phiếu họ Louis diễn biến tiêu cực sau thông tin chủ tịch Louis Holdings bị cáo buộc thao túng chứng khoán để thu lời bất chính gần 154 tỷ đồng từ hai mã liên quan trực tiếp là BII và TGG.
Kết thúc phiên chiều 20/9, sàn HNX có 121 mã tăng và 62 mã giảm, HNX-Index tăng 2,65 điểm (+1,00%), lên 266,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 56,3 triệu đơn vị, giá trị 1.108,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,67 triệu đơn vị, giá trị 49 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất trong phiên này là lực cầu bắt đáy ồ ạt tại hai cổ phiếu KLF và ART. Theo đó, KLF +5,9% lên 1.800 đồng/cổ phiếu; ART +7,4% lên 2.900 đồng/cổ phiếu… Một số mã đảo chiều tăng khá như: MBS +6,3% lên 17.000 đồng/cổ phiếu; PVC +5,7% lên 20.400 đồng/cổ phiếu; IDJ +5,2% lên 14.200 đồng/cổ phiếu; PVS +4% lên 26.000 đồng/cổ phiếu…
Trong phiên ngày 20/9, nhà đầu tư nước ngoài có đóng góp khá tích cực vào xu hướng hồi phục. Trên sàn HoSE, khối này mua vào 1.128 tỷ đồng và bán ra 704 tỷ đồng, tương đương mua ròng 424 tỷ đồng. Theo đó, các mã được gom nhiều là DGC, HPG và VHM.
Trước đó, các chuyên gia của VNDirect dự báo: Thị trường chứng khoán tuần này, chỉ số VN-Index có thể tiếp tục giao dịch trên mức 1.200 điểm và có thể xuất hiện nhịp phục hồi trong những phiên giao dịch cuối tuần. Do vậy, nhà đầu tư có thể tiếp tục tích lũy cổ phiếu ở vùng giá hấp dẫn trong những nhịp điều chỉnh sâu, đặc biệt quanh những hỗ trợ quan trọng 1.220 điểm và 1.200 điểm.
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô và chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán VNDirect cho rằng: Áp lực điều chỉnh có thể duy trì trong những phiên giao dịch đầu tuần do tâm lý của nhà đầu tư vẫn thận trọng trước cuộc họp lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra vào ngày 20 - 21/9. Chỉ số VN-Index có thể tiếp tục kiểm định vùng hỗ trợ 1.220 - 1.240 điểm và xa hơn là vùng 1.200 điểm.
“Hiện tại, thị trường đang nghiêng về kịch bản FED sẽ tiếp tục nâng lãi suất điều hành thêm 75 điểm cơ bản, tương đương với mức tăng trong 2 cuộc họp trước đó. Chúng tôi kỳ vọng tâm lý thị trường có thể cải thiện nếu không có bất ngờ nào xảy ra như việc FED nâng lãi suất điều hành thêm 100 điểm cơ bản hoặc cao hơn (do việc FED nâng lãi suất thêm 75 điểm cơ bản đã phần nào phản ánh vào diễn biến của thị trường chứng khoán trong những phiên giao dịch trước đó). VNDirect kỳ vọng: Chỉ số VN-Index tiếp tục giao dịch trên mức 1.200 điểm và có thể xuất hiện nhịp phục hồi trong những phiên giao dịch cuối tuần.
Theo khuyến nghị của chuyên gia này, nhà đầu tư có thể tiếp tục tích lũy cổ phiếu giá hấp dẫn trong những nhịp điều chỉnh sâu của thị trường, đặc biệt quanh những hỗ trợ quan trọng 1.220 điểm và 1.200 điểm. Tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt trong danh mục có thể nâng lên mức 70/30 và lưu ý là hạn chế sử dụng đòn bẩy (margin) ở thời điểm hiện tại để quản trị rủi ro. "Nhà đầu tư nên ưu tiên tích lũy cổ phiếu trong những ngành dự kiến ghi nhận kết quả kinh doanh quý III/2022 tích cực như bán lẻ, thực phẩm - đồ uống, xây dựng hạ tầng (đẩy mạnh giải ngân đầu tư công) và dầu khí (dự án lô B - Ô Môn)", ông Đinh Quang Hinh đề xuất.