Các rủi ro mà nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần lưu ý

Chiều 25/7, Bộ Tài chính tiếp tục tiếp tục khuyến nghị các nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ cần tìm hiểu quy định pháp luật và năng lực, hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phát hành, nắm rõ những rủi ro đối với TPDN.

Chú thích ảnh
Nhà đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp. Ảnh: TTXVN.

Rủi ro của trái phiếu vẫn là rủi ro của doanh nghiệp phát hành 

Theo đó, TPDN không phải là tiền gửi ngân hàng. TPDN được doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về khả năng trả nợ. Nhà đầu tư mua TPDN cần nhận thức rõ, chấp nhận rủi ro khi mua trái phiếu trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo được nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi trái phiếu. 

Theo quy định, TPDN riêng lẻ là sản phẩm đầu tư chỉ dành cho các nhà đầu tư chuyên nghiệp là những nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm đầu tư, có khả năng phân tích rủi ro và chấp nhận rủi ro khi xảy ra.

“Khác với TPDN chào bán ra công chúng được Ủy ban Chứng khoán – UBCK cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán để chào bán cho không giới hạn nhà đầu tư, TPDN riêng lẻ không được cơ quan quản lý cấp phép”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.

Với sự phát triển nhanh của thị trường TPDN trong thời gian gần đây, một số nhà đầu tư cá nhân đã tham gia mua TPDN riêng lẻ, đặc biệt là trái phiếu có lãi suất cao thông qua các tổ chức phân phối (công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại).

Theo Bộ Tài chính, khi được giới thiệu mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư phải hết sức lưu ý: Chỉ cho phép nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp được mua TPDN phát hành riêng lẻ. Nếu nhà đầu tư không phải nhà đầu tư chuyên nghiệp,  không được mua loại trái phiếu này. Trường hợp nhà đầu tư dùng các cách thức không đúng quy định pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, cả nhà đầu tư và tổ chức cung cấp dịch vụ xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp sẽ bị xử lý nghiêm. 

Nhà đầu tư cũng cần lưu ý việc các tổ chức tín dụng, công ty chứng khoán phân phối chào mời mua TPDN không có nghĩa là các tổ chức này đảm bảo an toàn cho việc mua trái phiếu. Trường hợp TPDN được giới thiệu là có bảo lãnh, nhà đầu tư phải lưu ý phân loại là trái phiếu đó được bảo lãnh thanh toán hay bảo lãnh phát hành? Bảo lãnh phát hành chỉ là việc tổ chức bảo lãnh có cam kết với doanh nghiệp phát hành để phân phối số trái phiếu cần phát hành. Tổ chức bảo lãnh phát hành không có bất kỳ nghĩa vụ nào với nhà đầu tư. Đối với bảo lãnh thanh toán, nhà đầu tư cũng cần tìm hiểu kỹ phạm vi bảo lãnh (bảo lãnh thanh toán gốc, lãi hay chỉ một phần gốc, lãi và nhà đầu tư sẽ phải chịu rủi ro đối với phần còn lại). 

Tài sản đảm bảo của TPDN hay các khoản vay tín dụng có nhiều loại như: Nhà đất, cổ phần, cổ phiếu, các chương trình, dự án đầu tư... Trên thị trường TPDN riêng lẻ hiện phần lớn tài sản đảm bảo là bất động sản và các chương trình, dự án, chứng khoán hoặc kết hợp các loại tài sản (bất động sản, chứng khoán). Thông tin về tài sản đảm bảo được các doanh nghiệp phát hành nêu tại bản công bố thông tin.  Nhà đầu tư cần lưu ý, đối với các tài sản đảm bảo là các dự án, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu, khi thị trường chứng khoán, bất động sản có nhiều biến động, giá trị tài sản đảm bảo có thể bị sụt giảm và không đủ để thanh toán gốc, lãi trái phiếu.

Theo Bộ Tài chính, trước khi tham gia mua TPDN riêng lẻ, nhà đầu tư cần yêu cầu doanh nghiệp phát hành, tổ chức phân phối cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành bao gồm tình hình huy động vốn trái phiếu và các chỉ tiêu đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp; mục đích phát hành trái phiếu; tài sản đảm bảo của trái phiếu; đặc điểm của trái phiếu, quyền lợi, nghĩa vụ của chủ sở hữu trái phiếu, các cam kết đối với trái phiếu, nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành, nghĩa vụ của tổ chức phân phối đối với trái phiếu. 

Sau khi mua trái phiếu, nhà đầu tư cần thường xuyên cập nhật về tình hình tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành và việc sử dụng vốn huy động từ trái phiếu có phù hợp với mục đích phát hành trái phiếu hay không? Đặc biệt, cần thận trọng khi tham gia các hợp đồng hợp tác đầu tư mua TPDN theo pháp luật dân sự cùng với các cá nhân, tổ chức nào khác vì rủi ro xảy ra là rủi ro của nhà đầu tư theo pháp luật dân sự.

Tiếp tục kiểm soát thị trường TPDN

Theo Bộ Tài chính, thời gian qua, thị trường TPDN tăng nhanh, tiềm ẩn rủi ro, có thể ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường vốn, thị trường trái phiếu nếu không được kiểm soát hiệu quả.

Thủ tướng Chính phủ có 5 công điện chỉ đạo về tăng cường giám sát hoạt động thị trường TPDN; Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành các chỉ đạo về kiểm tra, siết chặt quản lý giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ như: Công ty chứng khoán thực hiện tư vấn phát hành, các tổ chức kiểm toán, định giá tài sản. 

Sau những hoạt động tăng cường quản lý của cơ quan nhà nước đối với hoạt động phát hành TPDN, cung cấp dịch vụ và đầu tư TPDN riêng lẻ, thị trường TPDN các tháng đầu năm 2022 đã có những thay đổi, một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã chủ động thực hiện công bố thông tin bất thường hoặc công bố thông tin bổ sung về mục đích và phương án sử dụng vốn trái phiếu. Khối lượng phát hành cũng giảm dần từ tháng 2 đến tháng 4/2022 và đã tăng trở lại trong thời gian gần đây. 

Về khối lượng phát hành, trong 6 tháng đầu năm 2022, khối lượng TPDN phát hành riêng lẻ đạt 257.857 tỷ đồng. Khối lượng phát hành TPDN tập trung chủ yếu trong tháng 1/2022, và bắt đầu giảm từ tháng 2 đến tháng 4/2022. Cụ thể khối lượng phát hành tháng 1/2022 là 55,9 nghìn tỷ đồng; khối lượng phát hành trong tháng 3/2022 là 48,8 nghìn tỷ đồng; tháng 4/2022 là 30,6 nghìn tỷ đồng. Từ tháng 5/2022, khối lượng phát hành tăng trở lại, trong đó, khối lượng phát hành trong tháng 5/2022 là 44,2 nghìn tỷ đồng; khối lượng phát hành tháng 6/2022 khoảng 47,5 nghìn tỷ đồng. 

Quý I/2022, khối lượng mua lại trước hạn khoảng 12,8 nghìn tỷ đồng, khối lượng mua lại trước hạn trong quý II/2022 khoảng 49,1 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại trước hạn khoảng 61,9 nghìn tỷ đồng TPDN.

Để tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục chỉ đạo UBCKNN và các đơn vị liên quan đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN và triển khai các đoàn kiểm tra về tình hình phát hành, cung cấp các dịch vụ liên quan đến TPDN tại một số doanh nghiệp phát hành và công ty chứng khoán, các công ty kiểm toán độc lập. Trường hợp phát hiện hành vi vi phạm, UBCK sẽ công khai thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Minh Phương/Báo Tin tức
Tiếp tục giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp
Tiếp tục giám sát việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp

Ngày 20/7, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã ký Công văn số 7048/BTC-VP gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK); Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng; Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán; Cục Quản lý giá; Thanh tra Bộ Tài chính; Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh thị trường TPDN.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN