Theo Bộ Tài chính, sau hàng loạt các giải pháp kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường TPDN riêng lẻ, việc phát hành TPDN có giảm mạnh trong tháng 4/2022 nhưng đã tăng trở lại trong tháng 5 và tháng 6/2022. Tổng khối lượng phát hành lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 đạt 257.857 tỷ đồng (tăng 21% so với cùng kỳ năm 2021, tương đương 44.757 tỷ đồng).
Bộ trưởng Bộ Tài chính tiếp tục yêu cầu các đơn vị có chức năng tăng cường quản lý, giám sát việc phát hành, huy động TPDN riêng lẻ; rà soát, sửa đổi các quy định liên quan đến chào bán và giao dịch TPDN.
Theo đó, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tín dụng phối hợp chặt chẽ, tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan sớm trình lại Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP; rà soát khung pháp lý về phát hành và giao dịch TPDN riêng lẻ được quy định tại Luật Chứng khoán, Nghị định số 153/2020/NĐ-CP và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP.
Phía UBCK cần khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Chứng khoán và các văn bản quy định chi tiết, đề xuất các giải pháp sửa đổi quy định về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp đảm bảo phù hợp với thực tế và cơ chế quản lý, giám sát đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ để đảm bảo thị trường phát triển ổn định, minh bạch, an toàn; khẩn trương báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch đã được phê duyệt đối với việc tuân thủ pháp luật về phát hành TPDN của các doanh nghiệp phát hành và các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn phát hành trước ngày 31/7/2022.
Các đơn vị như: Thanh tra Bộ Tài chính, UBCK, Vụ Tài chính ngân hàng và tổ chức tài chính và các đơn vị liên quan theo dõi sát danh sách các doanh nghiệp, tổ chức có dấu hiệu bất thường, phát hành dưới nhiều công ty con trong cùng hệ sinh thái của doanh nghiệp, phát hành với lãi suất cao, có dư nợ lớn so với vốn chủ sở hữu... để quản lý và thanh tra xử lý nghiêm; kiểm tra việc phát hành, giao dịch, cung cấp dịch vụ về TPDN; hoạt động xác nhận nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại các công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp phát hành.
Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ kế toán, kiểm toán; trường hợp có dấu hiệu vi phạm các quy định pháp luật về kiểm toán, chuẩn mực kế toán, kiểm toán, không đảm bảo tính độc lập, khách quan trong quá trình kiểm toán, vi phạm đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề khi cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính, các hồ sơ công bố thông tin của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Cục Quản lý giá tăng cường kiểm tra, giám sát các tổ chức cung cấp dịch vụ thẩm định giá, đảm bảo chất lượng thẩm định khi cung cấp dịch vụ thẩm định giá; đặc biệt cần chú trọng việc thẩm định giá các tài sản đảm bảo của doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp; trường hợp có dấu hiệu vi phạm phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Theo ông Phạm Xuân Hòe, Nguyên Phó Viện trưởng Viện chiến lược, Ngân hàng Nhà nước, về minh bạch thông tin, các nhà đầu tư nhỏ lẻ hiện hoàn toàn thiếu thông tin trên thị trường TPDN, trong khi thị trường đã chứng kiến sự bùng nổ trong 2 năm trở lại đây. Vấn đề này cũng bao hàm trách nhiệm của các chủ thể liên quan như doanh nghiệp phát hành, nhà đầu tư, các công ty trung gian dịch vụ nhưng hành lang pháp lý vẫn đang bỏ ngỏ. “Cần bổ sức nhanh quy định trách nhiệm cụ thể với các chủ thể trên, để nguồn thông tin trên thị trường được minh bạch, có sự ràng buộc, cam kết”, ông Phạm Xuân Hòe đề xuất.
Chuyên gia ngân hàng này cho rằng: Việc kiểm soát quá chặt chẽ dòng vốn và mục đích sử dụng vốn của doanh nghiệp phát hành trái phiếu là không khả thi. Nên cơ chế cần có sự thông thoáng, cởi mở nhất định. Về lâu dài, thị trường trái phiếu phải có thị trường thứ cấp, tức nhà đầu tư được mua đi bán lại. Kèm theo đó, tất cả các công ty đã phát hành trái phiếu phải được yêu cầu xếp hạng tín nhiệm và chịu trách nhiệm xếp hạng tín nhiệm liên tục.
Giải pháp nữa được ông Phạm Xuân Hòe đưa ra là doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm trên thị trường hiện nay còn ít. Vì vậy cần có dòng vốn cho các doanh nghiệp này phát triển, mà quan trọng là Chính phủ nên có ngân sách hỗ trợ các công ty xếp hạng tín nhiệm phát triển ổn định, có đủ tiềm lực mạnh mẽ góp phần thúc đẩy thị trường trái phiếu tăng trưởng.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên thị trường cũng như phát triển thị trường TPDN minh bạch, ổn định, thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tập trung triển khai các giải pháp nhằm quản lý chặt chẽ hoạt động phát hành và giao dịch TPDN; đồng thời điều hành linh hoạt, ổn định tâm lý thị trường.
Bộ Tài chính sẽ tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa thông qua tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường, tăng cường công khai, minh bạch thông tin của doanh nghiệp phát hành. Trên cơ sở Nghị định sửa đổi Nghị định số 153/2020/NĐ-CP được Chính phủ ban hành, Bộ Tài chính sẽ ban hành Thông tư hướng dẫn giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Theo đó, sau khi Thông tư được ban hành, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội sẽ triển khai hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành ngay thị trường giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ; thúc đẩy việc hình thành và hoạt động của các định chế đầu tư chuyên nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, thúc đẩy các định chế tài chính trung gian (doanh nghiệp bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí) tăng tiềm lực tài chính và mở rộng các sản phẩm dịch vụ để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi và tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân.
Bộ Tài chính sẽ rà soát, đánh giá mức độ phát triển của thị trường để kiến nghị cấp có thẩm quyền quy định bắt buộc xếp hạng tín nhiệm đối với TPDN phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ theo lộ trình. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất cơ chế khuyến khích các định chế trên thị trường tài chính ưu tiên đầu tư vào TPDN được xếp hạng cao.