Tử vong vì ăn tiết canh mùa dịch cúm gia cầm

Thời điểm hiện nay, người dân tuyệt đối không sử dụng gia cầm ốm chết, đặc biệt không ăn tiết canh gia cầm để tránh nguy cơ tử vong cao do nhiễm virút cúm gia cầm (A/H5N1 và cúm A/H7N9).


Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, thậm chí tử vong, do ăn tiết canh. Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN.

Trong cuộc họp khẩn mới đây giữa các bộ ngành về phòng chống chủng vi rút cúm gia cầm độc lực cao trên người, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặc biệt nhấn mạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền; giúp người dân nâng cao ý thức trong việc không sử dụng gia cầm không rõ nguồn gốc, nhất là không ăn tiết canh để tránh nhiễm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, trong đó có cúm gia cầm.


Theo các chuyên gia y tế, hiện nay, tuy chưa phát hiện thấy virút A/H7N9 song nguy cơ xâm nhập dịch bệnh này từ Trung Quốc vào Việt Nam là rất cao. Trong khi đó, dịch cúm A/H5N1 trên đàn gia cầm lại đang diễn biến phức tạp, nguy cơ lây lan bệnh dịch này trên người là hoàn toàn có thể.


Vậy nên, thời điểm này, nếu người dân vẫn giữ thói quen sử dụng gia cầm không nguồn gốc, không đảm bảo ăn chín uống sôi, nhất là ăn tiết canh sẽ rất nguy hiểm.


Tiết canh, bản chất là tiết sống của gà, vịt... được pha với nước mắm hoặc nước muối nhạt để chống đông trước khi trộn với những phần thịt, sụn băm nhỏ. Nhiều đấng mày râu rất thích ăn tiết canh vì đây là một món ngon, đưa rượu và tưởng rằng rất mát, bổ. Tuy nhiên, ngược lại, tiết canh tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây bệnh cho người sử dụng, nhất là tiết của các con vật đang nhiễm bệnh.


Điều đáng lưu ý, không phải gia cầm, thủy cầm nào nhiễm virút cũng có biểu hiện ốm, chết để “báo động” cho người chế biến. Mặt khác, virút cúm còn có trong phân, lông… nên khi tiếp xúc với gia cầm, thủy cầm mắc bệnh cúm, con người cũng có nguy cơ nhiễm bệnh do virút cúm xâm nhập qua hệ hô hấp...


Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khi nhiễm cúm A/H5N1, người bệnh có các triệu chứng giống như các bệnh cúm thông thường như: Sốt cao đột ngột, thường sốt liên tục trên 38 độ C, đôi khi rét run, mặt đỏ, đau đầu, đau mỏi cơ ở chân, tay, đau tăng lên khi ho, có thể đau quanh hốc mắt, có thể nổi hạch, ho hoặc ho khan, khó thở...


Đặc biệt, bệnh thường diễn biến nhanh dẫn đến viêm phổi nặng, suy hô hấp cấp, suy các phủ tạng và tử vong nếu không được phát hiện và xử lý kịp thời.


Thực tế, trong đợt dịch cúm A/H5N1 trên người trước đây (2003 - 2014), Việt Nam đã ghi nhận một số trường hợp tử vong do ăn tiết canh gia cầm nhiễm virút gây bệnh. Do đó, các chuyên gia y tế rất lo lắng, tiếp tục khuyến cáo người dân tuyệt đối không ăn tiết canh, để tránh nguy cơ tử vong do nhiễm virút cúm A/H5N1,A/H7N9, khi nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm trên người ngày càng hiển hiện.


Phương Liên
Cảnh báo người dân không ăn tiết canh, phòng bệnh liên cầu lợn
Cảnh báo người dân không ăn tiết canh, phòng bệnh liên cầu lợn

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đắk Lắk trên địa bàn tỉnh vừa có bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết, suy đa cơ quan, triệu chứng giống bệnh liên cầu lợn ở huyện Buôn Đôn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN