Theo kết quả nghiên cứu công bố ngày 25/3, một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU) đã phát hiện ra rằng một bản sao của gene IKBKB đột biến là nguyên nhân gây ra bệnh vẩy nến - một bệnh viêm da đặc trưng bởi các mảng vảy đỏ và ngứa khắp cơ thể.
Nghiên cứu cho thấy những bệnh nhân có hai bản sao của gene đột biến nói trên có thể bị viêm khớp vẩy nến, gây đau khớp, cứng khớp và sưng tấy.
Theo bà Chelisa Cardinez, đồng tác giả của nghiên cứu từ Trường Nghiên cứu Y khoa John Curtin của ANU, thông qua nghiên cứu trên chuột, nhóm các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng đột biến IKBKB gây ra chức năng bất thường trong các tế bào T điều hòa.
Trong một thông cáo báo chí, nhà nghiên cứu Cardinez giải thích: "Những tế bào T điều hòa thường được coi là 'người gác cổng' của hệ thống miễn dịch. Tuy nhiên, chúng tôi phát hiện ra rằng đột biến này làm thay đổi chức năng của các tế bào T điều hòa, khiến chúng trở thành tác nhân gây viêm và thúc đẩy sự khởi phát của bệnh".
Các nhà nghiên cứu hy vọng phát hiện mang tính đột phá này có thể giúp cải thiện việc chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh vẩy nến và viêm khớp vẩy nến.
Theo Psoriasis Australia - tổ chức phi chính phủ chuyên hỗ trợ bệnh nhân mắc vẩy nến ở Australia, trên 1,6 triệu người dân quốc gia châu Đại Dương đang sống chung với căn bệnh này, khoảng 30% trong số họ bị trầm cảm.
Một nghiên cứu quốc tế công bố năm 2021 cho thấy tỷ lệ lưu hành bệnh vẩy nến trên phạm vi toàn cầu là khoảng từ 2 - 3%, tỷ lệ này ở một số quốc gia Bắc Âu lên tới 11%.