Cô chia sẻ: “Điều quan trọng là phải giữ ý thức chăm sóc chính bản thân mình và không để bị thay đổi quá nhiều vì bệnh ung thư”.
Cũng bàng hoàng và chao đảo với “cơn sóng thần” cảm xúc khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vào năm 2019, cô Delphine Remy sinh sống ở Bỉ cuối cùng đã lấy lại được sự bình tâm để điều trị. Trong cuộc chiến “sinh tử”, cô Gloria King-Kirton ở Barbados đã không còn lựa chọn nào khác ngoài chấp nhận phẫu thuật cắt bỏ đôi vú.
Chia sẻ của những người phụ nữ từng chiến đấu với ung thư vú phần nào đem lại nhận thức về căn bệnh được mệnh danh là “sát thủ hàng đầu” đối với nữ giới, bởi ung thư vú có thể gây tử vong khi các khối u lan rộng khắp cơ thể và không được điều trị toàn diện. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 2,3 triệu trường hợp mắc bệnh ung thư vú mỗi năm, khiến đây trở thành căn bệnh ung thư phổ biến nhất ở nữ giới, gây ra hơn 685.000 ca tử vong. Ở hầu hết các quốc gia, ung thư vú là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu hoặc thứ hai do ung thư ở nữ giới hiện nay. Đến năm 2040, giới chuyên gia dự đoán mỗi năm trên toàn thế giới sẽ có hơn 3 triệu ca ung thư vú và 1 triệu ca tử vong. Tuy nhiên, nếu phát hiện sớm, điều trị sớm, tỷ lệ khỏi bệnh ung thư vú lên đến hơn 90%
Nhiều nước đã coi cuộc chiến chống “sát thủ” này là một trong những ưu tiên hàng đầu. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những rào cản nhất định khiến việc tầm soát và phát hiện sớm căn bệnh này gặp khó khăn ở không ít quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước có thu nhập thấp và trung bình. Đó là thiếu cơ sở vật chất và dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng, không có chương trình tầm soát định kỳ, thiếu kiến thức về các triệu chứng để phát hiện sớm. Bên cạnh đó là những rào cản về văn hóa, định kiến và quyền ra quyết định trong gia đình. Bởi vậy, tháng 10 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là tháng nâng cao nhận thức về ung thư vú trên toàn thế giới, hay còn được biết đến là “Tháng 10 nơ hồng”.
Để nâng cao tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư vú tại các nước thu nhập thấp và trung bình, WHO đã thiết lập khung Sáng kiến Toàn cầu giảm ung thư vú. Sáng kiến này cũng nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu số 3 (sức khoẻ và cuộc sống tốt) trong các mục tiêu phát triển bền vững 2030.
Sáng kiến đã vạch ra lộ trình để các nước có hệ thống y tế khác nhau có thể triển khai ngay lập tức các chiến lược chăm sóc bệnh nhân ung thư vú. Theo đó, WHO khuyến nghị 3 trụ cột, gồm phát hiện sớm, chẩn đoán kịp thời cũng như điều trị và chăm sóc toàn diện cho người bệnh. Nếu các nước trên thế giới triển khai sáng kiến này, WHO ước tính có thể đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong do ung thư vú trên toàn cầu 2,5% mỗi năm vào năm 2040, qua đó ngăn chặn khoảng 2,5 triệu ca tử vong. WHO đang hỗ trợ hơn 70 quốc gia triển khai sáng kiến, đặc biệt là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trong đó có Cote d’Ivoire, Kenya và Zimbabwe.
Ngoài 3 trụ cột trên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng sự hỗ trợ của gia đình và xã hội là yếu tố quan trọng giúp bệnh nhân ung thư vú giảm nguy cơ mắc bệnh lý đi kèm phổ biến là chứng rối loạn trầm cảm. Từng suy sụp tinh thần, không tin mình lại mắc bệnh Paget – một loại ung thư vú hiếm gặp ở độ tuổi 32, chính sự hỗ trợ và động viên của chồng và con gái đã trở thành nguồn động lực vô bờ bến đối với cô Lama Meer Yousef (Syria), tiếp thêm những suy nghĩ tích cực trong cô. Cô tâm sự: “Cách để tôi chống chọi với căn bệnh là sống vui vẻ để tận hưởng hạnh phúc từng giây phút bên mái ấm gia đình, mà không quá lo lắng về tương lai”. Còn với cô Delphine Remy, sự hỗ trợ cùng với nhận thức và đồng cảm của cộng đồng trong và sau điều trị đã tiếp thêm nghị lực để cô chiến đấu với bệnh tật.
Tại Malaysia, “Tháng 10 nơ hồng” năm nay có thêm sức mạnh mới với nhiều hoạt động gây quỹ ủng hộ bệnh nhân và sáng kiến nhằm nâng cao nhận thức về bệnh này. Hãng xe điện Sime Darby Motors của Malaysia có kế hoạch tổ chức chiến dịch vận chuyển bệnh nhân ở những vùng xa xôi hẻo lánh đến bệnh viện trung ương để điều trị.
Với “xứ sở chuột túi”, Cơ quan Y tế và Chăm sóc người cao tuổi Australia đã đưa ra sáng kiến mang tên “BreastScreen Australia”. Đây là một sáng kiến chung của Chính phủ Australia, các bang và vùng lãnh thổ nhằm giảm số ca mắc và tử vong do ung thư vú bằng cách phát hiện bệnh sớm. Theo sáng kiến này, phụ nữ trên 40 tuổi có thể chụp quang tuyến vú miễn phí 2 năm/lần. Phụ nữ từ 50 - 74 tuổi được mời đến các cơ sở y tế địa phương để sàng lọc ung thư vú.
Tại Mỹ, người dùng điện thoại có thể trải nghiệm ứng dụng “My Family Health: Cancer” (Sức khoẻ gia đình tôi: Ung thư), giúp thu thập tiền sử ung thư của gia đình mình để có thể hiểu được nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Đây là một phần của chiến dịch “Bring Your Brave” mà Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đang triển khai nhằm “xóa sổ” bệnh ung thư vú ở phụ nữ dưới 45 tuổi thông qua nhiều hoạt động khác nhau. Cơ quan này cũng đang triển khai bộ công cụ hướng dẫn trực tuyến nhằm thúc đẩy công bằng y tế trong khám và điều trị ung thư vú.
Nhận lại và trao đi, “Tháng 10 nơ hồng” cũng là tháng mà các bệnh nhân ung thư vú muốn lan truyền nguồn năng lượng tích cực và chia sẻ sắc hồng yêu thương. Để tri ân đến cộng đồng, cô Delphine Remy đã tạo blog cá nhân mang tên “Cancer? Je gère !” (Bệnh ung thư ư? Tôi kiểm soát được nó!) và viết cuốn sách cùng tên, chia sẻ những kinh nghiệm trong hành trình điều trị bệnh. Số tiền thu được từ bán sách cô quyên góp cho tổ chức nghiên cứu ung thư vú ở Bỉ. Sống sót sau khi mắc ung thư vú, cô King-Kirton hiện thường xuyên chia sẻ hành trình chiến đấu và chiến thắng căn bệnh của mình với những bệnh nhân khác. Cô kêu gọi mỗi người cần tự khẳng định nguồn sức mạnh nội tại của mình vì một tương lai khỏe mạnh hơn. Trong khi đó, sau đợt hóa trị thứ ba, cô Dianne Wilson quyết tâm trở thành nguồn động viên cổ vũ cho những phụ nữ cùng cảnh ngộ khác, bởi như cô tâm sự: “Căn bệnh này càng khiến tôi mạnh mẽ và rắn rỏi hơn”.