Rất dễ mắc bệnh sốt vàng nếu đến vùng có dịch

Bệnh sốt vàng do muỗivằn Aedes truyền bệnh, bệnh có biểu hiện giống với sốt xuất huyết, dễ gây biến chứng nặng, sốc nhiễm khuẩn.

Muỗi vằn Aedes truyền bệnh sốt vàng.

Hiện nay tại Việt Nam chưa có dịch sốt vàng lưu hành, tuy nhiên với điều kiện sẵn có véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn Aedes, lại có nhiều người thường xuyên qua lại với các nước đang có dịch lưu hành nên nguy cơ ghi nhận ca bệnh khá cao. Người dân cần có những kiến thức phòng chống để tránh mắc bệnh khi đến vùng có dịch.


Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh sốt vàng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút sốt vàng gây ra với tỷ lệ tử vong có thể đến 50%. Bệnh lây theo đường máu do muỗi vằn Aedes (muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết) đốt và hút máu người và động vật nhiễm bệnh, sau đó đốt và truyền vi rút cho người lành.


Bệnh thường phát sinh vào mùa mưa, khí hậu nóng (nhiệt độ trung bình tháng trên 20 độ C), là giai đoạn phát triển mạnh của loài muỗiAedes. Ở khu vực bệnh lưu hành, mọi chủng người đều có thể nhiễm vi rút sốt vàng, song nhóm người có nguy cơ cao hơn với bệnh là trẻ em và những người có nghề nghiệp phải thường xuyên phơi nhiễm cho muỗi tấn công đốt hút máu.


Biểu hiện của bệnh:


- Thời gian ủ bệnh: Từ 3- 6 ngày, có thể kéo dài hơn sau khi nhiễm vi rút gây bệnh. Bệnh nhân mắc sốt vàng có khả năng lây truyền bệnh từ trước khi sốt một vài ngày và sau sốt 3-7 ngày.


- Thời kỳ khởi phát bệnh: Bệnh nhân đột ngột sốt cao, kèm rét run, đau đầu, đau cơ toàn thân, mặt đỏ xung huyết, buồn nôn và nôn, mạch chậm và yếu, có vàng da nhẹ.


- Giai đoạn toàn phát: Bệnh nhân có dấu hiệu xuất huyết niêm mạc như: Chảy máu cam, máu mũi, nôn ra máu hoặc đi ngoài phân đen. Trường hợp nặng, bệnh nhân tổn thương nhiều phủ tạng, suy gan, suy thận, trụy tim mạch, vàng da vừa hoặc nặng, sốc nhiễm khuẩn. Tỷ lệ tử vong ở thể nặng từ 20%- 50%.


Cách điều trị bệnh:


- Bệnh sốt vàng hiện chưa có thuốc đặc trị.


- Bệnh được điều trị bằng phát hiện, chẩn đoán đúng bệnh, điều trị sớm. Chủ yếu điều trị triệu chứng như: Giảm sốt, giảm đau, chống xuất huyết; chống suy gan, thận; trợ tim mạch, chống dị ứng.


- Chú ý, chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện bội nhiễm vi khuẩn, hạn chế tối đa các biến chứng muộn.


Cách phòng bệnh:


Hiện nay bệnh sốt vàng đã có vắc xin phòng bệnh. Để chủ động phòng chống, không để mắc bệnh sốt vàng khi đến các vùng có dịch và các biến chứng nặng của bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân, đặc biệt là những người đi đến vùng dịch thực hiện tốt các biện pháp như:


- Người đến quốc gia khu vực châu Phi và Mỹ La tinh chủ động đến cơ sở y tế để tiêm vắc xin phòng bệnh sốt vàng ít nhất 10 ngày trước khi đi đến vùng có dịch để có miễn dịch suốt đời phòng bệnh sốt vàng


- Khi đến, ở trong vùng dịch tại các nước đang có dịch cần chủ động thực hiện các biện pháp xua muỗi và phòng phòng muỗi đốt.


- Người từ các nước đang có dịch về Việt Nam nên chủ động theo dõi sức khỏe ít nhất 7 ngày sau khi trở về; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh, hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.


TN/Báo Tin tức
Thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia để khống chế dịch sốt xuất huyết
Thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia để khống chế dịch sốt xuất huyết

Ngày 6/3, tại xã Vĩnh Lương (Nha Trang) đã diễn ra Lễ triển khai thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia dự phòng lây truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (SXH).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN