Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, việc phòng bệnh trong trường học đã được thực hiện từ đầu mùa dịch đến nay, Bộ Y tế cũng đã xây dựng sổ tay hướng dẫn phòng dịch với từng đối tượng cụ thể như: Cha mẹ học sinh, học sinh, cán bộ nhà trường, khách đến thăm… cần làm gì để ngăn chặn dịch lây lan trong cộng đồng... Biện pháp chung nhất vẫn là tất cả thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn, khử khuẩn...
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng chú ý, ở trường các hoạt động ngoài trời giữa các nhóm học sinh thì cần đeo khẩu trang để phòng bệnh.
Để phòng bệnh hàng ngày cho học sinh các trường sẵn sàng chỗ rửa tay, nước sát khuẩn tay nhanh. Mỗi học sinh cũng có thể tự trang bị nước sát khuẩn cá nhân để mang đến trường học.
Trước khi học sinh đến trường phải rửa tay để tay được sạch sẽ, không bám vào dụng cụ khác lây cho mọi người nếu có mầm bệnh.
Khi cảm thấy tay bị ô nhiễm thì những người trong trường học cần thực hiện sát khuẩn ngay, nếu không có gel thì có thể rửa bằng xà phòng làm trôi hết chất bẩn.
Việc khử khuẩn ở trường học chủ yếu như: Lau chùi bàn ghế, cầu thang... cần thực hiện đều đặn hàng ngày.
Việc thực hiện nguyên tắc 5K phòng dịch là: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế không chỉ thực hiện bên ngoài cộng đồng mà cả trong trường học cũng hết sức đúng đắn.
Trong trường học, học sinh, giáo viên cũng lưu ý cần biết được mặt ngoài, mặt trong của khẩu trang và lưu ý không sờ tay vào bề mặt khẩu trang, đây là động tác nguy hiểm dễ làm lây nhiễm bệnh.Việc tháo khẩu trang cũng cần đúng cách, không nên cầm vào bề mặt khẩu trang mà chỉ cầm vào dây đeo.
Đặc biệt, khẩu trang cần thải bỏ sau khi dùng 1 lần hoặc với khẩu trang vải cần giặt sạch cho lần dùng tiếp theo.