Đồ uống có cồn - Lợi bất cập hại

Ở thời điểm năm mới 2025 bắt đầu, chiến dịch Dry January (Tháng Giêng không dùng đồ uống có cồn) cùng cảnh báo của Tổng Y sĩ Mỹ về số ca tử vong do ung thư liên quan đồ uống có cồn đã làm nổi bật một thực tế đáng lo ngại: mối liên hệ giữa đồ uống có cồn và nguy cơ ung thư.

Quan niệm lâu nay rằng dùng đồ uống có cồn ở mức vừa phải có lợi cho sức khỏe tim mạch, giờ đây đã bị bác bỏ bởi những nghiên cứu hiện đại, cho thấy rằng việc tiêu thụ đồ uống có cồn ở bất kỳ mức độ nào cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn là lợi ích.

Theo Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy, đồ uống có cồn không chỉ làm tăng nguy cơ ung thư vú, đại tràng, trực tràng, gan, miệng, họng và thực quản, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến cách cơ thể tự sửa chữa tổn thương tế bào. Khi được tiêu thụ, đồ uống có cồn chuyển hóa thành acetaldehyde - một chất gây hại ADN, làm gián đoạn quá trình sửa chữa tế bào, tạo điều kiện cho các tế bào ung thư phát triển. Hơn nữa, acetaldehyde thúc đẩy quá trình oxy hóa, gây viêm nhiễm trong cơ thể và tăng khả năng hấp thụ các chất gây ung thư từ thuốc lá, đồng thời kích thích sản sinh hormone estrogen, khiến nguy cơ ung thư vú và buồng trứng ở phụ nữ tăng cao.

Không chỉ các cơ quan trực tiếp tiếp xúc với đồ uống có cồn như miệng, thực quản và dạ dày chịu tổn thương, mà cả gan và tuyến tụy cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Gan, nơi chuyển hóa đồ uống có cồn, phải đối mặt nồng độ acetaldehyde cao, dẫn đến viêm mãn tính và xơ gan - một yếu tố nguy cơ lớn của ung thư gan. Tuyến tụy, vốn đã nhạy cảm, cũng dễ bị viêm nhiễm và tổn thương, làm tăng khả năng mắc ung thư tuyến tụy.

Trong nhiều năm qua, việc sử dụng đồ uống có cồn ở mức vừa phải từng được cho là có lợi cho sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây chỉ ra rằng những lợi ích này chỉ là "ảo giác" do lỗi thống kê. Các nghiên cứu trước đây thường so sánh mức độ sử dụng đồ uống có cồn ở một thời điểm cụ thể, mà không tính đến các yếu tố như trình độ học vấn, thu nhập hay khả năng tiếp cận y tế - những điều thường đi đôi với sử dụng đồ uống có cồn ở mức vừa phải. Khi điều chỉnh các yếu tố này, lợi ích từ đồ uống có cồn gần như biến mất. Thêm vào đó, hầu hết các nghiên cứu không bao gồm người trẻ tuổi, mặc dù gần 50% số ca tử vong liên quan đến rượu xảy ra trước tuổi 50, khiến kết quả dễ bị thiên lệch về những người sống qua tuổi trung niên và không gặp vấn đề nghiêm trọng do đồ uống có cồn.

Một cách tiếp cận mới để kiểm tra mối liên hệ giữa đồ uống có cồn và sức khỏe là sử dụng dữ liệu di truyền. Những người có biến thể gene khiến họ không thích dùng đồ uống có cồn thường có nguy cơ mắc bệnh tim thấp hơn. Điều này làm suy yếu thêm giả thuyết rằng đồ uống có cồn có lợi cho sức khỏe tim mạch.

Xu hướng giảm tiêu thụ đồ uống có cồn đang được ghi nhận trên toàn cầu. Nhiều quốc gia như Anh, Pháp, Đan Mạch, Hà Lan và Australia đã hạ thấp khuyến nghị về mức tiêu thụ rượu, trong khi Ireland sẽ áp dụng quy định dán nhãn cảnh báo ung thư trên các sản phẩm đồ uống có cồn từ năm 2026. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bằng chứng khoa học ngày càng cho thấy đồ uống có cồn liên quan đến hơn 200 vấn đề sức khỏe, từ ung thư, bệnh tim mạch đến chấn thương.

Hướng dẫn dinh dưỡng tại Mỹ vẫn khuyến nghị nam giới không uống quá hai ly đồ uống có cồn mỗi ngày và phụ nữ không quá một ly, nhưng các chuyên gia như tiến sĩ Timothy Naimi khẳng định rằng ngay cả lượng đồ uống này cũng không thực sự an toàn. Thông điệp đơn giản và rõ ràng nhất được rút ra từ các nghiên cứu là: càng dùng ít đồ uống có cồn, sức khỏe càng được bảo vệ tốt hơn.

Thanh Phương (TTXVN)
Báo động số ca tử vong do ung thư liên quan đồ uống có cồn
Báo động số ca tử vong do ung thư liên quan đồ uống có cồn

Tiêu thụ đồ uống có cồn là nguyên nhân dẫn đến khoảng 100.000 ca ung thư và 20.000 ca tử vong liên quan đến ung thư mỗi năm tại Mỹ, đó là cảnh báo được Tổng Y sĩ Mỹ Vivek Murthy đưa ra ngày 3/1. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN