Theo đó, 7 bệnh nhân bị ngộ độc do ăn một loại nấm lạ có hình dạng giống nấm mối. Họ là người trong cùng gia đình, gồm 5 người lớn: Bà Hồ Thị Thiết (53 tuổi), Hồ Thị Nga (con dâu, 30 tuổi), Hồ Thị Hoa (con gái, 24 tuổi), Hồ Văn Suối (cháu trai, 25 tuổi), Hồ Minh Tuệ (con trai, 25 tuổi); cùng 2 cháu bé là Hồ Thị Kim Ngân (cháu ngoại của bà Thiết, 2 tuổi) và Hồ Thị Phương Dung (cháu nội, 3 tuổi).
Cả 7 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, nôn ói và đi ngoài lỏng gây mất nước nặng, được chẩn đoán là bị ngộ độc thức ăn. Trước đó, những người này đều ăn một loại nấm không rõ tên được hái từ rừng. Anh Hồ Minh Tuệ (25 tuổi) cho biết, tối 12/10, trên đường đi xúc lúa về, anh thấy rất nhiều nấm mọc ở bìa rừng. Nghĩ đây là nấm mối nên anh Tuệ đã hái về để nấu bữa tối cho cả nhà. “Khoảng 20 giờ ngày 12/10 tôi mang nấm về nhà nấu, ai cũng ăn nhiều vì thấy ngon. Nhưng đến khoảng 23 giờ cùng ngày thì tất cả mọi người trong gia đình đều có dấu hiệu đau bụng, nôn ói, rồi đi ngoài. Tôi phải gọi hàng xóm đưa đi cấp cứu giúp ở Trạm y tế xã, rồi chuyển lên Trung tâm Y tế huyện, đến sáng 13/10 thì chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh”, anh Tuệ cho hay.
Bác sĩ Lâm Thị Bích Hồng, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi cho biết, hiện tại sức khỏe của cả 7 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và đang tiếp tục điều trị, bù nước. Tuy nhiên, cần nằm điều trị vì các triệu chứng do ngộ độc nấm đã làm cơ thể các bệnh nhân kiệt sức, choáng nặng do mất nước trầm trọng.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều khuyến cáo, người dân tuyệt đối không ăn nấm lạ, nấm dại, kể cả nấm màu trắng; không ăn thử khi chưa xác định được là nấm an toàn hay nấm độc. Tại Quảng Ngãi đang là mùa mưa, độ ẩm cao, thuận lợi cho các loại nấm sinh trưởng, phát triển. Đây cũng là thời điểm thường xảy ra các vụ ngộ độc do nấm.
Do vậy, để hạn chế những vụ ngộ độc đáng tiếc, người dân cần có kiến thức nhận diện các loại nấm. Thông thường các loại nấm độc nhiều màu sắc hơn, có đốm nổi lên, trên mũ nấm có những hạt nổi hay vằn màu đỏ hay màu tạp, có rãnh, vết nứt, có vòng quanh thân… khi hái sẽ có nhựa chảy ra.
Khi sơ cứu các trường hợp bị ngộ độc nấm, cần phải gây nôn cho bệnh nhân, rồi chuyển đi cấp cứu ở trung tâm y tế gần nhất để chữa trị kịp thời. Những người cùng ăn nấm dù chưa có biểu hiện triệu chứng cũng đến cơ sở y tế; mang mẫu nấm hoặc thức ăn chế biến từ nấm còn lại tới cơ sở y tế để sơ bộ xác định loài nấm.