Lạ. Trong khi nhiều người ngày càng chọn cho mình những cái áo cách tân “mô đen” hiện đại, lắm lúc trở nên “dị hượm” quá đà, thì vẫn còn nhiều chiếc áo bà ba trên dòng sông Hậu như lời một bài hát rất nổi tiếng ở miền Tây.
Tôi chợt nhớ về những chiếc áo bà ba ở quê mình mấy mươi năm về trước. Áo bà ba đủ sắc màu, đủ chủng loại vải, đủ kiểu may có mặt thường xuyên trong các đám cưới, hỏi, tang ma, lễ hội; những buổi ra đồng sạ lúa, cấy, gặt; những lúc hẹn hò trai gái lứa đôi trong những đêm xem chiếu bóng lưu động, cải lương, văn công, những ngày cúng đình rộn rã. Áo bà ba có mặt trên những dòng sông ngang dọc quê hương, trên những chiếc ghe hàng thân thuộc... đi kèm với hình ảnh chiếc nón lá che nghiêng, khăn rằn quấn cổ, đôi guốc mộc xinh xinh.
Giờ đây, ngoại trừ những chiếc áo bà ba tôi gặp trong tiệc cưới ở Hậu Giang, thì sao hiếm hoi quá khi muốn tìm lại những chiếc áo bà ba thân thương, giản dị, chung thủy một đời với nét duyên của người con gái Nam Bộ. Có chăng là trong các khu du lịch sinh thái miệt vườn, trong các tiết mục văn nghệ trên sân khấu, trong các bộ phim có bối cảnh nông thôn xưa...
Buồn lắm khi bắt gặp những chiếc áo bà ba trong các nhà hàng, quán nhậu với những người con gái sặc mùi son phấn, cụng rượu bia sành điệu, ngả ngớn đi lại. Nhiều người con gái bây giờ xem áo bà ba là quê mùa nên trở nên xa lạ thậm chí coi thường chiếc áo một thời đi vào thơ, ca, nhạc, họa, điện ảnh, sân khấu và luôn là niềm cảm hứng bất tận cho những ai đam mê văn học nghệ thuật.
Thời buổi hiện đại mà. Biết là vậy mà cứ nghe lòng tiêng tiếc lắm thay, bởi tìm đâu chiếc áo bà ba trong cuộc sống bon chen bây giờ?