Bếp nhìn về hướng tây, biệt lập và vuông góc với nhà chính. Ngày đẹp, mấy người họ hàng đến trộn rơm với bùn và vôi làm tường vách. Để có những bó rạ dài lợp mái, ông tôi đích thân chọn mua rạ giống lúa cũ cao đến bụng. Chỉ một tuần là hoàn thành. Trong bếp có thùng hình chữ nhật để đựng trấu, rơm rạ hay củi. Ông chọn những cây tre đực chắc chắn làm gác bếp. Khéo tay nên ông đan rổ rá, giàn sàng đều đẹp.
Đan xong, ông gác lên gác bếp lâu lâu để bồ hóng bắt vào vàng óng rồi mới đem dùng. Bếp là sức sống, sự no đủ của mỗi nhà. Vì thế, việc làm đầu rau với ông là rất kỳ công. Ông tìm tảng đất khấu để góc sân khô rồi nặn hai bộ đầu rau xinh xắn. Thấy ông ở giữa mập hơn, tôi thắc mắc. Ông chậm rãi kể cho chị em tôi Sự tích ông đầu rau. Truyện kể về hai ông và một bà thật tình nghĩa. Theo tín ngưỡng thì đó là 3 vị Táo quân, người trông nom bếp núc mỗi gia đình. Khi đun nấu, tùy nồi to nhỏ có thể dịch chuyển hai ông bên cạnh, nhưng tuyệt đối không dịch chuyển bà. Ngày 23 tháng Chạp hàng năm, Thổ công lên chầu Trời tâu bày mọi việc xấu tốt của gia chủ. Nếu chủ nhà là người nhân hậu, làm nhiều việc tử tế thì Trời sẽ thưởng cho sức khỏe, được sống lâu. Nếu chủ nhà làm nhiều việc ác, việc xấu sẽ bị Trời rút ngắn thời gian tồn tại trên dương thế. Kể xong, ông bảo chị em tôi không bao giờ được làm điều ác. Càng lớn tuổi, tôi càng thấy sự thâm thúy của cổ nhân về lẽ sống qua những câu chuyện tưởng như chỉ là tín ngưỡng.
Bếp còn là nơi thể hiện sự đảm đang của người phụ nữ. Có câu: “Nhìn bếp, biết nết đàn bà”. Thế nên, người đun bếp xong bao giờ cũng dọn dẹp, sắp xếp cho ngăn nắp và phòng hỏa hoạn. Tất nhiên bây giờ, bếp có gọn sạch cũng còn do cả đàn ông nên mới có câu: “Nhìn bếp, biết nếp gia đình”. Bếp là nơi mẹ dạy con gái nấu cơm dẻo, canh ngọt. Cũng có khi, bếp là nơi mẹ chồng thử con dâu. Tôi còn nhớ câu chuyện ở quê tôi: Bà mẹ chồng trước khi ra khỏi nhà, dặn nàng dâu mới luộc rau:“Cải tái, cần nhừ”. Đến bữa, không ai ăn nổi cái món rau cần nhũn toét. Lúc ấy, con dâu ngượng chín mặt khi biết mẹ chồng thử mình. Cũng may, cô thật thà nhận lỗi và chăm chỉ học mẹ chồng nấu nướng rồi thành dâu đảm. Bây giờ ăn lẩu, không chỉ cần mà cải cũng phải tái. Mới biết khẩu vị ăn uống cũng theo từng thời đại!
Bếp còn là nơi ấm cúng của mỗi gia đình. Nhà tôi cũng vậy. Khi con cháu quây quần bên chiếc mâm chõng, ông nội thường dạy những điều hơn, lẽ phải, cách cư xử với mọi người. Từ việc xới cơm, người ngồi đầu nồi không để đũa cả quay vào trong phía mâm cho đến việc chan canh phải đặt đũa xuống mâm, không được húp thành tiếng. Những bài học vỡ lòng ông tôi dạy đã theo tôi suốt cuộc đời để sống cho đúng mực. Bà tôi thì lại nhẹ nhàng dạy con cháu bằng ca dao, tục ngữ. Đó là vốn sống cho tôi tậm tạnh viết lách.
Mùa đông rét như dao chích dùi đâm, ai làm đồng về cũng vào bếp, hươ tay trên ngọn lửa rạ bập bùng. Chỉ một lúc là ấm lại. Bếp còn là nơi tôi học được cách xếp ông đầu rau cho vừa nồi, là nơi tôi ngồi học bài ôn thi mỗi sớm, là nơi chị em tôi lấy que cời khều những hạt bỏng nổ trắng tinh từ những sợi rơm vàng óng ngày mùa. Có khi là củ khoai, củ sắn vùi trong trấu thơm nức. Có khi là nồi cá đồng lụn vụn mẹ cặm cụi tát ở những vũng ruộng kho với chay trong niêu đất vùi trấu khô rang, thơm nức. Hình ảnh gương mặt hiền từ trong ánh lửa bập bùng mỗi khi gà gáy mẹ đun nấu đồ ăn thức uống cho cả nhà mãi khắc sâu trong tâm trí tôi.
Cuộc sống hiện đại bận rộn, nhiều gia đình để các thành viên tùy nghi di tản, có khi cả tuần mới có bữa cơm sum họp. Khi cha mẹ cho tiền ăn, có trẻ chỉ ăn chiếc bánh mỳ khô khốc, dành tiền chơi điện tử hay sa ngã vào các tệ nạn xã hội. Cha mẹ biết thì đã muộn. Chỉ vì coi thường bữa cơm gia đình mà nhiều tổ ấm thành “tổ lạnh”, thậm chí xẻ đàn tan nghé.
Mới biết, căn bếp và bữa ăn vô cùng quan trọng bởi đó chính là giá trị gia đình.
Bây giờ bếp nhà tôi hiện đại không kém phố, nhưng mỗi khi nhớ về căn bếp cũ mèm lợp rạ, với những bữa ăn nồng nàn tình yêu thương lại thấy lòng man mác, bồi hồi.