Người thương binh tên Chương ấy chỉ còn một bàn tay khi trở về từ chiến trường biên giới Việt-Trung. Ông lấy người con gái hậu phương đã thủy chung đợi ông suốt mấy năm. Có được với nhau hai mặt con, một trai, một gái, may sao cả hai đứa đều mạnh khỏe. Mấy năm đầu trở về từ chiến trường, những cơn đau trong cơ thể lúc trở trời khiến ông hầu như không giúp gì được cho vợ. Cho đến khi thằng cả được mười tám tuổi thì vợ ông qua đời. Từ đấy ông sống trong cảnh gà trống nuôi con, hai đứa con thì đang tuổi ăn tuổi học, tay ông chỉ còn một bàn, lại già rồi, nhiều hôm chẳng trở trời vết thương cũng vẫn đau.
Nhiều đêm ông ngồi một mình giữa đêm trăng và nghĩ ngợi mông lung lắm. Càng nghĩ ông càng thấy thương người vợ khi còn sống đã phải vất vả, tần tảo sớm hôm để làm chỗ dựa cho một người tàn phế như ông, để quán xuyến lo mọi công việc gia đình suốt bao nhiêu năm tháng. Càng nhớ vợ, ông càng nghĩ mình không thể cứ ngồi đó với cơn đau trong người, để tương lai của hai đứa con mù mịt. Nhất định ông phải thay vợ đứng ra gánh vác gia đình, chăm lo cho hai đứa con học hành tử tế. Chúng nó còn phải vào Đại học, còn phải lấy vợ, lấy chồng. Cuộc đời còn rất dài, ông muốn sống làm sao để vợ ông mỉm cười nơi chín suối. Khó khăn của ông cũng là khó khăn chung của nhiều thương binh sau khi trở về từ chiến trường. Hội Cựu chiến binh cũng luôn động viên nhau cố gắng sống theo lời dạy của Bác Hồ “Thương binh tàn nhưng không phế”. Ông biết vậy nhưng khó lắm, đã một tuần nay ông ngồi nghĩ nát óc vẫn không làm sao nghĩ ra cách làm ăn để thu nhập cao hơn. Khổ thì ông không sợ, nhưng khổ mãi mà cuộc đời vẫn không khá thì ông thương các con lắm, chúng nó thiếu thốn trăm bề.
* * *
Hễ cứ thấy hội Cựu chiến binh, hay hội Phụ Nữ có cuộc họp bàn cách làm giàu nào là ông cũng lóc cóc cuốc bộ đến ngồi nghe. Nhưng nghe mãi mà cái tai vẫn chưa thủng, vẫn chỉ thấy lơ mơ, thấy chung chung. Vẫn chưa đi đến những vấn đề cụ thể, những kỹ thuật chi tiết, rồi vốn liếng trong nhà ít ỏi thì lấy ở đâu ra mà xây dựng những mô hình ấy? Nhưng từ hôm trên ti vi có chương trình dạy nhà nông làm giàu với nhiều mô hình mới, cách hướng dẫn cũng rất cụ thể thì ông ham lắm. Một hôm ông thấy trên ti vi dạy bà con chăn nuôi quay vòng, ông chăm chú theo dõi mừng vui ngang bắt được vàng. Đêm ấy, ông không tài nào chợp mắt nổi, ông lại nghĩ đến bà. Ông mong bà ở thế giới bên kia phù hộ độ trì cho ba cha con ông làm ăn, học hành thoát khỏi cảnh đầu tắt mặt tối quanh năm mà vẫn nghèo khổ. Ông nghĩ và khấp khởi mừng.
Trên chương trình tivi hôm ấy họ nói hay lắm, vừa hay vừa ngắn gọn, ông nghe như nuốt lấy từng lời. Họ bảo muốn chăn nuôi cũng không hẳn phải có nhiều vốn bỏ ra, có ít thì quy mô nhỏ hơn. Mà họ dạy đến là hay, ông xem ra nếu mà thực hiện như họ dạy thì ông cũng chẳng cần vay mượn. Lúc này chưa có vốn thì ông sẽ nuôi ít, rồi sau lấy đàn đầu bán đi mua thêm nhiều con giống khác. Cứ thế mà sinh sôi, nảy nở rồi cũng đầy đàn, cũng chật vườn chuồng.
Mới mờ sáng hôm sau ông đã vùng dậy, lấy hộp đồ nghề ra sửa lại chiếc xe cà tàng để đạp lên chợ huyện. Trước khi đi ông lại sau cái cột gỗ to ở gian buồng lấy ra một chiếc túi vải, bên trong có mấy chỉ vàng. Đấy là toàn bộ gia tài suốt gần hai mươi năm vợ ông chi tiêu dè xẻn để tích cóp, như thể bà ấy biết trước rằng mình sẽ ra đi sớm, bỏ lại hai đứa con chưa đủ khôn lớn, và một người chồng thương binh, tàn tật. Ồng đặt túi vải lên ban thờ rồi thắp hương cho vợ, ông muốn xin phép bà được dùng đến số tiền tích cóp ít ỏi này để làm ăn, và cũng cầu xin bà phù hộ cho bố con ông.
Đường lên chợ huyện rất xa, ông phải đạp xe từ sáng sớm tới trưa mới đến chợ. Bên tay giả của ông mỏi nhừ, thi thoảng còn lên cơn co giật, dù rất mệt nhưng cứ nghĩ đến các con và cái mô hình chăn nuôi ông đang dự định trong đầu là dường như mọi mệt mỏi đều không còn nữa. Sau khi bán mấy chỉ vàng xong, ông vội vã vào chợ chọn đi chọn lại được hơn trăm con vịt giống. Ông khấp khởi mừng thầm khi nghĩ rằng ông sẽ bắt đầu mô hình chăn nuôi khép kín từ đàn vịt này. Lo xong vịt giống, ông lại tìm quanh xã chọn lấy mấy chục con gà mái đẻ. Nhưng như thế vẫn chưa ổn, ông quyết định mua thêm ít cá giống thả xuống mấy sào ao trước nhà bị bỏ phí từ mấy năm nay. Xong xuôi mọi việc, ông dặn hai con ở nhà thay ông chăm sóc đàn giống hai hôm, để ông xuống tận Đông Anh- Hà Nội. Ở đấy có một cơ sở của công ty cổ phần dịch vụ chuyên cung cấp các giống giun, và kỹ thuật nuôi giun.
Chẳng mấy chốc khu vườn nhà ông đã được dọn dẹp lại để dựng lên một khu nhà có mái che, một phần ông dùng để làm chuồng trại nuôi gà, vịt. Còn một phần ông để nuôi giun. Từ ngày quyết định đầu tư chăn nuôi ông bận rộn hẳn ra nhưng lại vui, làm việc suốt ngày mà không thấy nản, không thấy chán. Ông áp dụng mô hình chăn nuôi quay vòng mà anh “nhà đài” đã nói. Ấy là tận dụng rác thải phân trâu, bò, gà vịt để làm nơi trú ngụ và sinh sản cho giun. Lấy sắn, ngô làm thức ăn cho giun. Rồi lại lấy giun cho gà vịt ăn, thậm chí cho cả cá ăn. Mà cái giống gà mà đã ăn giun thì đẻ đến là đều và quả nào quả ấy to tròn lung lủng. Nhìn mà thích mắt.
Lứa vịt đầu tiên lớn nhanh, ông bán đi và quyết định đầu tư thêm ngan, vịt và mấy chục mái gà để nuôi đẻ trứng. Dù chỉ còn một bàn tay nhưng tất tật mọi việc ông đều làm đâu vào đấy. Thi thoảng hai đứa con đi học về cũng phụ giúp bố lùa đàn ngan vịt xuống ao tắm mát, hay đi nhặt trứng gà, trứng vịt, đợi người đến mua thì bán. Thằng cả thấy bố dạo này lại vui vẻ hơn nên hay tếu táo:
-Cứ nuôi mà lãi thế này thì con chẳng việc gì phải thi cử gì cả bố nhỉ? Hay bố cứ cho con ở nhà phụ giúp bố cho bố đỡ vất vả. Con thấy đi nhặt trứng vịt nhàn hơn việc học hành nhiều.
Ông lắc đầu bảo:
-Thằng cả nghĩ thế là sai đấy nhé. Mày tưởng nuôi được vịt đẻ trứng mà nhàn đấy à con? Này! Bố bảo, không phải ai cũng “canh tác” được giun như bố đâu đấy nhé.
Con út ngồi đếm trứng ở góc vườn nghe vậy cười hì hì, từ ngày ông chăn nuôi được, bữa cơm cũng đầy đủ chất hơn trước nên trông da dẻ con bé hồng hào hẳn lên. Chứ mọi bận nhìn nó gầy ốm, xanh xao ông xót lắm. Con gái đến tuổi dậy thì mà cứ khô đét như con cá mắm, thật chẳng giống mẹ nó chút nào. Nhắc đến bà ông lại thấy ngậm ngùi.
Có những buổi chiều, khi thăm nom chuồng trại, cho gà vịt ăn uống xong xuôi ông ngồi một mình nhìn ra cánh đồng mênh mông của làng quê mà thấy sao buồn lạ. Quê ông vẫn còn nghèo lắm. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà tháng ba ngày tám vẫn còn phải lên chợ huyện đong thóc về ăn. Thời tiết thì càng ngày càng khắc nghiệt, hết ngập lụt lại hạn hán kéo dài, nhiều khi có trông trời cũng không tránh nổi mùa què, mùa cụt. Đấy là chưa kể con cái học hành, lại hết dịch này đến dịch khác. Thì gia đình ông cũng đã mấy chục năm nay vẫn chưa thoát khỏi cái nghèo cái khổ đấy thôi.
* * *
Đêm nay là Rằm trung thu, trăng tròn vành vạnh. Thằng cả đã hì hụi làm cho con út cái đèn ông sao để tối đi chơi với lũ trẻ con trong xóm. Sau khi phá cỗ trung thu cùng các con xong, ông định bụng trải chiếu giữa sân nằm ngủ một giấc để sớm mai dậy sớm đi nhặt trứng thì mấy bác xung quanh xóm sang chơi. Họ đánh tiếng trêu đùa từ ngoài cổng:
-Thế nào! Anh “canh tác” giun năm nay đón trung thu có to không, mấy anh em đang bảo sang nhà bác phá cỗ với nào?
Ông cười lớn, nhổm dậy vừa đi pha ngay ấm trà vừa bảo:
-Mấy bố con tôi lớn cả rồi, ăn trung thu gọi là có cho các cháu nó đỡ tủi thân ấy mà. Thế hôm nay các cô ấy lại thả rông cho các chú thế cơ à?
Một bác râu tóc rậm rịt cười bảo:
-Đang bảo sang bác hỏi xem bác canh tác giun và nuôi vịt đẻ trứng như thế nào để chúng em còn học tập chứ cứ một năm hai vụ lúa thế này thì khéo đói mất bác ạ. Mà đã nói là đi bàn việc làm ăn thì mấy mụ ấy cứ gọi là mừng rơn ấy chứ bác.
Ông trải chiếu giữa sân bảo:
-Ngồi xuống đi, cứ ngồi xuống hết đi, làm chén chè cái đã rồi bàn gì ta bàn sau. Cũng không đến nỗi khó khăn lắm đâu, chỉ sợ các chú không dám nghĩ dám làm thôi.
Một người trong số họ bảo:
-Xin bác cứ dạy bảo bọn em. Vất vả thì bọn em không sợ.
Ông lại bảo:
-Vất vả không sợ thì không có gì không làm được hết. Rồi tôi sẽ truyền lại kỹ thuật cho tất cả những ai muốn chăn nuôi theo mô hình quay vòng. Nếu cần thiết tôi sẽ bỏ hẳn vài buổi ra chỉ cho các chú và cũng sẽ tìm mối tiêu thụ cho nhiều hộ gia đình. Còn bây giờ làm hớp nước chè cho nó ngọt giọng cái chứ nhỉ?
Từ tối hôm ấy đến hết một tuần sau, tối nào nhà ông cũng đông khách đến hỏi thăm cách làm ăn. Nhiều khi để tránh ầm ĩ cho hai con ôn học, ông đành hẹn mọi người ra nhà văn hóa bàn bạc. Dù ngày làm vất vả, tối không được ngủ sớm nhưng ông thấy vui vẻ vì đã giúp cho bà con, những người đã cùng ông trải qua biết bao nhiêu cái cơ cực của cuộc đời. Rồi xóm làng ông ai cũng sẽ biết làm ăn, thậm chí còn tìm ra nhiều cách làm ăn mới, hiệu quả hơn cả cái mô hình mà ông đang làm. Ừ! Rồi thì cuộc sống cũng khấm khá hơn. Ông luôn tin vào điều đó.
Mỗi sáng thức dậy, nhìn mấy trăm con vịt đẻ, mấy trăm quả trứng trắng tinh đàn vịt đẻ khắp vườn, lòng ông khấp khởi vui. Ao cá lại sắp đến kỳ tháo bán, ông tính đợt này riêng cá ở mấy sào ao cũng lãi vài chục triệu là ít. Ông sẽ lấy tiền ấy làm vốn chăn nuôi tiếp, nếu cần thiết ông sẽ thuê thêm người giúp việc để dành thời gian cho hai con ăn học. Suy cho cùng thì chúng mới chính là tài sản quý nhất của cuộc đời ông, dù phải vất vả thế nào ông cũng cố gắng nuôi chúng nó học hành tử tế nên người. Ông nghĩ và nhìn về phía đông, nơi ấy mặt trời bắt đầu mọc…
Vũ Thị Huyền Trang