Một ngày đẹp trời, chúng tôi về thăm xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Trong đoàn đi thực tế về vùng đất ven biển lần này có nhạc sĩ Hà Thủy. Quen biết nhau đã lâu, ông thường tâm sự với biết bao chuyện buồn vui về thôn Ba Ra – làng Lỗ Trường (nay là thôn Toàn Thắng, xã Thụy Trường); nơi ông cất tiếng khóc chào đời trong ầm ào sóng vỗ ở vùng cửa biển. Trong tâm hồn nhạy cảm của người nhạc sĩ già vẫn còn in đậm nhiều kỷ niệm về vùng quê nơi có cửa sông Hóa Giang đổ ra Biển Đông. Tôi bỗng nghe ông đọc câu ca:
“Cùng là con mẹ con cha
Sinh ra ở đất Ba Za – Lỗ Trường”.
Đọc xong, ông cười rất vui và chỉ tay ra phía biển, theo hướng tay ông, tôi chỉ thấy bạt ngàn của một màu xanh của rừng chắn sóng. Giọng ông say sưa, rừng ngập mặn quê tôi đấy, chú có biết không? Dân ở đây vẫn quen gọi là rừng quốc gia. Có lẽ ở vùng đất tỉnh Thái Bình không ở đâu có khu rừng ngập mặn ngăn sóng biển, chạy dài gần 5 km, chiều ngang 3,5 km, với diện tích trên 1.500 ha rừng như ở nơi đây.
Chủ tịch xã Vũ Tiến Thiện có dáng người rắn chắc, nước da nâu sạm gió biển, tươi cười dẫn chúng tôi tới các khu di tích lịch sử, văn hóa của địa phương. Vùng đất ven biển này vốn từ xưa đã nổi tiếng với tam tri tứ miếu, chi chỉ lục đền, Ba Za chùa Bến thì nay lại là điểm đến của các đoàn du khách trong nước và ngoài nước về đây du ngoạn ,tham quan rừng ngập mặn hoặc thưởng ngoạn ngắm cảnh các di tích lịch sử đền Chòi, chùa Bến, chùa Chỉ Bồ… Chỉ có điều đáng tiếc là ngành du lịch của Thái Bình còn phát triển chậm, vì thế các “tua” du lịch về đây còn hạn chế.
Có lẽ ít nơi nào trên đất Thái Bình lại có phong cảnh thơ mộng hữu tình như ở đây. Đúng là sóng ru cây rừng. Không chỉ có cảnh đẹp, đình chùa mang tính nghệ thuật kiến trúc độc đáo của các triều Lê, Nguyễn mà vùng đất nơi đây còn tiềm ẩn rất nhiều di tích lịch sử có liên quan đến truyền thống dựng nước chống giặc ngoại xâm của ông cha ta từ ngàn xưa. Cụm di tích đền Chòi, chùa Bến, chùa Chỉ Bồ… được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử cấp quốc gia. Vào thời nhà Trần nơi đây có chòi gác Tiền Tiêu tại cửa sông Hóa (phải chăng vì thế đền có tên là đền Chòi). Cũng tại khu vực cửa biển Đại Bàng (Thái Bình) và cửa sông Văn Húc (Hải Phòng), vào ngày mùng 6 tháng Giêng năm 1288, quân đội nhà Trần dưới sự chỉ huy của Trần Quốc Tuấn và Tướng quân Phạm Ngũ Lão đã đánh chìm hàng trăm chiến thuyền của giặc Nguyên - Mông, mở đầu cho chiến dịch phản công Tây Kết, Hàm Tử Chương Dương… đánh đuổi quân xâm lược Nguyên - Mông ra khỏi đất nước Đại Việt.
Mê mải đắm chìm trong câu chuyện về di tích lịch sử của Chủ tịch xã Vũ Tiến Thiện, bước chân đã đưa chúng tôi tới bến đò Ngảnh ở cửa sông Hóa. Bên kia sông là hai xã Đông Hưng, Tây Hưng của huyện Tiên Lãng - Hải Phòng. Người thanh niên chở đò đưa chúng tôi tiến gần tới cửa sông Hóa Giang, trước mặt chúng tôi là cánh rừng ngập mặn trải dài vươn cao trên sóng nước. Có những cây cao tới dăm bảy mét. Thuyền tới cửa sông đổ ra biển, thấy chàng trai vui vẻ, tôi gợi chuyện làm quen. Sau vài câu nói vui đùa, Hải (tên người lái đò) đã vanh vách giới thiệu với chúng tôi hàng chục loài cây ở trong rừng chắn sóng: Cây bần đất, cây gai rơi, cây sú, vẹt, cây vọng đắng, cây dây leo… Hải lớn lên cùng với bãi biển cạn và khu rừng ngập mặn. 8 tuổi anh đã theo cha mẹ xuống thuyền. Khó mà có thể tưởng tượng nổi mới 38 tuổi nhưng anh đã sống trên thuyền 30 năm trời. Theo lời Chủ tịch Thiện, năm 1990, Hải được xã cử đi chèo đò chở khách qua cửa sông Hóa sang xã Tây Hưng, Đông Hưng - Hải Phòng.
Thuyền qua khu rừng non trẻ vào tới rừng nguyên sinh. Ở đây có tới trên 300 ha rừng nguyên sinh. Càng đi sâu vào rừng bần, ta càng thấy thú vị, nhất là khi tới thăm khu rừng già. Theo những bậc cao niên ở địa phương, trước đây ở bãi biển cửa sông cũng có rừng, có những cây bần cổ thụ cao dăm bảy mét, tuổi thọ tới trên 100 năm. Rễ của một cây bần có thể đâm sâu, lan dài tới hàng sào đất bãi bồi. Trước đây rừng chắn sóng từ chân đê sát bãi biển chỉ có khoảng 1 km; khoảng cách ấy nay đã thay đổi gấp 4 lần. Với gần 4 km chiều ngang, gần 5 km chiều dài của rừng bần, du khách đi cả tua bằng thuyền len lỏi qua các kênh rạch cũng phải mất 3 - 4 tiếng đồng hồ mới khép kín được một vòng tròn. Ngồi trên thuyền lướt qua các cánh rừng bần, ông Thiện sôi nổi nói: Thụy Trường là xã ven biển, nhưng đất chật người đông, diện tích đất nông nghiệp và trồng hoa màu có 350 ha. Bình quân chỉ có 360 m2/người. Chủ yếu là đất bồi, đất thổ cư, toàn xã có 60 ha, rải rác ở các thôn. Sản xuất nông nghiệp cho năng suất thấp. Vì vậy hàng chục năm nay được sự chỉ đạo của UBND tỉnh, Huyện ủy, Đảng ủy và chính quyền xã Thụy Trường đã mạnh dạn đưa dưa hấu, dưa gang xuất khẩu về trồng, bên cạnh đó trồng xen cây thuốc lào, thuốc lá… Kết quả thật bất ngờ, mỗi năm thu hoạch hơn 100.000.000 đồng/ha. Nhưng mục tiêu chính của xã vẫn là nhìn ra biển. Việc trồng rừng chắn sóng luôn được chính quyền các cấp chú trọng với sự đầu tư giúp đỡ của chính phủ Đan Mạch, mỗi năm hàng vạn cây bần giống và các loại cây nước mặn khác được đem ra trồng trên vùng biển bồi. Anh Thiện tâm sự với chúng tôi: Lúc đầu vận động bà con gây giống cây bần, cây sú, vẹt… để trồng rừng cũng không phải là đơn giản, các cây giống phải được ươm trồng theo đúng phương pháp khoa học. Cây bần còn có tên là cây thủy liễu, là loại cây đặc thù sống ở vùng bồi lắng đọng phù sa. Bần là loại cây thân gỗ, có cây trồng lâu năm cao tới 10 – 15 mét, trổ hoa quanh năm nhưng hoa nở nhiều nhất là từ tháng 3 - 4 dương lịch; quả bần chín vào khoảng từ tháng 4 - 11 Âm lịch. Khi mới nảy mầm, cây con có một bao dày màu trắng để cây có thể chịu đựng được nước ngâm lâu dài. Hoa bần là một loại hoa đơn độc thường ra ở phần đầu ngọn của cành, đế có hình trụ, ở mặt ngoài của hoa có màu xanh và màu đỏ ở phía trong của hoa. Khi cây bần cao khoảng 20 – 50cm thì đội trồng rừng mới bứng ra trồng trên vùng đất bãi bồi. Đặc biệt là phải chọn đúng mùa nước cạn, phù sa lắng đọng, bồi lên cao, biển ít bão tố, ít giông gió mới trồng được. Còn nếu cứ làm liều để lấy thành tích, không cẩn thận theo dõi thời tiết khí hậu, con nước lên xuống thì chỉ cần một trận sóng lớn, nước dâng, biển động, bão tố ập vào cuốn sạch các cây con mới trồng. Chi phí cho 1 ha trồng rừng bần, sú vẹt… khoảng trên dưới 2 triệu đồng; nhưng việc giải thích vận động nhân dân bảo vệ được cây mới trồng, giữ được những cánh rừng già mới là khó. Đội bảo vệ rừng ngập mặn của xã chỉ có 7 người, họ phải trông nom, chăm sóc trên 1.500 ha rừng, công việc đâu phải đơn giản. Không chỉ lo bảo vệ cây non mới trồng mà còn ngăn chặn một số người vì tư lợi trước mắt mà chặt phá rừng để làm bãi nuôi tôm, nuôi ngao hoặc đốn cây về làm củi đốt bếp, đốt lò… Công việc vất vả khó khăn nhưng lực lượng bảo vệ rừng không quản ngày đêm, mưa nắng vật lộn với sóng gió, bão tố để bảo vệ rừng. Họ luôn tận tâm, tận lực phối hợp với bộ đội biên phòng làm tốt công tác phòng hộ, bảo vệ rừng biển quê hương. Bởi hơn ai hết họ là những người hiểu rõ lợi ích của việc trồng rừng, bảo vệ rừng để ngăn nước mặn tràn vào nội đồng; mặc dù tiền trợ cấp cho việc chăm nom trồng rừng, bảo vệ rừng, mua sắm trang thiết bị cho lực lượng bảo vệ rất hạn chế: bình quân chỉ có 500.000 đồng/ha rừng/năm. Nguồn kinh phí này được tỉnh và huyện hỗ trợ; nhưng lực lượng bảo vệ luôn nhìn tới tương lai và nguồn lợi lâu dài của quê hương vì thế họ đêm ngày sống với rừng, với biển.
Chỉ vài năm nữa thôi cả khu vực bãi bồi cửa sông, cửa biển này cây xanh lại mọc kín. Theo lời ông Thiện, hiện địa phương đang thi công con đường dài 1 km từ Di tích Lịch sử đền Chòi ra thẳng cửa rừng sinh thái. Chắc chắn trong tương lai không xa nguồn lợi du lịch sẽ đem lại cho nhân dân Thụy Trường sự tăng trưởng mạnh mẽ về kinh tế.
Thuyền lướt trong rừng cây, từng đàn chim cò mỏ thìa, sáo, sếu đầu đỏ vụt bay lên chấp chới ở phía xa sóng biển rập rờn. Sếu đầu đỏ là giống chim quý hiếm đã được liệt vào Sách đỏ Việt Nam và loài chim này cần được bảo vệ. Ngồi trên thuyền, Hải chỉ cho chúng tôi khu vực đặt đăng lưới của gia đình anh. Cách bắt tôm cá tự nhiên ở đây thật đơn giản nhưng hiệu quả. Hàng trăm chiếc đăng, lưới được dựng lên bên bờ cửa sông, cửa biển. Khi nước triều lên, cá lọt vào đăng lưới. Khi nước triều xuống, cá giắt lại ở phía trong, dân biển cứ thế lội trên bãi bồi đã cạn nước mà bắt cá. Mỗi tháng 3 – 4 lần bắt cá trong đăng cũng cho nguồn lợi hàng chục triệu đồng. Có hàng chục đầm nuôi trồng thủy sản ở trong rừng bần cho thu hoạch với giá trị kinh tế cao; chí ít mỗi ha cũng thu được từ 40 – 50.000.000 đồng. Hiện toàn xã chỉ có 250ha bãi thả ngao trên diện tích 1.500 ha rừng. Chủ đầm chỉ có 15 hộ, mỗi hộ có từ 5 – 6 lao động. Ngoài ra có hàng trăm hộ hàng ngày ra bãi biển khai thác cá, tôm, ngao tự nhiên. Đầm nuôi trồng thủy sản của ông Nguyễn Sĩ Hùng, Nguyễn Duy Tô… mỗi năm cho thu hoạch hàng trăm triệu đồng.
Quả là biển và rừng cho chúng ta nguồn lợi vô kể, nếu con người biết trân trọng và bảo vệ nó. Thực tế đất đai ở trong nội đê của xã thấp hơn hàng mét so với đất bãi ở vùng ngập mặn. Nếu không có rừng chắn sóng, nước triều dâng lên, đê vỡ thì hàng chục xã ở khu vực này sẽ bị ngập tràn trong nước biển mặn. Có tới đây tìm hiểu và thăm rừng ngập mặn, mới thấy xót xa cho hàng trăm ha rừng bần, vẹt ở một số địa phương khác nằm ở vùng ven biển bị ồ ạt biến thành bãi nuôi thả ngao, thả tôm. Cần phát triển kinh tế biển nhưng không thể chỉ vì nguồn lợi trước mắt mà phá rừng đi để nuôi thủy sản một cách thiếu sáng suốt như thế được. Có người nói: Nước biển, giông gió, bão táp san bằng bãi ngao, đầm tôm thì chủ đầm còn được trợ giúp vốn; còn trồng rừng thì vất vả, bảo vệ nó còn vất vả hơn mà tiền trợ cấp chẳng được là bao. Biết là thế nhưng không vì tiền trợ cấp ít hay nhiều mà nhân dân Thụy Trường và đội trồng rừng, bảo vệ rừng nản lòng. Bởi hơn ai hết bài học về lợi ích trồng rừng chắn sóng đã tồn tại hàng trăm năm nay ở vùng đất này. Cứ mỗi năm nhân dân địa phương lại trồng lấn ra biển hàng trăm mét rừng. Cứ tuần tự mà tiến, rừng chắn sóng ở Thụy Trường hết năm này qua năm khác lặng lẽ, lừng lững tiến ra biển, đẩy lùi sóng dữ, kéo biển lại gần.
Chiều xuống, thuyền chúng tôi cập bến. Khi chia tay đoàn, ông Nguyễn Trọng Lệ, Bí thư Đảng ủy xã Thụy Trường nói: Phương hướng 5 năm tới (2011 – 2015), Huyện ủy Thái Thụy, Đảng ủy chính quyền xã vận động nhân dân mở rộng diện tích từ 500 ha – 1.000 ha để trồng rừng, theo quy hoạch vùng rừng phòng hộ. Đồng thời sẽ tính toán hợp lý để mở rộng khoảng 500 ha (trước đây đã có 250 ha) đầm nuôi ngao, nuôi tôm và nuôi trồng các loại thủy sản khác. Quan điểm của Huyện ủy, Đảng ủy và chính quyền địa phương là mở rộng rừng đuổi sóng ra xa chứ không phá rừng phòng hộ. Nhưng cần đẩy mạnh kinh tế biển góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhân dân.
Hy vọng tương lai không xa, với thế mạnh hàng ngàn ha rừng phòng hộ cùng những đầm tôm, đầm ngao và nuôi trồng các loại thủy sản khác, kinh tế xã Thụy Trường sẽ phát triển mạnh mẽ. Nơi đây sẽ sớm trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
Bút ký của Đặng Hùng