Người con gái Long Đức

Tiếng máy bay trực thăng Mỹ gầm rú trên bầu trời tối om om. Những trái hỏa châu ném xuống tạo những vệt sáng dài ngoằn lóe lên rồi rực sáng một khoảng trời rồi tắt lịm. Tiếng đại liên bắn xối xả xuống ruộng vườn không thương tiếc tạo những tiếng nổ đoành đoành, lụp bụp điếc tai kèm theo mùi hăng hắc của thuốc súng bốc lên nồng nặc. Bắn chán chúng kéo nhau bay về hướng tỉnh lỵ Vĩnh Bình. Dưới những rặng tre xanh to đùng kết chặt nhau như những bức tường thành che khuất bầu trời đêm, tiếng đục, đẽo, cưa, búa đóng đinh cứ đều đều vang lên. Tiếng kéo tôn nghe loảng xoảng, xèn xẹt, khẩn trương, dồn dập.

 

Minh họa: Trần Thắng


- Sao rồi? Có đứa nào “dính chấu” hôn bây? Tao lo quá. Ba mẹ nó. Nó có ngon về bắn xuống mồ mả ông bà nó kìa. Dân Long Đức nầy mắc mớ gì mà nó mần ăn “sống nhăn” vậy chớ? Tiếng Má Bảy sang sảng uất ức.


- Hổng sao hết. Thôi má ơi! Chửi chi cho mỏi miệng. Mai mốt tụi con cũng “quằm” nó rớt xuống đây thôi. Có gì ăn hôn má? Làm đền thờ ban đêm đói bụng quá. Tiếng Hai Thảo - nữ tiểu đội trưởng du kích ấp nói vui.


- Khỏi nói. Tao “chửng bị” cả giỏ bánh tét lá cẩm, bánh lá dừa với mấy cái bánh cúng. Tụi bây ăn đi rồi mần tiếp. Tao nghe nói sắp hòa bình rồi. Tụi nó “quợn” lắm rồi hồn vía đâu mà chiến đấu.


- Ngoại hay quá ta. Già quá trời mà cũng rành thời cuộc dữ he.Tiếng con Thắm giao liên trêu ghẹo.


- Bộ già rồi hổng biết theo dõi “Dô tiến”, ra dô hả mậy.


Đây là lần thứ bao nhiêu mà má Bảy và tiểu đội nữ du kích Long Đức đẩy lùi bao đợt tiến công đốt phá đền thờ Bác Hồ đến nay cũng không nhớ hết được. Tiểu đội có mười hai người nay chỉ còn có chín nhưng không một ai rời bỏ nhiệm vụ. Cái điệp khúc quen thuộc cứ lặp đi lặp lại: giặc bắn phá đốt cháy thì vài hôm sau ngôi đền khác lại mọc lên như chuyện liêu trai. Lạ một điều càng bị đốt cháy nhiều thì những lũy tre làng xung quanh đền Bác lại càng mọc lên tươi tốt lạ thường. Ban ngày giặc ném bom tiêu diệt, ban đêm nhân dân và bộ đội lại xây dựng bất kể gian lao nguy hiểm khó khăn. Có một lệ rất thiêng liêng luôn được duy trì trước khi bắt đầu công việc xây đền là đội nữ du kích lại được nghe đọc di chúc thiêng liêng của Bác qua cái máy cát sét cũ xì lâu lâu đứt băng phải dùng băng keo dán lại.


Má Bảy nhớ hoài hình ảnh má con Thắm cùng hai nữ du kích Long Đức bị giặc bao vây bắt được hồi năm 1970 khi đang chất lá dừa, chở ván vô làm đền thờ Bác. Đánh đập, khảo tra, mua chuộc không được, chúng đem tất cả ra xử bắn tại sân banh Trà Vinh này. Hôm bị giải đi qua bờ ruộng đầu xóm, má con Thắm còn ngoái đầu dặn má: Má ráng nuôi con Thắm dùm con để trả thù cho tía má nó mỉm cười nơi chín suối, thôi con đi gặp ảnh và đồng chí mình đây. Lạ. Đau đớn vậy mà con nhỏ hổng khóc, chỉ thấy nó ngước nhìn lên trời cao với đôi mắt trong xanh, với niềm mãn nguyện xen lẫn tự hào rất lạ lùng. Má và bà con Long Đức bật khóc giàn dụa khi những phát súng oan nghiệt chát chúa vang lên cắm sâu vào thân thể má con Thắm và hai người nữ du kích bị chúng bịt mắt trói chặt. Đêm đó, dân Long Đức thức trắng. Không ai nói với nhau một lời. Chỉ có những đôi mắt căm thù giặc trừng trừng bên những rặng tre xanh đang rung lên từng đợt. Trên mỗi gốc tre có treo những mảnh khăn tang màu trắng.


Từ đó, má Bảy vừa là cha, vừa là mẹ để chăm sóc con Thắm. Khổ một nỗi má già rồi sữa đâu mà cho nó bú. Bí quá má chỉ cho nó uống nước cơm sôi pha với đường tán. Vậy mà con nhỏ khoái chỉ bú lèm lẹm. Trời cao có mắt. Nó mạnh khỏe, quanh năm không bị bệnh gì lại xinh đẹp, lớn nhanh như thổi. Năm lên mười sáu tuổi, có lần Thắm hỏi:


- Mai mốt ngoại cho con theo “mấy ổng” trả thù cho tía má con. Mỗi ngày thấy tụi Mỹ - Ngụy lảng vảng trước mặt là con chịu không được nữa ngoại ơi.


- Ờ. Nhưng mà lớn một chút nữa mới được, con nít như bây làm ăn giống gì.


Tưởng nói cho qua nhưng mấy ngày sau má thấy nó tươi cười ra vẻ hớn hở lắm. Trời đất, coi bộ con nhỏ này mần thiệt chớ hổng phải nói chơi. Một đêm tối trời chờ hoài không thấy nó đi học trên tỉnh về, má Bảy ra bàn ông thiên đốt nhang cho tía má nó về phù hộ cho nó bình an vô sự. Má giật thót tim khi thấy một bóng đen lù lù từ dưới mé rạch bò lên nói nhỏ:


- Ngoại ơi! Con Thắm bỏ học trốn theo Việt Cộng rồi. Nó gởi thơ nầy cho ngoại nè. Thôi con đi đây. Nói xong, bóng đen ấy băng xuống mé rạch rồi biến mất trong màn đêm.


Má Bảy buông mấy cây nhang rớt xuống đất rồi ngồi bệt xuống dưới sân khóc nức nở. Mà trách nó sao được. Ai mà không biết căm giận oán hờn trước mối thù gia tộc quá lớn lao như con Thắm. Ngoài sông bìm bịp kêu nước lớn ngày một lớn dần như đang xẻ chia bao nỗi ngổn ngang giằng xé trong lòng má. Má bỏ ăn mấy bữa rồi khăn gói vô đền tìm con Thắm. Gặp nhau hai bà cháu ôm nhau khóc. Biết không thể xoay chuyển tình thế má nói:


- Thôi con đã muốn “thát ly” theo du kích, ngoại cũng hổng cản gì ráo. Nhưng phải làm tròn nhiệm vụ mấy chú giao cho.


Vậy là Thắm ở luôn trong đó. Khí thế xây dựng đền Bác rộn rã hơn bao giờ hết. Hết ngày lại đêm, nhịp độ lao động thật khẩn trương với tấm lòng luôn hướng về Bác kính yêu. Một đêm mưa rất lớn, Thắm nghe có tiếng ai gọi mình khe khẽ ngoài lán trại.


- Ai vậy? Đi đâu giờ này. Hổng nói tui la lên đó nghe. Thắm nói lớn.


- Đừng. Tui nè. Thằng Bớt nè. Cho tui gởi cái nầy nghe. Coi xong nhớ đốt bỏ đừng để ai biết. Kỳ cục lắm. Nói xong Bớt nhét một miếng giấy gấp làm tư qua khe cửa ván gòn rồi chạy thục mạng. Thắm vừa thương lại vừa tức cười. Người đâu mà kỳ lạ. Đánh giặc thì lì như trâu, thậm chí có lần bị thương mà cứ nhe răng cười khì khì khi được Thắm băng bó. Vậy mà cái chuyện ngỏ lời yêu thương thì nhát như thỏ đế. Đọc xong, Thắm áp lá thư chữ viết nguệch ngoạc vào lòng mà rơi nước mắt. Đồ quỷ sứ. Có gì nói đại ra đi. Thắm cũng đang chờ mà. Vậy mà… Thư từ chi cho mắc công đốt bỏ. Trong thư Bớt nói nếu có thương tui thì chờ tới hòa bình, hai đứa mình sẽ làm lễ tuyên bố ngay tại đền thờ Bác Hồ này và mời hết bà con Long Đức chứng kiến.


Những tiếng nổ long trời vang lên kèm theo hàng loạt tiếng đạn bắn xối xả. Giặc lại càn vô. Du kích triển khai đội hình chống trả. Hỏa châu sáng rực. Máy bay trực thăng quần đảo. Đến hừng đông giặc rút lui sau khi bỏ lại hai mươi sáu cái xác nằm ngỗn ngang trên bờ ruộng, gốc dừa. Mọi người hốt hoảng khi thấy vắng một người: thằng Bớt. Cả xóm đi tìm. Thắm cũng đi tìm trong nước mắt, với sự linh tính một điều không may sắp xảy đến cho mình. Quả đúng như vậy. Bớt đã hy sinh dưới rặng tre có đặt hình Bác phía trên, tay anh vẫn còn ôm ghì lấy khẩu súng AK, mắt mở trừng trừng. Đôi mắt ấy chỉ khép lại khi được Thắm vuốt trong tiếng khóc nghẹn ngào. Gió từ miệt biển Ba Động lại phần phật thổi về như muốn chia xẻ nỗi mất mát đau thương quá lớn của một người con gái đang yêu.


- Thôi mình đi một vòng quanh đền để tui kể thêm về xứ sở anh hùng Long Đức nầy cho nghe. Tiếng của Thắm - Người con gái giữ đền năm xưa - nay đã là một người phụ nữ trung niên tóc trắng hoa râm và nụ cười thật hiền hậu, chân chất.


- Rồi sau khi chú Bớt hy sinh, dì có chồng hôn ? Tiếng lũ nhỏ nhao nhao.


- Hông. Già rồi mấy cháu ơi. Sau giải phóng, dì xin vô đây làm nhân viên vừa lo hương khói cho Bác Hồ, vừa chăm sóc phần mộ tía má dì, chú Bớt và nhiều người khác nữa đã hi sinh khi dựng đền thờ. Ai muốn nghe chuyện xây đền hồi xửa, hồi xưa thì dì kể cho nghe. Làm vậy để người đi xa mãn nguyện.


Trong màn đêm đang dần buông xuống, ánh trăng non đang nhú lên sau những rặng tre kêu xào xạc, dì Thắm lặng lẽ bước đi trong khoảng không gian rộng mênh mông. Cuộc đời của dì sẽ gắn bó với nơi này cho đến cuối đời, không còn mong muốn nào hơn.

 

Trấn Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN